Nông nghiệp công nghệ cao - Kỳ 10 : Nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La

24/04/2015 06:30 GMT+7

Trước nay, nói đến thủy điện Sơn La, người ta thường chỉ biết đó là một trong những công trình thủy điện lớn nhất miền Bắc. Nhưng ít ai biết, hồ thủy điện Sơn La đang dần trở thành nơi nuôi cá tầm - một loại thủy sản có giá trị rất cao để lấy thịt và trứng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Trước nay, nói đến thủy điện Sơn La, người ta thường chỉ biết đó là một trong những công trình thủy điện lớn nhất miền Bắc. Nhưng ít ai biết, hồ thủy điện Sơn La đang dần trở thành nơi nuôi cá tầm - một loại thủy sản có giá trị rất cao để lấy thịt và trứng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Mạnh QuânNhững con cá tầm beluga nặng trung bình 30 - 40 kg/con trong lồng cá ở thủy điện Sơn La - Ảnh: M.Q
Cách không xa đập thủy điện, người ta thấy trên mặt hồ xuất hiện một trại cá có quy mô công nghiệp. Kéo một khoang lưới, có hàng chục con cá tầm trọng lượng 30 - 40 kg quẫy ràn rạt lên mặt nước. Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cá tầm Sơn La (thuộc Tập đoàn cá tầm VN), cho chúng tôi biết: “Đây là loại cá tầm beluga, loại cá quý nhất mà hiện chúng tôi đang nuôi. Hồ này nuôi 35.000 con thì chúng tôi có 77 con beluga loại trên 30 kg và 1.000 con beluga nhỏ”. Beluga là loại cá tầm thuần chủng, có nguồn gốc thiên nhiên được Tập đoàn cá tầm VN nhập từ nước ngoài về những năm 2010 - 2011. Loại cá này, nếu thu được trứng, có giá bán trên thị trường 7.000 - 8.000 USD/kg và thịt 15 - 20 USD/kg.
Theo ông Lê Anh Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn cá tầm VN: “Tới những năm 2005 - 2006, không ai tin rằng nuôi cá tầm ở VN lại thành công vì đây là loài cá chỉ thích hợp nuôi ở vùng nước lạnh như các nước Nga, Belarus... Thực tế, Bộ Thủy sản (cũ) đã nhập về nhưng nuôi không thành công. Tuy nhiên, tôi đã nghiên cứu, tham khảo nhiều và thấy các hồ nuôi ở VN, dù ở nhiệt độ cao hơn nhưng lại rất thích hợp với loại cá này”. Thời kỳ đầu, ông Đức phải thuê một số chuyên gia, nhà khoa học về cá tầm từ nước ngoài sang VN để nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cá. Đặc biệt, ở việc lấy trứng cá tầm, đòi hỏi áp dụng công nghệ, kỹ thuật khá cao để thường xuyên chăm sóc cá tầm mẹ như những “sản phụ”. Các chuyên gia nước ngoài đã hỗ trợ, đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên của tập đoàn này trong việc bảo vệ, lấy trứng và bảo quản, chế biến đạt chất lượng cao nhất.
Mục tiêu là xuất khẩu
Thực tế, Tập đoàn cá tầm VN đã đạt những mốc phát triển đàn cá làm thay đổi cả cơ cấu nuôi trồng thủy sản VN: Năm 2014 đạt sản lượng 400 tấn cá thịt và 4,8 tấn trứng; năm 2015 dự kiến đạt 1.500 tấn cá thịt và 20 tấn trứng. “Thực ra, mục tiêu của chúng tôi không phải sản xuất thịt mà để nuôi lấy trứng xuất khẩu. Hiện chúng tôi đang nuôi tổng cộng 1,2 triệu con, trong đó có vài chục ngàn con đang chuẩn bị vào thời kỳ cho trứng, nên sản lượng trứng sắp tới rất cao. Chúng tôi đang tìm kiếm các kênh để đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga và một số nước châu Âu”, ông Đức cho biết.
Đánh giá cao mô hình nuôi cá tầm của Tập đoàn cá tầm VN, ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch UBND H.Mường La (Sơn La), cho biết tỉnh đang chuẩn bị lập đề án, đề xuất Bộ KH-ĐT tài trợ nuôi 1.000 lồng cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La. “Chúng tôi dự kiến đầu tư mỗi lồng 180 triệu đồng, ngân sách sẽ cấp đầu tư qua mô hình hợp tác xã và người dân chỉ phải đóng góp một phần vốn đối ứng. Con giống, thức ăn sẽ do Tập đoàn cá tầm VN cung ứng. Người dân sẽ trực tiếp nuôi loại cá này, theo quy trình được các kỹ sư của ngành thủy sản và Công ty cá tầm hướng dẫn và sẽ thành lập một công ty cổ phần để điều hành việc kinh doanh, bán sản phẩm cá tầm của người dân”, ông Công nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.