Sau khi nộp lại 5,2 triệu USD nhận hối lộ từ bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, là cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước vẫn bị tuyên y án chung thân vì hành vi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Xét xử phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1: Nộp 5,2 triệu USD và 1 tỉ đồng, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn vẫn y án chung thân
Ngày 3.12.2024, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và 47 bị cáo khác.
Theo đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, làm sai lệch báo cáo thanh tra và nhận tiền từ bị cáo Trương Mỹ Lan 4 lần thông qua Võ Tấn Hoàng Văn. Tổng số tiền bị cáo Nhàn đã nhận là 5,2 triệu USD. Hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn, tức SCB hơn 514.000 tỉ đồng.
Số tiền mà bị cáo Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ được đánh giá là “số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay”.
HĐXX nhận định trong quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Đỗ Thị Nhàn được xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như gia đình có công với cách mạng, nộp 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, theo HĐXX, xét thấy tính chất, mức độ hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Từ đó không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
HĐXX đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nhàn, tuyên y án tù chung thân về tội “nhận hối lộ”.
Theo hồ sơ vụ án, trong quá trình thanh tra tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn thanh tra tại SCB. Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, là cựu Tổng giám đốc SCB đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn. Ngoài ra, phía SCB còn đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra, cao nhất là 390.000 USD.
Từ đó, Đỗ Thị Nhàn che giấu, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho SCB để ngân hàng này không bị đưa vào kiểm soát đặc biệt và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện được tái cơ cấu.
Theo tòa sơ thẩm, các bị cáo trong đoàn thanh tra vì vụ lợi đã chỉ đạo, lập báo cáo không trung thực, không đầy đủ, bao che sai phạm của SCB. Việc này dẫn đến không kịp thời ngăn chặn để bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho SCB. Trong vụ án, ngoại trừ bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị tòa cấp sơ thẩm kết tội nhận hối lộ; còn 16 bị cáo là thành viên trong đoàn cũng nhận tiền nhưng bị tòa sơ thẩm kết tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, có khung hình phạt thấp hơn tội “nhận hối lộ”.
Bình luận (0)