Đại diện Nhà hát Kịch TP.HCM là ông Âu Ngọc Khánh và các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm ông Trần Quý Bình, Phó giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM; ông Trần Khánh Hoàng, nguyên giám đốc Nhà hát Kịch đều có mặt.
|
Đúng 8 giờ, Ngọc Trinh có mặt tại tòa trong trang phục áo trắng quen thuộc và cho biết: “Do vụ án kéo dài quá lâu, lại bị luật sư bên bị đơn vặn vẹo đủ thứ nên tôi hơi bị bức xúc. Hôm nay, tôi sẽ cố gắng giữ bình tĩnh để trả lời thẳng thắn, chi tiết những câu hỏi của hội đồng xét xử để cho vụ án được làm sáng tỏ”.
Có mặt tại tòa, diễn viên Hoàng Anh cho biết: “Trong 6 vở kịch mà chị Trinh dàn dựng ở Nhà hát Kịch TP tôi tham gia tất cả. Mọi chuyện tiền bạc, ăn uống chị Trinh đều thanh toán cho diễn viên đầy đủ nên hay tin chị gặp nạn tôi đến ủng hộ chị đòi quyền lợi”. Diễn viên Trịnh Kim Chi từng đứng chung sân khấu với Ngọc Trinh tâm sự: “Tôi thương Trinh thì tới. Vả lại tôi cũng đang gầy dựng một sân khấu nhỏ mang tên mình nên phải tìm hiểu để có cách ứng xử cho phù hợp. Chỉ mong tranh chấp của hai bên sẽ được giải quyết có tình có lý, chứ đừng để diễn viên phải chịu thiệt thòi”.
Còn NSƯT Kim Xuân mặc dù đang bận lịch tập ở sân khấu Idecaf và làm giám khảo Kịch cùng Bolero nhưng vì Ngọc Trinh, bà cũng không ngại đường xa đến tòa để lên “dây cót” tinh thần cho đứa em gái mà bà rất thương.
|
Ở phần xét hỏi, thẩm phán đặt nhiều câu hỏi xung quanh các biên bản họp của Nhà hát Kịch về việc chấm dứt hợp đồng thỏa thuận hợp tác với Ngọc Trinh. Ngọc Trinh cho rằng biên bản họp ngày 1.11.2014 giữa bà với nhà hát bàn về vấn đề nộp thuế tiền bán vé là 2% diễn ra căng thẳng do mức đưa ra quá cao, trong khi trước đó Ngọc Trinh chỉ phải nộp 5% và không phát sinh thêm thuế khác. Ông Trần Quý Bình đề nghị bà phải đóng phần thuế này nên bà yêu cầu nhà hát phải cho bà kiểm soát số lượng vé bán ra.
Phía Ngọc Trinh đưa ra nhiều bằng chứng cho rằng trong gần 6 tháng hợp tác bà đã phải đầu tư và chịu lỗ rất nhiều. Nhưng đến khi khán giả dần quen với sân khấu và bắt đầu tiến triển tốt thì nhà hát đột ngột hủy thỏa thuận. Nữ diễn viên cũng bảo vệ quan điểm rằng: “Nếu trong quá trình công tác tôi chịu lỗ không được nữa hoặc vì lý do gì của riêng tôi thì tôi chấp nhận tôi làm ăn thua lỗ không đòi gì. Còn đằng này tôi đang làm thì họ đột ngột cắt ngang không cho tôi làm nữa thì đó là họ đã làm thiệt hại cho tôi, họ phải bồi thường chứ”.
Xung quanh vấn đề hợp tác, sau cuộc họp ông Bình khẳng định có ký giấy xác nhận: “Vì không thống nhất trong khai thác hoạt động nên chưa chính thức ký hợp đồng”. Tuy nhiên, Ngọc Trinh giải thích sở dĩ bà chưa ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác do nhà hát đưa vào điều khoản hỗ trợ chi phí nhưng mọi thứ hoàn toàn bà đầu tư 100% nên bà không đặt bút ký được, chứ mọi công việc hợp tác vẫn tiến hành bình thường.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu ông Trần Quý Bình trả lời rõ ràng là trong cuộc họp ngày 1.11.2014 ông có đề nghị quyết định ngừng hợp tác hay đề nghị ngừng hợp tác. Ông Bình cho rằng mình chỉ đề nghị ngừng hợp tác, còn mọi việc cuối cùng như thế nào phải do giám đốc Trần Khánh Hoàng quyết định, chứ ông chỉ là phó. Tòa hỏi: “Vậy, ông có báo cáo tất cả sự việc cho giám đốc biết không?”. Ông Bình nói: “Chiều hôm đó, tôi đã gọi điện thoại trình bày cho ông Hoàng. Ông Hoàng bảo có gì cứ làm việc, rồi ông ấy sẽ là người quyết định cuối cùng”. Tòa hỏi ông Hoàng: "Điều đó có diễn ra đúng như ông Bình nói không?”. Ông Hoàng đáp: “Tôi cũng biết sơ sơ”.
Chủ tọa hỏi Ngọc Trinh: “Tại sao đêm 1.11 bà lại ngừng đêm diễn khi đã bán vé”. Ngọc Trinh cho biết: “Sau khi xác nhận thỏa thuận hợp tác đã bị nhà hát đơn phương chấm dứt, tôi như người mất hồn và suy sụp thật sự. Tuy nhiên với trách nhiệm của mình, tôi đã gọi điện xin lỗi diễn viên và tiến hành trả vé lại cho khán giả. Nhà hát lúc đó cũng không có động tĩnh gì cả. Tôi gọi thầy tôi là NSND Trần Ngọc Giàu than thở: Không biết con có tội tình gì mà lại khổ như vậy thầy ơi. Thầy bảo tôi nên gặp anh Kiệt, giám đốc mới của nhà hát để trình bày. Anh Kiệt có mời tôi qua nhà hát nhưng sợ đụng mặt Trần Quý Bình nên tôi có hẹn anh qua sân khấu 5B Võ Văn Tần nhưng tôi chờ từ trưa đến 4 giờ chiều cũng không thấy anh ấy đến”.
Tòa hỏi ông Trần Quý Bình: "Tại sao nhà hát không có ý kiến gì khi Ngọc Trinh ngưng diễn hoặc có văn bản nhắc nhở". Ông Quý Bình trả lời: “Tại thời điểm đó nhà hát có quá nhiều việc phải giải quyết. Hai bên lại không thể ngồi lại với nhau nên tôi có muốn nhắc nhở cũng không biết gửi văn bản ở đâu cho bà Trinh. Khi ấy bên đối tác bán vé qua mạng với nhà hát cũng làm áp lực dữ lắm”.
Khi tòa tiếp tục hỏi ông Khánh bản hợp đồng hợp tác theo qui chế nhà hát đề ra có điều khoản bồi thường hợp đồng cho phía đối tác không, ông Khánh trả lời: “Dạ, do chưa ký hợp đồng nên chưa phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ phải bồi thường”. Tòa: “Vậy, ông nói một đường làm một nẻo rồi. Một đằng ông bảo bà Trinh phải diễn để bảo vệ thương hiệu nhà hát, đằng khác ông cho rằng chưa ký hợp đồng nên chưa phát sinh nghĩa vụ phải bồi thường, tôi đề nghị thư ký phiên tòa đưa ngay nội dung này vào biên bản?”.
Khi được tòa mời đứng lên, ông Trần Khánh Hoàng còn cho biết thêm: “Tôi ký kết hợp đồng lao động với Ngọc Trinh vào làm diễn viên chính thức là muốn tạo điều kiện thuận lợi cho cô ấy hoạt động lâu dài cho nhà hát”. Tuy nhiên Ngọc Trinh cho rằng: "Với hợp đồng lao động làm nhân viên, tôi thường xuyên bị ông Quý Bình gây áp lực của lãnh đạo nên cảm thấy không được tôn trọng tôi phải làm đơn xin nghỉ việc để tách bạch ra làm đơn vị đối tác của nhà hát cho khỏi nhập nhằng”.
Phía nhà hát cũng đưa ra một số bản xác nhận báo cáo rằng đã trích ngân sách nhà hát để hỗ trợ chi phí cho các diễn viên nhóm kịch Ngọc Trinh trong quá trình luyện tập. Tuy nhiên khi chủ tọa đọc tên các diễn viên trong danh sách thì đa số các diễn viên này đều không hoạt động tại nhóm kịch Ngọc Trinh (theo xác nhận của “bà bầu” tại phiên xử). Nữ diễn viên cũng khẳng định với hội đồng xét xử và chủ tọa rằng tất cả các diễn viên nhóm kịch của mình nói riêng và các diễn viên khác nói chung xưa nay không được trả công trong quá trình tập luyện. Họ chỉ được nhận thù lao duy nhất một lần cuối đêm diễn chính thức. Nhiều thành viên nhóm kịch đứng ra xác nhận và đảm bảo thông tin trên là đúng sự thật.
|
Sau một hồi tranh luận, phía hội đồng xét xử đưa ra phương án hòa giải cho đôi bên. “Nhà hát nào cũng cần diễn viên và diễn viên cũng không thể làm nghề mà không có sân khấu vậy tại sao đôi bên không cho nhau thêm cơ hội? Vì lẽ đôi bên đều có thiện chí muốn mở một nơi “dụng võ” cho các nghệ sĩ trẻ thì nên thử ngồi lại thương thỏa tiếp tục làm việc với nhau”, chủ tọa gợi ý.
Khi nghe chủ tọa nói vậy, nguyên Giám đốc nhà hát TP.HCM Trần Khánh Hoàng cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông cho rằng mình cũng từng là một nghệ sĩ nên cũng yêu nghề và muốn giúp đỡ cống hiến cho thế hệ trẻ. Phó giám đốc nhà hát Trần Quý Bình cho biết thêm phía nhà hát cũng từng đưa ra một bản hợp đồng mong muốn tái hợp tác nhưng phía Ngọc Trinh không đồng ý.
Khi nghe điều này Ngọc Trinh bật khóc nức nở tại tòa: “Một năm sau khi vụ việc xảy ra, khi tôi đã được chấp nhận đơn kiện họ mới yêu cầu tôi hợp tác lại. Tại sao họ không làm điều đó sớm hơn? Tôi lúc đó vừa vui mà vừa sợ. Mà thật sự ông Bình lúc làm việc cứ hay dùng thái độ là người nắm quyền với tôi, tôi thấy mình không được tôn trọng nên dù khao khát được diễn trên sân khấu nhưng tôi thà chọn một sân khấu khác còn hơn là làm việc với ông Hoàng và Bình nữa”.
Cô cũng nhấn mạnh việc theo đuổi vụ kiện là muốn có một sự phân xử khẳng định đúng sai ở đây, vì một người nghệ sĩ còn cần phải bảo vệ danh dự cho mình. Mặt khác, những gì mà mình bị thiệt hại cô cho là cần phải được làm rõ vì đó là mồ hôi, công sức nhiều năm làm nghề của mình.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục.
tin liên quan
Đạo diễn Công Ninh đến ủng hộ 'tình cũ' Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCMSáng 4.7, phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Ngọc Trinh với Nhà hát Kịch TP.HCM tiếp tục diễn ra. Các đồng nghiệp không chỉ đến ủng hộ nữ diễn viên mà còn làm nhân chứng cho cô trước tòa.
Bình luận (0)