'Nông nghiệp xuất khẩu 40 tỉ USD mà chăn nuôi chỉ có tí mật ong, trứng muối'

15/09/2020 10:48 GMT+7

Ngành chăn nuôi trong hơn 10 năm qua có tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối, điển hình là rổ thực phẩm tiêu dùng của người dân, thịt lợn vẫn chiếm 70% khiến chỉ số CPI suốt ngày lo thịt lợn lên giá .

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2040, do Bộ NN-PTNT tổ chức sáng nay, 15.9, tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi có sự phát triển vượt bậc về năng suất, chất lượng, đặc biệt là đến nay, chúng ta đã hoàn thành khung khổ pháp lý cho ngành chăn nuôi, đặc biệt với luật Thú y, luật Chăn nuôi,… là cơ sở để vận hành ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại.
Từ chỗ thiếu thực phẩm, đến nay, ngành chăn nuôi đã đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo dinh dưỡng cho người dân. Bình quân hiện nay, ngành chăn nuôi đảm bảo cung cấp cho mỗi người dân trong một năm khoảng 60 kg thịt, 12 lít sữa, 80 kg cá, 200 kg rau xanh, 200 kg trái cây;… chuyển đổi cơ cấu thành công từ chỗ 20 triệu người chăn nuôi đến nay chỉ còn lại 6 - 7 triệu người, và có hệ thống các doanh nghiệp lớn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đồng thời chỉ ra những bất cập ngành chăn nuôi cần hoàn thiện, khắc phục trong chiến lược 10 năm tới.
Cụ thể, ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối, khi rổ thực phẩm tiêu dùng của người dân, thịt lợn vẫn chiếm 70%. Điều này dẫn đến CPI suốt ngày lo thịt lợn lên giá.
Theo ông Cường, cơ cấu này trước đây là phù hợp khi thu nhập bình quân chỉ có 400 USD/người, còn bây giờ, thu nhập bình quân đến 3.000 USD/người thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đòi hỏi phải khác trước, không để 70% rổ thực phẩm trông chờ vào thịt lợn, là nguy cơ rủi ro.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi phải xác định 3 khâu quan trọng nhất để phát triển bền vững là sản xuất, chế biến, và tiêu thụ. Nhưng hiện nay, ngành này chỉ làm được khâu sản xuất, trong khi chế biến thì lõm bõm.
“Như thịt lợn, đất nước đã có 40% dân cư đô thị, 30 triệu công nhân mà bây giờ vẫn còn những cái lò mổ thủ công, loẵng quãng mổ mấy con lợn để đưa ra thị trường bán, làm sao phù hợp nữa. Các nhà máy hiện đại chế biến rất ít, có những ít, kể cả chuỗi gà, chuỗi lợn chế biến kém”, ông Cường đánh giá.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, một điểm tồn tại nữa cần phải khắc phục là đưa chăn nuôi lên làm ngành chính trong ngành nông nghiệp; và phải hướng đến mục tiêu xuất khẩu.  
“Không để như hiện nay, ngành nông nghiệp xuất khẩu 40 tỉ USD, sản phẩm đi 120 nước, nhưng soi kính hiển vi không thấy ông chăn nuôi đâu, chỉ có tí mật ong, trứng muối, lợn sữa thì chả có nghĩa lý”, ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.