'Nóng rực' chuyện hoàn thuế

Thanh Xuân
Thanh Xuân
28/09/2024 06:17 GMT+7

Hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn là một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp phản ánh, bức xúc trong hội nghị đối thoại với người nộp thuế 5 tỉnh, thành phố phía nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An) do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 27.9.

6 năm không được hoàn thuế 529 tỉ đồng

Trong suốt một ngày đối thoại, ngoài những thắc mắc về thực hiện chính sách thuế, vấn đề được các doanh nghiệp (DN) phản ảnh nhiều nhất là hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng chậm hoàn thuế trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Fococev Việt Nam, bức xúc: Công ty thành lập 50 năm nay, là đơn vị được phong Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là DN luồng xanh trong hải quan. Thế nhưng từ tháng 11.2018 - 9.2024, nghĩa là 6 năm trời, DN không được hoàn thuế lên tới 529 tỉ đồng. Trong khi đó, công ty thực hiện đầy đủ các chứng từ hồ sơ hoàn thuế theo quy định, thậm chí cơ quan công an trả lời chưa tìm ra dấu hiệu gì cho thấy DN có liên quan đến vi phạm. 

Thế nhưng đến nay, Cục Thuế TP.HCM vẫn chưa giải quyết. Sau đó DN có kiện ra tòa và tòa xử thắng cho công ty nhưng cơ quan thuế vẫn không chấp nhận. Nếu tình trạng này kéo dài tiếp nữa thì công ty sẽ phá sản. "Cơ quan thuế hiện mới quan tâm về chỉ tiêu ngân sách mà chưa quan tâm đến chỉ tiêu hoàn thuế. DN hiểu sự thận trọng của cơ quan thuế nhưng chúng tôi sai thì chúng tôi chịu. Qua hội nghị này, DN mong cơ quan thuế cố gắng hoàn thuế cho chúng tôi", ông Nguyễn Thanh Phương khẩn thiết.

'Nóng rực' chuyện hoàn thuế- Ảnh 1.

Doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về thuế tại hội nghị

ẢNH: THANH XUÂN

Đại diện Công ty TNHH Sài Gòn PTS cũng nêu một loạt vấn đề gặp phải trong thời gian qua liên quan đến vấn đề hoàn thuế. Theo đó, Công ty PTS hoạt động thương mại, mua trực tiếp từ các nhà cung cấp và xuất khẩu hàng đi nước ngoài. Muốn được hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu chờ xác minh tỷ lệ khoáng sản 51%. Mà muốn xác minh được tỷ lệ này thì phải chờ 20 nhà cung cấp hàng cho DN thực hiện quyết toán thuế nên không biết phải chờ đến khi nào. Chưa kể trong quá trình chuyển đổi sang hóa đơn điện tử, DN có xuất hóa đơn giấy nhưng lại bị cơ quan thuế ra quyết định xử phạt. Khoản này cũng bị loại khỏi hồ sơ hoàn thuế nên không biết như vậy có đúng hay không, dù DN đã đóng tiền phạt. Trong hồ sơ hoàn thuế, có những hóa đơn cần phải chờ xác minh, số tiền bị treo qua kỳ tiếp theo. 

"Vậy trong trường hợp những hóa đơn chưa xác minh được thì cơ quan thuế giải quyết như thế nào?", đại diện công ty chất vấn và cho biết: bản thân DN nhận hóa đơn đầu vào của những công ty đóng cửa, bỏ trốn (sau thời điểm xuất hóa đơn) cũng khá đau khổ bởi chi phí bị loại, số thuế phải đóng tăng lên. Chưa kể, DN được hoàn thuế trước - kiểm tra sau nhưng sau đó chi cục thuế lại yêu cầu kiểm tra trước, hoàn thuế sau. "Số tiền DN chưa được hoàn không biết găm đến bao giờ, trong khi hoạt động kinh doanh của công ty hiện nay cầm chừng", đại diện công ty bức xúc.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH MTV SIGMA Long An nhận xét: "Hồ sơ hoàn thuế những năm gần đây rất chậm, so với mấy năm về trước, hồ sơ bằng giấy lại nhanh. Hiện đã chuyển đổi số, hóa đơn điện tử nên Tổng cục Thuế cân nhắc việc phân loại hồ sơ hoàn thuế theo luồng xanh, vàng, đỏ như hải quan đã làm. Sau hoàn thuế, còn công tác hậu kiểm nữa nên cần thiết thì hoàn trước kiểm sau, có thể kiểm ngay sau khi hoàn chứ không phải theo quy định 3 - 5 năm sau. Lúc đó, có sai sót thì truy thu hoàn ngay".

Các DN xuất khẩu gỗ tại chỗ cũng cho biết việc hoàn thuế kéo dài nhiều tháng vẫn chưa được giải quyết gây ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của DN. Đại diện DN kiến nghị nên có hướng dẫn cụ thể hơn. Nếu không cho phép mô hình xuất khẩu tại chỗ thì hải quan nên chặn từ khâu làm thủ tục hải quan, và các cơ quan nên cho phép DN có thời gian chuyển tiếp để thực hiện chứ không phải truy thu thuế trong quá khứ.

Yêu cầu giải quyết nhanh vướng mắc của DOANH NGHIỆP

Theo đại diện Công ty TNHH Asahi - Nutifood, đơn vị đã hoàn thành thủ tục quyết toán thuế để giải thể từ năm 2022 và đã có biên bản kiểm tra. Tuy nhiên, công ty còn đang chờ quyết định hoàn thành nghĩa vụ thuế từ Cục Thuế TP.HCM để thực hiện hoàn thuế GTGT và đóng cửa DN. Cho đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa nhận được phản hồi về việc xử lý hồ sơ giải thể và hoàn thuế GTGT. Qua hội nghị này, đại diện công ty đề nghị Cục Thuế TP.HCM xem xét phản hồi hồ sơ của công ty còn vướng những vấn đề nào không, và thời gian bao lâu sẽ trả kết quả để công ty thực hiện chuyển tiền về nhà đầu tư.

Ngay tại hội nghị, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, yêu cầu Cục Thuế TP.HCM giải quyết ngay để DN thực hiện chuyển tiền cho nhà đầu tư. Ông Mai Sơn khẳng định hiện nay có 80% hồ sơ thuộc diện hoàn trước. Nhưng thời gian qua không phải hoàn chậm hơn, mà do một bộ phận DN sử dụng hóa đơn đầu vào không đảm bảo. "Rất nhiều vụ án mua bán hóa đơn đã bị phát hiện thời gian gần đây. Chính vì vậy, cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để cùng đối chiếu, giúp DN quản trị tốt hơn đầu vào của mình", ông Mai Sơn thông tin.

Phản hồi ý kiến của Công ty Fococev Việt Nam, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ kê khai - kế toán thuế Tổng cục Thuế, cho biết Fococev là một trong những DN xuất khẩu bột sắn có mua bán với DN Trung Quốc. Qua làm việc giữa cơ quan thuế của Trung Quốc với cơ quan thuế của VN cho thấy phía Trung Quốc có DN không tồn tại, không hoạt động. Do đó, cơ quan thuế rất băn khoăn khi áp dụng hoàn thuế GTGT. Còn đối với khoản tiền 127 tỉ đồng (kỳ hoàn thuế 11.2018 đến 5.2020), tòa án TP.HCM đã tuyên hủy quyết định thu hồi thuế, buộc trả lại tiền đã truy thu cho DN. Thế nhưng đến nay, Cục Thuế TP.HCM vẫn chưa nhận được bản án chính thức của tòa. Hiện Cục Thuế TP.HCM đang củng cố hồ sơ để kháng cáo. Khi có bản án cuối cùng, cơ quan thuế sẽ thực hiện.

Trước hơn 300 DN tham dự đối thoại, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành thẳng thắn cho rằng nguyên nhân của những vướng mắc đến từ văn bản chính sách chưa rõ nên nhiều khi chưa áp dụng ngay được. Các vấn đề khác như hóa đơn, hoàn thuế, thuế thu nhập cá nhân… tạo ra nhiều lo lắng cho người nộp thuế. "Nhưng DN xuất hóa đơn mà không nộp thuế thì sao có thể hoàn? Chính vì vậy, cơ quan thuế mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng DN đối với những thách thức cơ quan thuế đang phải đối mặt trước thực trạng gian lận về hóa đơn, về hoàn thuế", ông Thành phân trần.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, thủ đoạn trốn, tránh thuế ngày càng tinh vi đã phần nào ảnh hưởng cả tới những đơn vị tuân thủ tốt, chấp hành pháp luật thuế. "Từ tháng 6.2023, cộng đồng DN phản ánh bức xúc về chậm hoàn thuế khá nhiều. Đến nay tình hình phản ánh ít hơn nhưng cơ quan thuế phải tích cực hơn nữa trong thời gian tới. Cơ quan thuế đang khẩn trương nghiên cứu và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến để phát hiện sớm những hành vi gian lận, trốn, tránh thuế, từ đó hướng tới môi trường hóa đơn sạch; áp dụng trí tuệ nhân tạo trong việc trả lời vướng mắc tự động; và chấm điểm sự hài lòng của người nộp thuế đối với cơ quan thuế, từ đó đem lại sự công bằng cho những người nộp thuế có ý thức tuân thủ cao, chấp hành tốt pháp luật thuế, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh, minh bạch", ông Thành cam kết. 

Hiện tượng sử dụng thông tin cá nhân kê khai thuế

Về hiện tượng phát hiện khai khống trên ứng dụng eTax, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, cho biết qua theo dõi cơ quan chức năng nắm bắt thông tin việc DN lợi dụng tên, CCCD của người nộp thuế để kê khai chi phí nhằm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là hành vi gian lận nên Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm các DN dùng thông tin cá nhân gian lận thuế, tránh trường hợp cá nhân phát hiện và liên hệ cơ quan thuế mà không kịp thời giải quyết. Để thuận tiện cho cá nhân phản ánh, trên ứng dụng eTax, có mục để người nộp thuế phản ánh nhanh nhất tình trạng này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.