Đó là đánh giá, ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi tới dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ NN-PTNT diễn ra chiều 3.1 tại Hà Nội.
Hóa giải 2 "món nợ" ngành lúa gạo
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu nông, lâm sản nhưng nhờ thực hiện chuyển đổi mạnh tư duy kinh tế, chuyển phát triển từ đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành nên ngành nông nghiệp vẫn có tăng trưởng GDP 3,83%. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỉ USD, thặng dư thương mại lên tới 12,7 tỉ USD. Trong đó, một số mặt hàng ghi nhận có giá trị xuất khẩu cao kỷ lục: rau quả đạt 5,69 tỉ USD, tăng 69,2%; xuất khẩu gạo đạt 4,78 tỉ USD, tăng 38,4% tỉ USD.
"Ngành nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng GDP và xuất siêu cao nhất trong nhiều năm gần đây, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", ông Tiến nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, chia sẻ sau nhiều năm kiên trì xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, đến nay địa phương đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu. Nông sản, sản phẩm chế biến sâu được xuất khẩu đến 21 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sơn La đang định vị phát triển các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu để các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục vươn xa hơn ở cả thị trường trong nước, ngoài nước.
Từ kinh nghiệm thực tế của Sơn La, ông Công khẳng định nông nghiệp nếu cứ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không hướng đến xây dựng được những vùng nguyên liệu lớn, sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn thì không thể thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, không thể đưa công nghệ chế biến sâu vào để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông, lâm thủy sản.
Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo VN, thông tin sản xuất lúa gạo nhiều năm nay sản lượng đều cao hơn năm trước, xuất khẩu ổn định từ 5 - 8 triệu tấn gạo, nhưng vẫn còn mắc "món nợ" là thu nhập người nông dân trồng lúa rất thấp và "món nợ" với môi trường khi sản xuất lúa vẫn lạm dụng hóa chất, phát thải khí nhà kính cao. Nhắc đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, ông Bổng lưu ý khi triển khai đề án này, Bộ NN-PTNT phải giải quyết được những mắt xích yếu nhất là liên kết giữa nông dân với nông dân và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; nếu không làm được thì không thể có chuỗi sản xuất, giá trị khép kín được.
"Chúng tôi tin rằng Bộ NN-PTNT và các địa phương nếu triển khai làm tốt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp thì sẽ giải tỏa được 2 "món nợ" của ngành trồng lúa hiện nay. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm xây dựng thị trường carbon trong sản xuất lúa gạo là thị trường carbon đầu tiên trong ngành trồng trọt", ông Bổng nói.
"Đặt mục tiêu cao hơn để nông dân ngày càng giàu có"
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, kết quả ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023 ghi nhận nỗ lực đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; sự lãnh đạo, điều hành sát sao, xuyên suốt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành của các bộ, ngành T.Ư và địa phương đã chung tay, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại nông sản cả trong và ngoài nước; tinh thần năng động vượt khó của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, chủ động thay đổi thích ứng với xu thế mới của các hợp tác xã, bà con nông dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ năm 2023 qua đi với rất nhiều cảm xúc, tâm tư lo lắng nhưng đến nay có thể khẳng định, cùng với nền kinh tế, ngành nông nghiệp đã vượt khó, lội ngược dòng, vượt "cơn gió ngược" đạt được kết quả đáng trân trọng. Đặc biệt, ngành nông nghiệp xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo tháo gỡ những khó khăn, vượt qua thách thức; chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công và có đột phá trong một số ngành như trái cây, gạo để lập những kỷ lục mới.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá nông nghiệp có tăng trưởng 3,85% là mức rất cao, không chỉ giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân ở nông thôn mà còn góp phần kiềm chế lạm phát, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ nhận định năm 2024 ngành nông nghiệp sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, nhưng không vì thế mà lo sợ, đánh mất bản lĩnh. Theo người đứng đầu Chính phủ, trên nền tảng phát triển của năm 2023 thì chỉ tiêu Bộ NN-PTNT đặt ra tăng trưởng GDP 3 - 3,5%, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 54 - 55 tỉ USD là ở mức độ khiêm tốn, phải tính lại để đặt mục tiêu cao hơn.
"Ngành nông nghiệp xác định khó khăn để có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa. Chúng ta chỉ bàn tiến không bàn lùi, đặt mục tiêu cao hơn để nông dân ngày càng giàu có", Thủ tướng nói và yêu cầu: "Trong năm nay, ngành nông nghiệp tập trung cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh đổi mới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, coi đây là động lực mới trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trong tình hình, bối cảnh hiện nay, đây là đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, là ưu tiên trong đầu tư phát triển, trước mắt là tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển thị trường carbon".
Dứt điểm gỡ "thẻ vàng" IUU
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ NN-PTNT chủ trì, giải quyết bằng được những tồn tại bất cập trong vay vốn đóng mới tàu cá trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP; quyết tâm gỡ bằng được "thẻ vàng" IUU. Thủ tướng lưu ý một số địa phương hiện nay chưa cương quyết trong triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC). Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có kế hoạch đi kiểm tra, rà soát lại.
"Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành địa phương phải thực hiện triệt để kiến nghị của EC, mục tiêu là gỡ "thẻ vàng" IUU trong năm nay, tốt nhất trong 6 tháng đầu năm, nếu để kéo dài thì rất thiệt hại cho đất nước. Các địa phương phải ngăn chặn xử lý tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài. Bộ NN-PTNT nghiên cứu đề xuất trích lập Quỹ Phát triển hạ tầng thủy sản để tập hợp, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng ngành thủy sản", Thủ tướng chỉ đạo.
Bình luận (0)