Từng thi lại nhiều môn khi học đại học, và thời gian làm sinh viên kéo dài đến 7 năm thay vì 4, nhưng Noo Phước Thịnh kiên quyết phải có được tấm bằng tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh như mẹ anh hằng mong không ngoài mục đích: nhận được sự tin tưởng của mẹ, để tiếp tục hiện thực hóa đam mê ca hát của mình.
Ngay từ những năm cấp 1, Noo Phước Thịnh đã được mẹ hoạch định về tương lai. Và hình ảnh một nhân viên kế toán mà mẹ hướng cho Noo Phước Thịnh chỉ thoát khỏi tâm trí khi anh nhận ra mình không thuộc về thế giới của những con số. Đó là thời gian năm đầu của đại học, lúc anh chạm ngõ showbiz trong vai trò người mẫu ảnh cho các tạp chí tuổi teen, và bén duyên với âm nhạc khi được ca sĩ Thủy Tiên phát hiện năng khiếu ca hát. “Tôi được chị Tiên mời cộng tác, rồi có cơ hội gặp gỡ, làm việc với anh Tuấn Khanh - bạn thân của chị Tiên, cũng là người quản lý hiện nay của tôi. Đó là cái duyên và sự may mắn vì nếu không có họ chưa chắc đã có một Noo Phước Thịnh như hôm nay”.
Học kinh doanh vì mẹ, có máu nghệ thuật từ ba
Fan của Noo Phước Thịnh hẳn sẽ rất bất ngờ khi nghe câu chuyện về 7 năm đại học của anh (tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM năm 2012). Đã là ca sĩ được biết đến rồi mà vẫn bị... thi lại, “cảm giác” này không phải ai cũng có thể vượt qua. Sao anh không tìm cách thuyết phục mẹ rồi chọn “con đường” khác để không lãng phí thời gian?
|
|
|
Trong âm nhạc, tôi thiên về sự sâu sắc, chín chắn hơn là thị trường. Hơn nữa, từ âm nhạc mà ba tôi truyền đạt, từ tâm ý mà ê kíp của tôi mong muốn, tôi xác định: mình là người nghệ sĩ vừa đáp ứng thị trường vừa vẫn hướng khán giả của mình theo chiều hướng nghe văn minh, sâu sắc
|
|
|
|
|
|
Đúng là đã có lúc tôi nản đến mức muốn buông xuôi. Nhưng vì là con một trong gia đình nên tôi lại nghĩ, thôi thì cứ học cho xong, ra trường sẽ tính tiếp. Tuy nhiên, khi đi hát rồi, tôi thay đổi quan niệm. Bởi một nghệ sĩ đứng trên sân khấu, ngoài việc khán giả nghe mình hát gì thì nền tảng văn hóa của mình cũng quan trọng không kém. Dù ngành học không liên quan gì đến âm nhạc hay nghệ thuật, nhưng chắc chắn, khán giả của tôi sẽ có cái nhìn khác nếu tôi chưa tốt nghiệp đại học. Hơn nữa, khi chững chạc hơn, tôi nghĩ mình phải tạo được niềm tin ở người thân, khi đó họ mới cho phép mình theo đuổi đam mê nghệ thuật và tin tưởng về sự lựa chọn ấy của mình. Tôi cũng rất biết ơn khi nhà trường đã tạo điều kiện và hỗ trợ mình trong việc bảo lưu kết quả. Có lẽ vì mình cũng là thành viên tích cực tham gia phong trào văn nghệ của trường (cười).
Bây giờ nhìn lại, tôi thấy vui vì sự kiên quyết đó của mình.
Tôi tò mò, khi luôn nghe anh nhắc về mẹ mà không thấy sự “can thiệp” của ba trong chuyện hệ trọng này?
Ba tôi là người ít nói. Tôi và ba cũng ít tiếp xúc hay tâm sự nhiều. Trong gia đình, việc khuyên dạy con cái ba để cho mẹ chủ động.
Là do ba anh quá bận rộn với công việc?
Không. Ba tôi là nhạc công. Ngày xưa ba tôi chơi trong ban nhạc từng đánh cho ca sĩ Phương Thanh, Cẩm Ly, Hồ Lệ Thu... hát. Sau đó, ba tôi kinh doanh quán nhỏ, nơi ông có thể biểu diễn cùng những người bạn âm nhạc của mình nhưng rồi mặt bằng bị lấy lại cho hoạt động khác. Bây giờ ba tôi vẫn chơi nhạc vì đam mê. Ông rất mê nhạc jazz.
Vậy xem ra anh có gien nghệ thuật từ ba. Anh và ba - một là nhạc công, một là ca sĩ nhưng vì sao hai cha con ít tiếp xúc?
Cũng không biết nói thế nào... Ba tôi có thế giới riêng, không ai chạm vào được. Và tôi nghiêng về mẹ nhiều hơn, tôi cần người để trò chuyện nhiều hơn.
Ba từng dạy tôi đàn, muốn tôi đi theo con đường của ba, nhưng phụ nữ trong nhà có tiếng nói mạnh hơn nên tôi đã nghe lời mẹ.
Ba có thường nghe nhạc của anh hay xem anh biểu diễn, và ngược lại?
Cũng có. Dù ít nói chuyện nhưng ba âm thầm hỗ trợ tôi. Chẳng hạn, ông thường soạn những bài hát hợp với tôi để tìm hiểu, khi biết tôi muốn cover những bài nhạc xưa, hoặc dù không xem trực tiếp nhưng cũng theo dõi tôi hát qua ti vi rồi góp ý... Ba tôi nghĩ giới trẻ bây giờ hoàn toàn có thể cảm thụ được âm nhạc của thế hệ đi trước, và ba tôi tin tôi có thể làm được. Còn tôi, thi thoảng có đến nơi ba tôi làm để phụ giúp những việc linh tinh (cười), rồi nghe ba tôi chơi nhạc. Sắp tới, tôi định mở một địa điểm để ba tôi có nơi gặp gỡ và sinh hoạt âm nhạc thuận tiện, thoải mái hơn.
Đẳng cấp của người nghệ sĩ không thể hiện qua dòng nhạc họ hát
Vậy việc cover nhạc xưa, anh đã làm đến đâu rồi?
Tôi cũng có hát một số ca khúc, nhưng thực sự đó là thử thách lớn, cần có thời gian. Với tôi, có những thể loại âm nhạc mình chỉ nên thưởng thức chứ không nên phá tan cảm xúc vốn có của nó.
Nhưng hình như thông tin về đĩa cover của anh đã được lan truyền trong fan rồi đấy!
Đúng, tôi sẽ ra mắt đĩa cover trong năm sau. Có thể mọi người cho rằng đây là sự liều lĩnh khi làm mới những bài đã thành công gắn với tên tuổi của nhiều ca sĩ đi trước. Nhưng tôi không làm quá sức mình khi biết chọn những bài hát phù hợp.
Anh dựa vào đâu để cho rằng những ca khúc ấy phù hợp với mình?
Thật ra từ ngày đầu khi mới bước vào nghề, tôi đã hát Diễm xưa, Hạ trắng... Đó là âm nhạc tôi được ba cho nghe từ nhỏ. Tôi từng nghĩ nếu mình thích, mình sẽ hát được, nhưng không hề đơn giản. Vậy nên, tôi tìm những bài hát gắn với quãng đời của mình, chẳng hạn như Ngày xưa ơi (của nhóm Tik Tik Tak) và tôi kể lại cho khán giả của tôi, tìm sự đồng điệu trong cảm xúc.
Với tôi, âm nhạc nói chung và mỗi thể loại âm nhạc nói riêng không mang lại đẳng cấp cho người nghệ sĩ mà mang lại sự đồng điệu. Tiêu chí của tôi khi hát là tìm sự đồng điệu chứ không phải hát dòng nhạc này không được thì chọn thể loại khác hoặc tìm đến thể loại kia để có đẳng cấp hơn. Tôi thấy một số người trẻ khi cover những ca khúc từng được yêu thích với nhiều tên tuổi đi trước, ngoài cái hay là họ sáng tạo trong phong cách trẻ, môi trường mới thì họ hát miễn cưỡng vô cùng, hát như chỉ để nói thiên hạ biết tôi có đẳng cấp.
Đây có phải là cách để anh mở rộng biên độ khán giả?
Tôi nghĩ, không riêng tôi mà nhiều ca sĩ khác khi mới vào nghề đều có suy nghĩ chung: nếu muốn có khán giả và có vị trí thì phải nương theo thị trường trước đã. Khán giả có thể nghĩ Noo là ca sĩ trẻ, hát nhạc trẻ và nhảy đùng đùng trên sân khấu. Nhưng trong âm nhạc, tôi thiên về sự sâu sắc, chín chắn hơn là thị trường. Hơn nữa, từ âm nhạc mà ba tôi truyền đạt, từ tâm ý mà ê kíp của tôi mong muốn, tôi xác định: mình là một nghệ sĩ vừa đáp ứng thị trường vừa vẫn hướng khán giả của mình theo chiều hướng nghe văn minh, sâu sắc.
Xem ra đó là “nước cờ” an toàn?
Tôi lại không nghĩ thế. Vì nếu hát thể loại âm nhạc không phải là sở thích hay “cái máu” của mình, như tôi đã nói, nghe sẽ rất miễn cưỡng, dễ bị tẩy chay. Showbiz đào thải liên tục, bản thân là nghệ sĩ phải cập nhật nhạc trẻ để biết thị trường ngoài kia cần gì, mình đang ở đâu..., để tìm con đường riêng khẳng định và giữ bền tên tuổi. Ví như chị Hà Hồ, anh Quang Dũng hay chị Mỹ Tâm, anh Đàm Vĩnh Hưng, họ hát những sáng tác của các nhạc sĩ trẻ hiện nay, nhưng vẫn trung thành với dòng nhạc mà giá trị của nó được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Nhắc đến Hồ Ngọc Hà, tôi muốn hỏi về nhân duyên của sự hợp tác giữa hai người?
Được làm việc và hát chung với chị Hà, đó không gọi là nhân duyên mà đúng hơn là sự ưu ái của chị Hà dành cho tôi. Có lẽ chị nhìn thấy được tiềm năng và sự thú vị ở tôi trong âm nhạc.
Để song ca và biểu diễn với chị Hà, bản thân tôi phải cố gắng tập luyện, nâng cấp mình hơn, nhất là ở vũ đạo, góc nhìn thời trang, ứng biến sân khấu bên cạnh âm nhạc.
Và công thức chung của chúng tôi là: phải xóa tan khoảng cách để hòa hợp, hòa quyện trong âm nhạc. Kinh nghiệm sân khấu của tôi nhờ thế cũng tăng thêm nhiều.
Vậy còn Thủy Tiên, sau giai đoạn đầu hợp tác, lại thấy có thời gian cả hai không gắn bó như trước nữa. Sự nổi tiếng của Noo Phước Thịnh có ảnh hưởng đến mối quan hệ này?
Với chị Tiên, sự trao đổi có ít đi nhưng việc theo dõi âm thầm thì vẫn như ngày nào. Theo tôi, vì chị Tiên có công việc, có gia đình nên khoảng thời gian dành cho các mối quan hệ lẫn showbiz cũng giảm đi.
Mọi người nhìn vào có thể “nhỏ to”: chắc Noo nổi tiếng nên chị em có khoảng cách. Nhưng chị Tiên là người sâu sắc. Chị ấy, cũng như tôi, không bị chi phối bởi điều đó. Hơn nữa, mỗi người có đối tượng khán giả riêng. Mình không nên để hay hướng khán giả theo suy nghĩ đó. Bằng chứng là tôi vừa mời chị Tiên tham gia dự án phim ngắn Chuyện tình Maldives mới ra mắt cũng như trong dự án phim điện ảnh sắp tới của chị Tiên, tôi sẽ góp mặt!
Bình luận (0)