NSND Kim Cương: 'Nghị lực của giáo sư Trần Văn Khê vô cùng phi thường'

10/06/2015 16:51 GMT+7

(TNO) Thông tin GS-TS Trần Văn Khê nhập viện đã khiến nhiều học trò, người hâm mộ và giới văn nghệ sĩ không khỏi lo lắng cho sức khỏe của ông.

(TNO) Thông tin GS-TS Trần Văn Khê nhập viện đã khiến nhiều học trò, người hâm mộ và giới văn nghệ sĩ không khỏi lo lắng cho sức khỏe của ông. Chia sẻ với Thanh Niên Online, NSND Kim Cương cho biết cách đây 3 ngày, dù phải thở oxy nhưng GS-TS Trần Văn Khê vẫn nhận trả lời phỏng vấn nhóm học trò hơn một tiếng rưỡi. 

GS-TS Trần Văn Khê
Theo NSND Kim Cương, GS-TS Trần Văn Khê mắc khá nhiều căn bệnh về tim, phổi, thận... Dẫu vậy, ông luôn hết lòng vì mọi người và dành rất nhiều tâm huyết cho âm nhạc dân tộc. Đầu năm nay, ông còn đi xe lăn xuất hiện trong chương trình tri ân nghĩa tình nghệ sĩ do Kim Cương tổ chức tại TP.HCM.
"Nghị lực của ông rất phi thường. Dù mang nhiều căn bệnh, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng mỗi khi có chương trình gì về âm nhạc dân tộc hoặc bạn bè trong giới có ai rủ đi đám ma, đám cưới ông cũng đi. Tôi từng khuyên ông bớt đi lại nhưng ông nói "Không đi thì tôi về Việt Nam làm gì. Về đây là để có dịp gần gũi với bạn bè, có người hủ hỉ nói chuyện", NSND Kim Cương chia sẻ.
"Kỳ nữ" cũng cho biết cách đây ba ngày, GS-TS Trần Văn Khê nằm nhà và thở oxy. Vậy mà khi có nhóm học trò làm chương trình về hát bội, cải lương nhờ đến sự giúp đỡ của ông, ông vẫn sẵn sàng chia sẻ suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. "Tôi biết thì giận lắm. Thiệt tình không thể kiếm đâu ra một người dành nhiều tâm huyết cho nền âm nhạc dân tộc như anh Trần Văn Khê", NSND Kim Cương nói.
NSND Kim Cương
Mới đây, nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng đã chia sẻ hình ảnh GS-TS Trần Văn Khê trong bệnh viện với nội dung: "Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê đang bị bệnh rất nặng (tim, phổi, thận), hiện đang nằm trong khoa hồi sức đặc biệt của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (không cho bất cứ ai vào thăm). Chỉ có một cô giúp việc lo phần chăm sóc, vì các con ở nước ngoài chưa về kịp! Việc chữa trị vô cùng tốn kém vì cần những thuốc và máy móc đặc trị, chỉ mới vài ngày mà đã vài trăm triệu...".
Thông tin này đã nhận được nhiều sự chia sẻ từ cộng đồng mạng. Về phía gia đình của GS-TS Trần Văn Khê, thể theo mong muốn của ông, người thân đã cố gắng giấu kín thông tin ông nhập viện để tránh mọi người lo lắng. Khi trở bệnh nặng, ông cũng dặn người thân dùng số tiền dành dụm để lo viện phí vì không muốn phiền đến ai.
Được biết, con trai trưởng của ông là GS-TS Trần Quang Hải và vợ là ca sĩ Bạch Yến đã về nước vào hôm 9.6 để lo cho ông. Con gái út của ông là bà Thủy Ngọc (đang sống ở Pháp) cũng đã có mặt bên cạnh ông. Hiện các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đang tích cực theo dõi và điều trị cho ông.
GS-TS Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Ông sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc.
Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông nguyên là giáo sư Trường đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO.
Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đây cũng trở thành nơi để giáo sư tổ chức các buổi sinh hoạt về âm nhạc dân tộc.
Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi "xưa nay hiếm", phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà GS-TS Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn không thay đổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc.
Vào đầu năm 2014, nhân giỗ đầu nhạc sĩ Phạm Duy, GS-TS Trần Văn Khê đã tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Duy bằng việc cho ra mắt cuốn sách Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy và tình bạn Duy - Khê do Nhà xuất bản Thời đại liên kết với Phương Nam Book ấn hành. 
Được biết, hiện GS-TS Trần Văn Khê đang mang nhiều căn bệnh như tiểu đường, bệnh tim... phải có người chăm sóc và di chuyển nhờ xe lăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.