Ở thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội, kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập luôn là vấn đề nóng với học sinh và phụ huynh.
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập tại TP.HCM năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đầu tháng 6 mới diễn ra kỳ thi nhưng ngay từ bây giờ, thầy trò lớp 9 và phụ huynh đã sẵn sàng bước vào “cuộc đua” này.
65% chỉ tiêu vào công lập
Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định hình thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 - 2017 vẫn theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển bằng công thức: ĐXT = điểm THCS + điểm thi (đã tính hệ số 2) + điểm cộng thêm (nếu có). Sở GD-ĐT sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào các trường THPT vào ngày 8.6 với 2 môn ngữ văn và toán, theo hình thức thi tự luận, dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Các trường THPT công lập được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh (HS) có thể thay đổi khu vực tuyển sinh và phải có đơn xin chuyển đổi. Mỗi HS được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của các trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây. Ngoài ra, HS có thể nộp đơn dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập hoặc học chương trình THPT tại các trung tâm GDTX.
Các trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây tuyển sinh lớp 10 chuyên theo 2 vòng: Vòng 1, tổ chức sơ tuyển đối với những HS có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ; vòng 2, tổ chức thi tuyển đối với những HS đã qua sơ tuyển ở vòng 1.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2016 - 2017 dự kiến toàn thành phố có 81.500 HS tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào THPT chỉ có 67.500 HS. Trong đó, dự kiến các trường THPT công lập tuyển 53.000 HS (năm 2015 là 50.185), chiếm 65%; trường ngoài công lập tuyển 14.500 (năm 2015 là 15.240), chiếm 18%; còn lại là chỉ tiêu các trường giáo dục chuyên nghiệp và trung tâm GDTX.
Ra đề thi theo hướng vận dụng
Trong hai ngày 11 - 12.6, khoảng 80.000 HS lớp 9 tại TP.HCM sẽ tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết tỷ lệ HS vào trường công lập sẽ chiếm 80%, 20% còn lại sẽ học chương trình THPT tại các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX hoặc các trường TCCN, CĐ. Tuy nhiên những năm tới, sẽ từng bước giảm dần tỷ lệ HS trúng tuyển vào công lập và dự kiến đến năm 2020, sẽ có 30% số HS tốt nghiệp THCS học lớp 10 ở các loại hình khác.
Mỗi thí sinh sẽ có 3 nguyện vọng ưu tiên để xét tuyển vào lớp 10, chưa kể nguyện vọng vào các trường chuyên.
Sau 2 năm đổi mới đề thi tuyển sinh môn ngữ văn, Sở GD-ĐT tiếp tục thay đổi nội dung đề thi môn toán với một số câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống để thí sinh vận dụng kiến thức, tìm ra phương án giải quyết chứ không phải là những dạng bài rập khuôn, máy móc, hàn lâm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết thí sinh sẽ giải quyết những tình huống thực tiễn nhằm hướng tới phát triển năng lực. Do vậy, muốn làm tốt bài thi đòi hỏi phải thông hiểu kiến thức và có năng lực vận dụng, biết trình bày, phân tích, tổng hợp, lập luận, có tư duy, sáng tạo... chứ không phải học thuộc lòng như trước đây.
Theo một số giáo viên dạy khối lớp 9, Sở đã có hướng dẫn về việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong đó, môn toán năm nay sẽ giảm nhẹ những bài toán khó, tăng các bài toán mang tính ứng dụng như tính tiền điện nước, cước taxi, lãi suất ngân hàng... rất gần gũi và thiết thực với cuộc sống gia đình của HS.
Về môn văn, đề hướng đến đánh giá năng lực của HS với 2 phần: Phần đọc - hiểu gồm những câu hỏi theo mức độ tư duy, nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần tạo lập văn bản gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Ở cả 2 nội dung này, đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi mở, gắn với những vấn đề thời sự, gia đình và xã hội, những vấn đề gần gũi để HS bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ, chính kiến của mình. Giáo viên ngữ văn tại Q.7 nhận định, với hai phần này nếu HS chỉ học thuộc lòng, học vẹt, học tủ mà không có kỹ năng làm bài, không vận dụng được kiến thức vào thực tế thì sẽ không thể có kết quả tốt.
Bình luận (0)