Báo cáo tại hội nghị cho biết toàn khu vực có 1.269 xã thực hiện Chương trình NTM. Trong 3 năm thực hiện Chương trình, các địa phương đã tập trung nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông nông thôn (GTNT), thủy lợi tạo điều kiện phát triển hạ tầng, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo trong huy động các nguồn lực góp phần xây dựng NTM như tỉnh Cà Mau đã huy động các nguồn lực để hoàn thành đề án 1.588 cầu GTNT; Bến Tre huy động nguồn lực từ dân và nhà tài trợ để xây dựng hàng ngàn cầu bê tông nông thôn, Hậu Giang huy động được hơn 1.200 tỉ đồng để xây dựng đường ô tô về trung tâm các xã…
Tính đến cuối năm 2013, bình quân các xã NTM trong khu vực đạt 9,23 tiêu chí (tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011). 18 xã đạt 19 tiêu chí NTM; trong đó Long An, Trà Vinh, Hậu Giang là những tỉnh có nhiều xã đạt 19 tiêu chí. 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí, tập trung nhiều ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau. Qua 3 năm thực hiện, NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân tăng 10%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3%...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh mục tiêu của hội nghị nhằm đánh giá tình hình xây dựng NTM trong điều kiện đặc thù của ĐBSCL, trao đổi kinh nghiệm hay trong quá trình thực hiện giữa các địa phương; đồng thời chỉ ra những khó khăn, tồn tại và thách thức nhằm giúp các bộ, ngành T.Ư nắm rõ tình hình để có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.
Tới đây, các địa phương ở ĐBSCL sẽ tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” trong xây dựng NTM, nhất là về cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để tạo chuyển biến đột phá thúc đẩy phát triển chung. Phấn đấu đến năm 2015 có 85% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn kỹ thuật Bộ GTVT, 40% các công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh…
Kim Anh
Bình luận (0)