Năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Đề án số 4 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ H.Xuyên Mộc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng khẳng định ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ đột phá.
"Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn ưu tiên chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có chất lượng cao cùng quy trình sản xuất tiên tiến, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản bước đầu đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho nông dân", bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND H.Xuyên Mộc, chia sẻ.
Nhiều nhãn nông sản đạt chuẩn xuất khẩu
Tính đến hết năm 2023, H.Xuyên Mộc đã tiến hành khoanh vùng trên bản đồ địa chính và lập danh sách các hộ sản xuất NNCNC trên địa bàn huyện. Trong đó khoanh vùng sản xuất cho 1.900 ha hồ tiêu, 1.000 ha nhãn; 500 ha thanh long; 80 ha cây dược liệu và 600 ha lúa.
Ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuyên Mộc, cho biết trên địa bàn hiện có 6 mã số vùng trồng (được Bộ NN-PTNT cấp) cho 88 ha nhãn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu qua Trung Quốc và Nhật Bản; 2 mã số vùng trồng cho 21,4 ha thanh long đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu qua Trung Quốc.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định công nhận vùng NNCNC cho 500 ha tiêu tại xã Hòa Hiệp và Hòa Hội theo chuẩn SAN đủ điều kiện xuất khẩu qua châu Âu; công nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho 10,2 ha nhãn xuồng cơm vàng, 15 ha nhãn ido cho Tổ hợp tác sản xuất nhãn ido ấp Phú Quý, xã Hòa Hiệp. Công ty TNHH Trang Linh được công nhận là doanh nghiệp NNCNC.
Công ty CP Nông nghiệp Hòa Lâm đã đưa vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao trên một số loại cây ăn trái được hơn 1.000 ha (gồm cây bơ, sầu riêng, nhãn ido, xoài cát, chôm chôm, chuối), ứng dụng công nghệ tưới bán tự động và dùng giống từ cây đầu dòng đưa vào sản xuất. Ngoài ra, công ty đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án khu nông trại Hoa Lâm - phân khu trại bò quy mô 7.000 con, trong đó 5.000 con bò sữa, 1.740 con bê, 700 tấn thịt bò với diện tích 5.567.742 m2. Tổng số vốn thực hiện dự án gần 1.000 tỉ đồng.
Thu hút doanh nghiệp có tiềm lực
Năm 2024, H.Xuyên Mộc đưa ra kế hoạch xây dựng nền sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương phát triển theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao và thân thiện môi trường. Góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng nông lâm thủy sản của huyện bình quân giai đoạn 2020 - 2025 là 4,3%.
Chủ tịch UBND H.Xuyên Mộc Lê Thị Trang Đài cho biết năm 2024, địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng 6 vùng sản xuất NNCNC, trong đó có 850/1.000 ha sản xuất nhãn tập trung ở các xã: Bình Châu, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Phước Tân và Bông Trang. Vùng sản xuất thanh long tập trung ở các xã Bưng Riềng, Bông Trang 350/500 ha. Vùng sản xuất cây hồ tiêu ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Hội, Hòa Bình, Hòa Hưng, Bàu Lâm, Xuyên Mộc diện tích 1.800/1.900 ha. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Phước Thuận diện tích 600/600 ha. Vùng sản xuất cây dược liệu tại xã Hòa Hiệp 75/80 ha. Vùng chăn nuôi heo 115.550 con và 944.500 con gia cầm tập trung ở các xã Bưng Riềng, Hòa Hiệp, Hòa Hội, Xuyên Mộc, Phước Tân, Hòa Bình và Bông Trang. Khai thác sản phẩm từ các vùng, doanh nghiệp NNCNC, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến cuối năm 2024 chiếm trên 45% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.
Bà Lê Thị Trang Đài cho biết thêm trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, có thị trường tiêu thụ để đầu tư sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để liên kết sản xuất những sản phẩm đạt yêu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
"H.Xuyên Mộc xác định phát triển NNCNC là khâu đột phá, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình phát triển nông nghiệp của huyện. Do đó công tác tổ chức, triển khai, thực hiện phải có sự chỉ đạo quyết liệt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở và cả hệ thống chính trị", bà Lê Thị Trang Đài nhấn mạnh.
H.Xuyên Mộc cũng đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh, dựa trên nền tảng của nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao, nâng cao đời sống nhân dân, sản xuất thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Đăng Nhân, Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuyên Mộc, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Những vùng đất quy hoạch vùng sản xuất NNCNC đa phần do dân quản lý, diện tích nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư, khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Kênh tiêu thụ nông sản thiếu ổn định cũng là rào cản khiến nhiều hộ dân còn e ngại khi đầu tư vào NNCNC. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất NNCNC còn thiếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, nhà máy sơ chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Nông dân đã quen với sản xuất nhỏ lẻ truyền thống, vì vậy rất khó khăn trong công tác vận động người dân ứng dụng công nghệ cao, nhất là áp dụng quản lý an toàn dịch bệnh, sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP…
Bình luận (0)