Thủ tướng: Áp dụng hóa đơn điện tử trong livestream bán hàng

10/06/2024 13:58 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 123 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, ăn uống...

Sáng 9.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ các "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Thủ tướng: Áp dụng hóa đơn điện tử trong livestream bán hàng- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường quản lý thuế lĩnh vực livestream

NHẬT BẮC

Theo Thủ tướng, đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu, nhằm tháo gỡ 5 "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18.

Dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu.

Thể chế, cơ chế, chính sách về thương mại điện tử còn chậm thay đổi, chưa bám sát tình hình thực tế và phù hợp với thông lệ quốc tế; chưa xây dựng chiến lược về phát triển thương mại điện tử mang tính dài hạn.

Cạnh đó, phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu". Vẫn còn các thôn, bản "trắng" sóng, "lõm" sóng, chưa có điện lưới để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục vụ công tác chuyển đổi số, Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử.

Triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm. Định danh, xác thực cá nhân, tổ chức, triển khai hóa đơn điện tử còn gặp nhiều khó khăn, rào cản.

Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng. Vẫn còn tình trạng chưa bảo đảm về an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu công dân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Đặc biệt, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung. 

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành nghị định hướng dẫn một số điều của luật Căn cước. Thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.

Bộ Công thương nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển bền vững các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, phản ánh thời gian qua có hiện tượng mạng xã hội xôn xao với những buổi livestream bán hàng, doanh thu cả trăm tỉ đồng mỗi ngày.

Theo ông, giá bán ở các phiên livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, gây bất ổn thị trường. Đại biểu đề nghị lãnh đạo Bộ Công thương nhận định vấn đề này và cách xử lý; liệu có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới hay không. Tuy nhiên, câu trả lời chưa được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.