Dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều địa phương, mưa trái mùa xảy ra thường xuyên, hạn mặn bắt đầu đe dọa các tỉnh miền Tây, thời tiết thay đổi thất thường hơn do biến đổi khí hậu…
Những liệt kê trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro. Một số nghiên cứu cho thấy, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong sản xuất nông nghiệp lên đến con số tương đương 5% GDP của cả nước. Cụ thể trong năm 2010, con số này là 11.700 tỉ đồng. Những sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội không thể giúp nông dân khôi phục sản xuất.
Một trong những giải pháp hữu hiệu để giảm bớt thiệt hại cho nông dân là sớm triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). BHNN không phải là một câu chuyện mới, nó đã được triển khai ở Việt Nam nhiều năm trước nhưng chỉ phát triển được quanh mốc 1% tổng diện tích gieo trồng lúa của cả nước. Để thúc đẩy sự phát triển của loại hình BHNN, ngày 1.3.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315 về việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011 - 2013 tại 21 tỉnh, thành phố. Nhưng trên thực tế, nó vẫn chưa được cả nông dân và doanh nghiệp quan tâm vì còn nhiều bất cập.
Nhiều công ty bảo hiểm đưa ra mức phí là 4% giá trị mùa vụ - đối với cây lúa, tương đương 300.000 đồng/công. Mức phí này được cho là quá cao trong một quy trình sản xuất vốn phải bỏ ra nhiều khoản đầu tư khác. Cũng theo quyết định 315 của Thủ tướng, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ nghèo; 80% cho cận nghèo và 60% cho các đối tượng cá thể còn lại tham gia bảo hiểm. Song, chủ trương hỗ trợ tiền bảo hiểm cho nông dân cũng bị vướng bởi quy định “phải đạt quy trình sản xuất khá tốt mới được bảo hiểm” - thường chỉ có những hộ khá giàu mời làm được. Như vậy, mục tiêu phòng tránh rủi ro cho người nghèo coi nhưng không thành công.
BHNN là vấn đề quan trọng và cần thiết trong thời buổi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Do đó, các chính sách hỗ trợ nông dân phòng tránh những thiệt hại do thiên tai cần sớm được hoàn thiện để thực sự đi vào cuộc sống.
Bảo Nguyên
Bình luận (0)