Nông thôn xưa trong lòng Hà Nội

20/03/2010 14:52 GMT+7

(TNO) Đó là bảo tàng tư nhân của ông Trần Phú Sơn ở trên tầng bốn rộng hơn 80m2, trong ngôi nhà số 3, ngõ 49, phố Vân Hồ 2, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bảo tàng của ông Sơn được công nhận là bảo tàng tư nhân về sản xuất, kinh doanh của nông dân đồng bằng Bắc Bộ đầu tiên được Bộ Văn hóa cấp bằng chứng nhận ngay sau khi Quy chế “thành lập bảo tàng tư nhân” được ban hành.

Với trên 100 hiện vật, bảo tàng được ông Sơn phân chia thành hai khu, khu sản xuất và khu sinh hoạt… tái hiện lại một cách rất chi tiết, đầy đủ về cuộc sống của một gia đình nông dân đồng bằng Bắc Bộ xưa. Ông Sơn nhớ lại: Đó là vào năm 1985, tình cờ trong một lần về quê ngoại Bắc Ninh ăn đám, thấy đám thanh niên hè nhau khuân chiếc cối đá xay lúa lẫn cối giã gạo đem đi quẳng ở bụi tre đầu làng, bất chợt trong đầu tôi nảy sinh ý tưởng, đem chúng về, rồi đợi khi nghỉ hưu sẽ đem trưng trong phòng đọc sách, thời gian rỗi rãi thì có cái mà ngắm cho đỡ nhớ quê. Không hiểu sao, từ ngày mang được mấy cái cối đá về, tôi lại chăm về quê. Lại lần mò hỏi mấy ông bạn già xem có ai về quê, cho tôi đi “ké” để tha cái đống “chổi cùn rế rách” như lời vợ tôi nói mà rước về Hà Nội.

Kinh nghiệm được ông Sơn rút ra, đó là về các vùng quê phải lân la mà “hầu chuyện” các cụ cao tuổi thì kiểu gì cũng kiếm được một vài món nông cụ bỏ đi vì “hết thời”, chứ đám thanh niên chỉ quan tâm tới di động với xe máy thôi. Ông kể, trong lần về mạn chùa Hương ăn cỗ. Ngồi cùng mâm có mấy ông bạn già, khi hay ông đang tìm cày chìa vôi, bỗng đâu một ông tiến lại gần, nói vào tai ông: “Nhà tôi còn hai cái cày chìa vôi từ những năm đầu đánh Mỹ cơ. Giờ đang bỏ không, bác cần sang lấy nhanh mà mang về, kẻo chậm là bọn chúng ở nhà mang quẳng hết đi đấy”. Ông Sơn lặn lội nhiều nơi vùng quê, ông thân thiết gần gũi với bà con nông dân. Vì vậy cứ ở đâu trong làng, trong xóm có cái cày, cái bừa, cái chạn bát cũ, chiếc nơm, chiếc đó… bỏ đi, họ lại gọi ông.

Khách tới thăm bảo tàng không tốn một đồng mua vé, mà còn được ông giám đốc Sơn kiêm “hướng dẫn viên” nhiệt tình nói về những giá trị văn hóa phi vật thể mà người nông dân xưa để lại.

Thanh Niên Online giới thiệu cùng bạn đọc những hình ảnh về bảo tàng nông cụ và đồ dùng sinh hoạt Bắc Bộ:


Chiếc cối giã gạo, cối xay lúa làm từ tre và đất nện dùng để tách vỏ trấu được ông Sơn đem về từ Bắc Giang vào khoảng năm 1985


Những chiếc cày chìa vôi, sau này là cày cải tiến

 


Chiếc vồ được người nông dân dùng để đập đất tơi nhỏ


Chiếc gàu sòng dùng tát nước


Đôi liềm mà nông dân Bắc Bộ dùng cắt lúa


Chiếc bồ cào dùng để san lúa mỗi khi phơi


Khi chưa có áo mưa như ngày nay, bà con vẫn dùng áo tơi làm từ lá cọ khoác khi ra đồng


Đấu gỗ, về sau người dân cải tiến dùng đấu sắt để đong thóc, gạo…


Chiếc điếu bát hút thuốc lào


Đèn dầu Hoa Kỳ


Chiếc bình đựng vôi cho người ăn trầu


Lược bí làm từ tre, còn lược thưa được chế tác từ sừng


Vật dụng dùng để đi phổ biến là guốc mộc làm bằng gỗ xoan

Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.