NSND Trần Ngọc Giàu: Soạn giả Lê Duy Hạnh mở ra những cái mới cho sân khấu

Hoàng Kim
Hoàng Kim
04/08/2024 18:00 GMT+7

Sáng 4.8, tại Hội Sân khấu TP.HCM đã có buổi tưởng niệm một năm ngày soạn giả Lê Duy Hạnh qua đời, do hội và gia đình của ông cùng tổ chức. Lãnh đạo các cấp cùng rất đông đảo nghệ sĩ đã đến dự với lòng nhớ thương và kính trọng ông.

Mở ra sân khấu 5B

Có lẽ công lao rất lớn của soạn giả Lê Duy Hạnh là khi giữ chức Tổng thư ký Hội Sân khấu TP.HCM (sau gọi là Chủ tịch Hội Sân khấu) là ông đã thành lập sân khấu 5B năm 1984, từ đó đào tạo ra biết bao nghệ sĩ giỏi cho thành phố. NSƯT Thành Lộc kể lại: "Hồi đó thế hệ nghệ sĩ chúng tôi (diễn viên lẫn đạo diễn) tốt nghiệp ra trường nhưng chưa có nơi nào nhận, thế là anh Ba Hạnh kéo về hội, thành lập Câu lạc bộ Sân khấu Thể nghiệm TP.HCM, tạo điều kiện cho chúng tôi làm nghề. Nhiều vở diễn khó lúc học trong trường cũng được đem ra dựng, diễn. Không ngờ khán giả thích quá, mua vé đi xem rất đông. Sau đó, mới nâng lên thành Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Nơi này đã giúp chúng tôi trưởng thành rất nhiều, chứa đựng biết bao kỷ niệm thời thanh xuân của chúng tôi".

NSND Trần Ngọc Giàu: Soạn giả Lê Duy Hạnh mở ra những cái mới cho sân khấu - Ảnh 1.

Gia đình của soạn giả Lê Duy Hạnh trong lễ tưởng niệm, gồm vợ, hai con trai và các cháu nội

H.K

Có thể thấy một thế hệ nghệ sĩ tài năng đã phát triển từ 5B, như Thành Lộc, Việt Anh, Quốc Thảo, Hồng Vân, Hồng Đào, Minh Trang, Ái Như, Khánh Hoàng, Thanh Hoàng, Kim Xuân, Thanh Thủy, Hoa Hạ, Hữu Châu, Mỹ Uyên, Công Ninh, Tuyết Thu… và họ đã "ra riêng" thành lập thêm nhiều sân khấu mới vững vàng cho tới hôm nay.

NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh thêm: "Ông Lê Duy Hạnh mở ra một hình thức sân khấu xã hội hóa, một con đường rất hay, từ đó làm đà cho sân khấu phát triển rất mạnh". Rõ ràng sau này rất nhiều sân khấu xã hội hóa ra đời cũng từ "cái nôi" 5B.

Mở ra một khuynh hướng sân khấu mới

Soạn giả Lê Duy Hạnh để lại hơn 60 kịch bản, trong đó nhiều tác phẩm ông viết theo thể loại kịch nói và cải lương, nhiều tác phẩm được chuyển thể sang cải lương, chèo, hát bội, bài chòi, rất đa dạng. Nhưng dù ở thể loại nào, người ta vẫn thấy rõ dấu ấn mới mẻ của ông. Theo đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu: "Soạn giả Lê Duy Hạnh mở ra khuynh hướng đa không gian, đa thời gian trong sân khấu. Trong điều kiện sân khấu chúng ta còn hạn chế về cơ sở vật chất thì kịch bản của ông giải quyết được rất nhiều. Tất nhiên là rất khó dựng. Có lần tôi hỏi ông: 'Anh viết vầy rồi làm sao dựng?'. Ông cười thân tình: 'Tao viết như vậy, còn dựng làm sao là việc của mầy'. Nhưng nhờ những kịch bản kiểu đó mà đạo diễn chúng tôi động não sáng tạo dữ dội và rất thú vị".

NSND Trần Ngọc Giàu: Soạn giả Lê Duy Hạnh mở ra những cái mới cho sân khấu - Ảnh 2.

NSND Trần Ngọc Giàu phát biểu

H.K

Ông Giàu nói thêm: "Kịch bản của anh Lê Duy Hạnh hay ở chỗ, nếu là tác phẩm kịch nói hiện đại thì lại tích hợp được chất liệu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, còn nếu tác phẩm truyền thống như cải lương, hát bội thì lại mang hơi thở hiện đại".

Với NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, thì "kịch bản của ông Lê Duy Hạnh mang nhiều tầng nghĩa, đạo diễn lẫn diễn viên phải đào sâu, khai thác thật kỹ". Và NSND Tiến Thọ nhắc thêm chi tiết, chính ông Hạnh đã ra mắt thể loại "diễn kịch một mình" ngay tại 5B. Đó là thủ pháp độc lạ khiến người diễn lẫn người xem đều "thấy khó" nhưng vô cùng thú vị. Trên sân khấu chỉ duy nhất một diễn viên, "bơi" suốt 90 phút với đủ hỉ nộ ái ố, đủ tâm lý, hành động, vũ đạo, ca, nói… mà hút được khán giả thì quả là không hề đơn giản.

Và trên hết là giá trị tư tưởng, thẩm mỹ mà soạn giả Lê Duy Hạnh để lại cho đời. Kịch bản của ông thường ít chạy theo thời sự, mà ông có độ lắng, để sau đó đúc kết ra những điều còn sâu hơn, nặng hơn, không lạc hậu với thời gian.

Một người anh gắn bó

Soạn giả Lê Duy Hạnh ngoài công việc viết lách và lãnh đạo sân khấu, thì với nhiều nghệ sĩ anh chính là người anh gắn bó, hướng dẫn, nhắc nhở những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm quý giá. Tác giả Vương Huyền Cơ kể: "Lúc tôi về 5B thì tôi chỉ mới có kịch bản Xóm nhỏ Sài Gòn gây tiếng vang trên sân khấu IDECAF. Nhưng anh Ba đã nhìn ra tiềm năng của tôi, cứ giao việc cho tôi phát huy. Anh nhìn việc chứ không nhìn người. Và lúc đầu tánh tôi quá thẳng thắn, hay góp ý ào ào, anh nhắc cách góp ý cho hiệu quả hơn, nhắc cả cách thể hiện, phải biết kềm chế cảm xúc".

NSND Trần Ngọc Giàu: Soạn giả Lê Duy Hạnh mở ra những cái mới cho sân khấu - Ảnh 3.

NSND Trần Minh Ngọc ngồi giữa ôn lại kỷ niệm cùng các nghệ sĩ gạo cội trưởng thành từ 5B

Soạn giả Hoàng Song Việt, một soạn giả nổi tiếng hiện nay, cũng nói: "Chính ông bảo tôi chuyển thể nhiều kịch bản của ông từ kịch nói sang cải lương, ông tạo cơ hội, dẫn dắt tôi từ chân ướt chân ráo mà trưởng thành dần. Chúng tôi tìm thấy ở ông một tấm lòng yêu thương thế hệ trẻ, muốn có đội ngũ kế thừa".

Thật sự, hầu hết đều gọi ông bằng hai tiếng "anh Ba" rất trìu mến, thân thương. Riêng người viết bài vẫn không quên hình ảnh anh Ba mỗi ngày đến Hội Sân khấu làm việc nhưng ít khi vô văn phòng ngồi, mà anh thích ngồi ở căn tin ngay trong sân, ngồi đúng vị trí cái ghế đó, cái bàn đó. Hỏi anh thì anh trả lời: "Ngồi trong văn phòng thì nghệ sĩ tới họ không dám tiếp xúc nhiều. Nghệ sĩ mà, họ không chỉ tìm mình để giải quyết công việc, mà có khi còn muốn tâm sự, trò chuyện, mình ngồi ở đây họ thấy gần gũi, dễ mở lòng hơn. Và từ đó mình cũng hiểu họ hơn, dễ tìm ra cách lãnh đạo. Chưa hết đâu nghen, ngồi ở đây, khi không có ai tới tìm, thì anh sẽ nhìn lên cây, lên mây mà tìm ý tưởng sáng tác". Tôi buột miệng: "Trời ơi, hèn chi em cứ thấy anh hay nhìn… lên mây". Anh Ba cười mỉm mỉm. Đó là hình ảnh đọng lại trong tôi và trong nhiều người khi nhắc đến anh Ba với dáng ngồi mơ mộng nơi căn tin, nhưng khi làm việc lại rất quyết đoán, chặt chẽ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.