Trong khi bộ phim “nói thẳng nói thật về tiêu cực” Đàn trời (kịch bản: Phạm Ngọc Tiến, đạo diễn: Bùi Huy Thuần) đang đầy sức hút trên kênh VTV1 thì bộ phim Đất mặn (kịch bản: Võ Đắc Dự, đạo diễn: Tường Phương) là một tiếng nói khác về cuộc chiến tranh giữ đất của nông dân Đất Mũi - cũng đã được lên sóng HTV9, trong giờ phim 17 giờ 30 phút các ngày trong tuần, từ 2-7.
Sức hút từ giá trị thật
Nếu Đàn trời được chuyển từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn miền núi Cao Duy Sơn thì kịch bản phim Đất mặn là những xâu chuỗi từ ký sự của nhà văn-nhà báo Võ Đắc Danh và bút ký, trường ca của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín về cuộc sống, đấu tranh xương máu của những nông dân chân đất. Hai câu chuyện, hai bối cảnh nhưng cả Đàn trời và Đất mặn đều có chung “sức nóng thời sự” nên đủ sức trở thành tâm điểm quan tâm cho khán giả màn ảnh nhỏ.
Cuộc chiến chống tham nhũng tại vùng nông thôn miền núi vốn đã đầy sức hấp dẫn trong tiểu thuyết Đàn trời, nay được phơi bày sống động trên màn ảnh nhỏ. Đạo diễn Bùi Huy Thuần đã không ngần ngại vạch trần những mặt trái của xã hội, những người lãnh đạo thoái hóa, biến chất, song song đó là hành trình dấn thân, đấu tranh chống tiêu cực của những nhà báo chân chính nơi tỉnh lẻ.
|
Vẫn có ý kiến cho rằng Đàn trời còn khá “nương tay” trong cách xử lý tình huống vạch mặt quan tham (về nhân vật chủ tịch tỉnh mưu mô, giám đốc đài truyền hình tha hóa, giám đốc doanh nghiệp biến chất…) nhưng giá trị tích cực là bộ phim đã được những người trong giới đánh giá cao, nhìn nhận đây là một tác phẩm chính luận sâu sắc, cũng là một tiếng nói chống tiêu cực trên bình diện nghệ thuật.
Trong khi đó, Đất mặn được cho rằng sẽ là bộ phim “đụng chạm đến nhiều người” vì mỗi một nhân vật, một bi kịch trên phim đều được khắc họa từ cuộc đời thật, từ những cuộc chiến giữ đất khốc liệt, có cả máu và nước mắt của người dân. Những câu chuyện đau xót trong các tập bút ký Đồng cỏ chát, Nỗi niềm U Minh Hạ, Canh bạc, Tiếng dội của đất… đã được xâu chuỗi lại thành Đất mặn, như một bản trường ca đau đớn nhưng hào hùng về tinh thần bám đất, bám làng của người dân chân đất, kéo dài qua nhiều thế hệ từ thời khai hoang mở cõi qua những cuộc kháng chiến trường kỳ rồi đến thời đô thị hóa…
“Võ Đắc Dự là một tác giả có tay nghề, có kiến thức chiều sâu về đời sống của nông dân và cũng hiểu thấu được nỗi lòng đau đáu của người dân Đất Mũi nên khắc họa nhân vật nào cũng mang cái hồn của đất, của nỗi đau nhân tình thế thái. Có những cảnh quay mà kết thúc rồi, hàng trăm khán giả theo dõi tại hiện trường và cả diễn viên đều phải rơi nước mắt vì quá xúc động. Có lẽ thân phận, tâm tư của các nhân vật trên phim đã chạm được vào sự đồng cảm của người xem” - đạo diễn Tường Phương cho biết.
Những bộ phim khai thác đề tài “nóng bỏng” tính thời sự, mang hơi thở thời đại luôn có giá trị thu hút riêng. Màn ảnh nhỏ từng có những bộ phim chính luận được yêu thích trước đó: Ma làng, Gió làng Kình, Luật đời, Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh ủy… Ngày 6-7 này, VTV3 phát sóng bộ phim Mặt nạ da người (đạo diễn: Mai Hồng Phong) khai thác đề tài nhà báo chống tiêu cực, hứa hẹn cũng sẽ là bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả màn ảnh nhỏ.
“Dấn thân” làm phim
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong tiểu thuyết lên phim không đơn giản như lời khen “một bộ phim nóng bỏng tính thời sự nhưng cũng đầy chất thơ” mà khán giả đã dành cho Đàn trời. Khi phim ra mắt, đạo diễn Bùi Huy Thuần từng chia sẻ với báo chí cái khó của phim này trước nhất chính là rào cản con người.
Bối cảnh trong tiểu thuyết ai cũng hiểu là tỉnh Cao Bằng nhưng lên phim chỉ là một địa danh “hư vô” Bình Lãng. Bối cảnh phim bị làm khó dễ, đoàn làm phim không hề nhận được sự hỗ trợ giúp sức nào từ tỉnh nhà - vùng đất được nhà văn miêu tả trong tiểu thuyết - khi nội dung phim khai thác về vấn nạn tham nhũng, có thể “đụng chạm” đến giới quan chức địa phương.
Nếu như đạo diễn Bùi Huy Thuần phải đưa đoàn phim đến những vùng đất xa xôi của các tỉnh miền Bắc (Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai...) dựng cảnh cho phim thì đạo diễn Tường Phương cũng “mang quân” rong ruổi từ miền Trung đến khắp các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long để có được những bối cảnh hoàn thiện nhất cho phim.
“Phải làm sao để khán giả tin được là nhân vật thật sự sống trên phim, bằng sức thuyết phục của bối cảnh, bằng cái hồn mà kịch bản và diễn viên đã cùng nỗ lực lột tả. Có khi chỉ một phân cảnh nhân vật đi từ nhà ra chợ mà hình ảnh đường làng thì quay ở Bến Tre, còn cảnh băng qua cây cầu bê tông sang chợ thì quay ở Cà Mau, để khán giả thấy rằng làng quê đang dần bị đô thị hóa” - đạo diễn Tường Phương cho biết.
“Đạo diễn Tường Phương tinh tế lắm, nhiều lúc diễn viên cũng căng thẳng với lịch quay vì sự trau chuốt này. Chưa kể chọn lọc bối cảnh cẩn thận, đạo diễn còn kỳ công tìm lại giống lúa xưa cho gieo trên mấy sào ruộng thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, quay từ lúc nhân vật gieo mạ, rồi chờ đến khi lúa chín thì trở lại quay cảnh gặt, ròng rã cũng cả năm trời.
Lắm khi quay thâu đêm suốt sáng, nhưng được đóng những bộ phim như Đất mặn, anh em diễn viên chúng tôi cũng cảm thấy mình thật sự được cống hiến nghệ thuật đúng nghĩa” - diễn viên Nguyễn Hậu, vai Bảy Xô trong phim, bộc bạch. Ông còn kể phim có bối cảnh quay lại thời chiến, “mấy ông già phải chạy ngược chạy xuôi diễn đại cảnh đánh trận, lội sình vô cùng vất vả, mất sức” nhưng vì tinh thần chung của đoàn phim, ai nấy cũng dốc toàn tâm sức.
Để có được những khung hình đẹp, những câu chuyện làm xúc động lòng người xem, phía sau ống kính, những người làm phim đã có những cuộc dấn thân đúng nghĩa.
Gian khổ, khó khăn Làm phim chính luận, nhất là đề tài nông thôn hay khai thác bối cảnh xưa, xa xôi luôn là “hành trình trần ai” của những đoàn làm phim. “Đi đến tỉnh nào, tôi cũng mượn xe máy đi sâu vào trong thôn xóm. Tìm bối cảnh xa xưa ở đồng quê bây giờ cũng khó lắm. Bối cảnh ngôi nhà của nhân vật Ba Mạnh (diễn viên Thạch Kim Long) may mà chúng tôi kịp tìm đến sớm, xin phép sửa lại mái ngói, lót gạch tàu nhưng vừa quay xong thì bị giải tỏa ngay”- đạo diễn Tường Phương nói. Đạo diễn Lê Phương Nam cũng từng dấn thân gian khổ từ Vịt kêu đồng đến Đồng quê. Không ít lần anh em đoàn phim Đồng quê phải ăn và nghỉ trưa trên rễ đước khi đoàn quay ở bối cảnh sâu trong rừng đước Cần Giờ, làm việc cật lực đến thâu đêm suốt sáng, thậm chí là trong mưa bão. Từ trường quay tại tỉnh Điện Biên, đạo diễn Nguyễn Dương cũng cho biết anh và đoàn phim Bí mật tam giác vàng có rất ít thời gian nghỉ ngơi, “gian khổ, đổ mồ hôi, nước mắt và cả… máu nữa” - đạo diễn phim Cổng mặt trời chia sẻ. |
Theo Tiểu Quyên / Người Lao Động
Bình luận (0)