Noong Hẻo tang thương

28/06/2018 07:27 GMT+7

Sạt lở đất và lũ quét xảy ra chiều 24.6 đã vùi lấp 5 người dân, đến nay mới tìm thấy 1 thi thể, 4 người vẫn nằm đâu đó dưới đất đá ngổn ngang.

Nhiều gia đình mất sạch đất sản xuất và tài sản, chưa biết mưu sinh bằng gì sau cơn lũ dữ.
[VIDEO] Mỏi mắt trông tin vợ con bị cuốn trôi giữa vùng rốn lũ
"Tôi đã mất đi những người thân nhất"
Con đường từ TP.Lai Châu vào bản Na Há 1 (xã Noong Hẻo, H.Sìn Hồ, Lai Châu) dài gần 50 km đã bị mưa lũ chặt làm 3 khúc với 2 điểm sạt lở toàn bộ nền đường ở địa phận xã Nậm Tăm và Pa Khóa, khiến chúng tôi phải 2 lần lội bộ, ngồi tăng bo trên “xe hổ vồ” mới vào đến xã Noong Hẻo. Nhưng chặng đường cuối cùng từ trung tâm xã lên hiện trường mới thực sự là hành trình băng đồi, vượt suối với gần 2 giờ đi bộ để tận mắt chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của lũ dữ.
Anh Quảng Văn Ố và vợ con thẫn thờ đứng trên nơi từng là ruộng lúa, ao cá của gia đình

Chống gậy, đi bộ cùng chúng tôi vào hiện trường, ông Lò Văn Chượng, Bí thư Đảng ủy xã Noong Hẻo, kể rằng từ nhỏ đến giờ ông sống ở xã miền núi này, chưa bao giờ chứng kiến mưa to như thế. Mưa gần như liên tục suốt 3 ngày đêm, cho đến chiều 24.6 thì tai họa ập xuống bản Nậm Há 1 khiến 5 người bị chôn vùi.
Dọc theo suối Huổi Em từng là nương ruộng màu mỡ, khu chăn nuôi gia súc, cùng rất nhiều ao cá của người dân bản Nậm Há 1, sau trận lũ đã là hoang mạc. Chỗ thì bùn đất, cát nhão, chỗ lổng chổng đá hộc. 4 ngày sau trận lũ, ngay vùng rốn lũ này, hàng trăm người vẫn miệt mài đào bới tìm người mất tích.
Sáng 27.6, thi thể em Lò Văn Dũng được tìm thấy. Những gia đình có người mất tích tiếp tục hy vọng có thể tìm thấy người thân. Trong đó, anh Lò Văn Sềnh cùng lúc mất cả vợ lẫn con. Anh Sềnh cho biết sáng 24.6, vợ con anh lên nương Nậm Há 1, còn anh dắt trâu đi bừa bên Ná Sái nhưng mưa quá nên trưa ấy không về nhà, trú lại ăn cơm bên nhà mẹ vợ. Khoảng 1 giờ chiều, vợ chồng vẫn còn điện thoại nói chuyện nhưng đến khoảng hơn 3 giờ chiều thì anh nghe tin dữ. Anh Sềnh gọi điện cho vợ thì máy không còn đổ chuông. Khi chạy lên đến nơi thấy khu lán nương chăn nuôi của gia đình nằm đúng giữa vệt lũ quét và sạt lở đất. “Giờ thì không còn hy vọng nữa rồi, tôi đã mất đi những người thân nhất, chỉ cầu mong sớm tìm được vợ con để gặp nhau lần cuối”, anh Sềnh nói trong nước mắt.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 880 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu), chỉ huy lực lượng tìm kiếm tại hiện trường, cho biết không thể đưa được máy móc thiết bị tới nên chỉ đào bới bằng cuốc xẻng. Đặc biệt, có chỗ bùn sâu đến hàng chục mét, cán bộ chiến sĩ phải lợi dụng dòng nước đổ xối bùn hy vọng sớm tìm được những người mất tích.
Không còn kế sinh nhai sau lũ
Vệt đất sạt lở từ trên đỉnh núi cao hàng chục mét tạo thành dòng lũ quét kinh hoàng trên suối Huổi Em sẽ còn lưu lại, ám ảnh trong tiềm thức anh Quảng Văn Ố, nhà ở bản Nậm Há 1. Anh Ố may mắn thoát chết trong buổi chiều 24.6 khi đang cố vác đá gia cố ao cá. “Tôi đang làm thì giật mình bởi tiếng nổ lụp bụp phía thượng nguồn, rồi thấy có người la hét thất thanh. Theo phản xạ, tôi chạy cắt ngang lên đồi được khoảng 200 m, ngoảnh lại thấy lũ ào ào đổ xuống. May mắn thời điểm ấy vợ con tôi vẫn còn ở lán trại”, anh Ố kể lại.
Dù thoát nạn nhưng những ngày tới cuộc sống gia đình anh Ố với 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học sẽ rất khó khăn, khi toàn bộ nương ruộng dọc theo suối Huổi Em đã bị lũ cuốn sạch. Ao nuôi cá vừa đầu tư 20 triệu đồng nạo vét và xuống giống cũng mất trắng. Mất đất, mất ao, đồng nghĩa là mất kế sinh nhai.
Anh Lò Văn Sềnh thất thần bên hiện trường vụ sạt lở đất khi vợ con anh đang mất tích

Theo ông Lò Văn Chượng, trước đây dòng suối Huổi Em rộng chừng 3 m, mùa cạn người dân không đủ nước tưới làm nông nghiệp. Mùa lũ, nước cao chỉ ngập đến ngực. Sau trận lũ kinh hoàng này, lòng suối khoét rộng đến vài chục mét, chôn vùi bên dưới 15 - 20 ha ruộng nương, ao cá, đẩy nhiều gia đình rơi vào tình cảnh trắng tay, không còn đất sản xuất.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên chiều 27.6, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, cho biết trong ngày giao thông đến toàn bộ các xã của H.Phong Thổ đã được khôi phục trở lại. Ngược lại, nhiều xã ở các huyện Mường Tè, Sìn Hồ vẫn bị cô lập. Tại xã Tà Ngảo (H.Sìn Hồ) 3 giờ sáng 27.6 đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến 28 ngôi nhà bị đất đá vùi lấp, gây hư hỏng. Trước đó, chiều 26.6, chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân sơ tán, nên may mắn không có thêm thiệt hại về người. “UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền các cấp kiên quyết sơ tán người dân khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất”, ông An nói.
22 người chết và 9 người mất tích
Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết thống kê từ các địa phương cho đến 18 giờ ngày 27.6 đã ghi nhận 22 người chết do sạt lở đất và mưa lũ. Trong đó, tỉnh Lai Châu có 16 người, Hà Giang 5 người và tỉnh Quảng Ninh 1 người. Tại tỉnh Lai Châu, đến chiều 27.6 vẫn còn 9 người mất tích. Thống kê ở các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La mưa lũ đã gây ra thiệt hại 457,8 tỉ đồng, trong đó tỉnh Lai Châu thiệt hại nặng nhất với 314 tỉ đồng.

Lời kêu gọi

Những ngày qua, các trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong 52 năm đã quét qua các tỉnh Lai Châu, Hà Giang và một số tỉnh miền Tây Bắc khiến hàng chục người bị thiệt mạng, mất tích. Mưa lũ và sạt lở đất đã vùi chôn nhiều ngôi nhà, diện tích hoa màu; cô lập nhiều xã vùng cao biên giới, hàng trăm hộ dân trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá phải sơ tán khẩn cấp, người dân đang chịu cảnh đói khát, sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Để chung tay góp sức, chia sẻ với đồng bào bị thiên tai trên tinh thần “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, Báo Thanh Niên kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và bạn đọc gần xa đóng góp, hỗ trợ đồng bào vùng mưa lũ, giúp người dân nơi đây vượt qua tình cảnh hoạn nạn, tai ương ngặt nghèo.

Mọi sự giúp đỡ xin trực tiếp đến tòa soạn Báo Thanh Niên: số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu (P.6, Q.3, TP.HCM); tòa soạn Hà Nội tại số 218 Tây Sơn (Q.Đống Đa, Hà Nội) hoặc các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.

Bạn đọc cũng có thể chuyển khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Hỗ trợ đồng bào bị thiên tai các tỉnh phía bắc.

Báo Thanh Niên sẽ kịp thời tổ chức những chuyến cứu trợ đến trực tiếp tận tay những người dân bị thiệt hại trong thời gian sớm nhất, và cập nhật thông tin đầy đủ trên mặt báo.

 Xin chân thành cảm ơn nghĩa cử của quý bạn đọc!

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.