Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại cuộc tọa đàm với chủ đề: Nông nghiệp - Trụ đỡ vững chắc trong biến động, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28.10.
Nhìn nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế - xã hội
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, trong dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục được nhắc đến và khẳng định là trụ đỡ trong nền kinh tế chao đảo. Khi một ngành với hàng chục triệu hộ nông dân, với từng mảnh ruộng, cái ao vẫn có thể ứng biến linh hoạt, năng động trong đại dịch để ngành nông nghiệp “tăng trưởng dương” so với nhiều ngành kinh tế khác.
Nông nghiệp “tăng trưởng dương” như người đứng đầu ngành nông nghiệp nói, là thống kê trong 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế trong đại dịch, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định và tổng kim ngạch 9 tháng đạt 35,5 tỉ USD. Trong đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,32%. Theo thông lệ hàng năm, quý 4 là quý tăng trưởng mạnh nhất và qua làm việc sơ bộ với các hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu, ngành nông nghiệp tự tin đạt mục tiêu xuất đạt 42,5 tỉ USD nhưng còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.
Dù có thành tích tự hào hơn các ngành khác nhưng ông Lê Minh Hoan cho rằng, từ trước đến nay, mọi người đánh giá thông qua các con số tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác.
Chuyển đổi số, tạo nguồn dữ liệu thông tin kết nối cung - cầu đang là giải pháp mở ra hướng mới trong tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 |
CTV |
Đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu. Doanh nghiệp nông nghiệp về quy mô có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng lại có sức lan toả đến hàng chục triệu hộ nông dân, có thể kết nối trở thành sức mạnh.
“Phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP mà đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải một nhóm người”, ông Hoan nói.
Chuyển đổi nông nghiệp theo sản lượng sang tư duy kinh tế, đa giá trị
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn cho rằng, “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa mang tính như “lời nguyền” của ngành nông nghiệp. Nếu trong “bình thường mới” vẫn tiếp tục “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” thì nông nghiệp vẫn là vòng luẩn quẩn. Trong đó, hợp tác xã là giải pháp chuyển đổi nông nghiệp và chỉ có mô hình này mới giúp nông nghiệp vượt qua lời nguyền “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”.
Các hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể. Từng hộ nông dân không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp được. Nhưng hợp tác xã nếu đủ mạnh sẽ "ngồi ngang hàng đàm phán" và "tính" chuyện liên kết với doanh nghiệp.
Dẫn chứng về sản phẩm gạo từ ruộng bậc thang ở Tây Bắc, dù sản xuất quy mô nhỏ lẻ nhưng giá bán, giá trị kinh tế còn cao gấp nhiều lần so với cân gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Bởi trong sản phẩm đó, nó không chỉ có giá trị của thổ dưỡng mà còn có giá trị văn hóa du lịch, đặc trưng vùng miền.
Theo đó, nông nghiệp phải tích hợp được đa giá trị, không chỉ là giá trị hữu hình của trái cam, trái quýt, xoài… mà còn có những giá trị vô hình từ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử địa phương… phải được tích hợp lại để giá trị nông sản tăng theo chiều thẳng đứng, chứ không phải theo chiều ngang.
Ông Lê Minh Hoan (giữa) chia sẻ tại tọa đàm: Nông nghiệp trụ đỡ vững chắc trong biến động |
Cổng thông tin điện tử Chính phủ |
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, để tích hợp đa giá trị vào sản phẩm nông nghiệp, thì ngành nông nghiệp phải được nhìn là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không phải là ngành kỹ thuật hay sản xuất. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, bản thân xã hội, văn hoá cũng là nguồn lực thì văn hoá, xã hội ở nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra những cộng đồng năng động, nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của những người nông dân với nhau.
“Bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021 - 2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó”, ông Hoan nói.
Bình luận (0)