Nông nghiệp đang cần tiền

14/08/2015 08:00 GMT+7

Qua 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, vốn đầu tư vào ngành này vừa thiếu vừa khó vay.

Qua 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, vốn đầu tư vào ngành này vừa thiếu vừa khó vay. 

Nông nghiệp đang cần tiềnSau 2 năm triển khai, nhiều chuyên gia cho rằng đề án Tái cơ cấu nông nghiệp vẫn chưa đạt được yêu cầu - Ảnh: Chí Nhân
Đó là thực trạng được nhiều lãnh đạo địa phương phản ánh trong hội nghị sơ kết 2 năm triển khai đề án Tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do Bộ NN- PTNT tổ chức ngày 13.8 tại Hà Nội. Mục tiêu của đề án là chuyển đổi nền sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết với nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) ứng dụng khoa học công nghệ và tìm thị trường tiêu thụ.
Vốn nhiều nhưng không vay được
Nhìn lại 2 năm triển khai đề án, lãnh đạo nhiều địa phương thẳng thắn chỉ ra điểm nghẽn của quá trình TCCNN. Đặc biệt là vốn đầu tư vào ngành này. Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng quá trình tái cơ cấu nhận thức người nông dân đã khác khi hướng tới đầu tư làm ăn lớn, liên kết với DN nhưng thực tế thì không dễ làm. Ở Quảng Ninh, ba kích là cây trồng chủ lực giúp nông dân có thu nhập cao, DN muốn đầu tư. Hiện tại, vốn đầu tư cho 1 ha ba kích khoảng 300 - 400 triệu đồng. Giả sử như nông dân, DN muốn đầu tư trồng 100 ha thì vốn cần rất lớn. Trong khi tài sản thế chấp không có bao nhiêu, nguồn đảm bảo vay vốn không có. Ngân hàng cũng không chấp nhận cho các diện tích trồng ba kích là tài sản đảm bảo vì rủi ro lớn. Để tăng vốn đầu tư vào nông nghiệp, ông Hậu đề xuất nên có cơ chế cho địa phương thành lập các hội đồng thẩm định, chính quyền đứng ra bảo lãnh, coi đây là hình thức tín chấp. DN và nông dân có dự án và ngân hàng cùng ngồi thẩm định, khi thấy khả thi thì cho vay vốn.
Mỗi địa phương một đề án rất khó thành công
Theo chỉ đạo từ T.Ư, mỗi tỉnh xây dựng một đề án TCCNN của địa phương. Nhưng trên thực tế, nhiều lĩnh vực sản xuất lúa, cá, tôm... mang tính chất của vùng, nếu mỗi địa phương thực hiện một đề án thì làm sao liên kết lại với nhau? Như vậy, muốn TCCNN thành công phải tạo sự liên kết giữa các bộ ngành và các địa phương theo chuỗi giá trị. Cần xây dựng những cơ chế thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Mặt khác, cần phải xây dựng một nền nông nghiệp theo mô hình sản xuất lớn...
Ông Trần Hữu Hiệp (Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)
Có cùng quan điểm, bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng vốn hấp thụ vào quá trình TCCNN còn hạn chế là nguyên nhân chưa hấp dẫn được DN. Theo bà Hà, Bình Định đã chọn hỗ trợ trực tiếp vào ngành khai thác cá ngừ đại dương là thế mạnh của địa phương để hình thành chuỗi khép kín từ khai thác, chế biến đến xuất khẩu. Nhưng thực tế, mục tiêu hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào ngành khai thác cá ngừ vẫn là thách thức lớn. Bà Hà cho biết, công nghệ khai thác cá ngừ của VN, theo đánh giá từ các chuyên gia Nhật Bản đã tụt hậu khoảng 40 năm. Dù Nhật Bản rất muốn nhập khẩu cá ngừ của VN nhưng quy trình khai thác, bảo quản, vận chuyển cá ngừ chưa thể đáp ứng yêu cầu. Để thay đổi ngành này, ngoài đào tạo kỹ thuật cho ngư dân thì phương tiện cần được nâng cấp hiện đại nhưng vay vốn đóng mới tàu thì không dễ. “Trong số 103/305 dự án đóng mới tàu của ngư dân được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, đến nay chỉ có 11 tàu được Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN cho vay”, bà Hà phản ánh.
Nguy cơ thất bại trên sân nhà
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nêu rõ, mục tiêu cao nhất trong những năm tới là nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho nông dân. Cái chính là phải thay đổi cách tiếp cận, từ sản xuất ở một số nơi tự cung tự cấp, sang hàng hóa, có sức cạnh tranh quốc tế.
Trước các kiến nghị khó khăn trong vốn đầu tư vào nông nghiệp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo TCCNN khẳng định, rất khó để ngân sách bố trí riêng nguồn vốn cho quá trình TCCNN mà sẽ vận dụng, tháo gỡ khó khăn trong các chính sách hiện có để tăng vốn đầu tư vào nông nghiệp trong những năm tới. Qua tổng kết và đánh giá từ các ngân hàng, các mô hình liên kết chặt chẽ giữa các nhà thì tốc độ thu hồi vốn, trả nợ rất nhanh. Các địa phương không thể giữ tâm lý chỉ hướng đến thu hút DN lớn đầu tư vào nông nghiệp mà cần tạo chính sách, cơ chế khuyến khích nông dân liên kết thành từng nhóm, chủ động giới thiệu, mời gọi DN vừa và nhỏ đầu tư phát triển các sản phẩm thế mạnh. “Đã không còn nhiều thời gian và phải đẩy nhanh tái cơ cấu bởi khi hội nhập, toàn bộ rào cản thuế được hạ xuống hướng tới cạnh tranh trực tiếp. Nhưng tái cơ cấu nếu còn chậm trễ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng không cao, số lượng không đủ lớn sẽ đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh, thất bại thua thiệt ngay trên sân nhà”, Phó thủ tướng cảnh báo.
Chúng ta đang làm theo cách ấn từ trên xuống
Lấy một ví dụ về trái vải thiều ở miền Bắc, bây giờ Mỹ, Úc chấp nhận sản phẩm của mình, có nghĩa là cánh cửa thị trường đã được mở ra. Nhưng liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội đó? Muốn vậy, chúng ta phải quy hoạch lại vùng sản xuất cụ thể nào đó ở Bắc Giang hay Hải Dương và sản xuất quy mô lớn theo tiêu chuẩn, đầu tư máy móc thiết bị cho khâu thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch. Câu chuyện TCCNN cũng vậy. Chúng ta đang làm theo cách ấn từ trên xuống chứ không xuất phát từ yêu cầu thị trường. Không phải trồng lúa bán không được thì chuyển sang bắp hay đậu. Phải xem những loại cây này trồng như thế nào, bán cho ai, vì trên thực tế người trồng lúa không có kinh nghiệm trồng những loại cây này, chất lượng, năng suất cũng không cao. Nếu chuyển đổi một cách gấp rút không có sự chuẩn bị, sản phẩm sẽ không có đầu ra và lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Chính vì vậy, việc chuyển đổi phải có sự chuẩn bị tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành. Cụ thể, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phải tìm hiểu chỗ nào cần cái gì, từ đó mới quy hoạch sản xuất. Bên cạnh đó phải hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, thị trường cho các DN tham gia thu mua chế biến xuất khẩu.
GS-TS Võ Tòng Xuân
(Chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.