Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả:Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) là tác phẩm dự thi Liên hoan cải lương toàn quốc 2018 của Nhà hát Thế giới trẻ Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Vở đã công diễn tại Nhà hát kịch TP.HCM vào tối 15.9 và biểu diễn dự Liên hoan vào chiều 16.9. Đây là 1 trong 8 vở của đơn vị xã hội hóa dự liên hoan và đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã đầu tư cả tỉ đồng cho tác phẩm này.
Vở diễn có đề tài vốn thường bị cho là khô khan, nếu không khéo chuyển tải sẽ dễ bị sa vào tính tuyên truyền, ngợi ca sáo rỗng khi nói về lịch sử cách mạng dân tộc, về lãnh tụ. Thế nhưng câu chuyện về hành trình đi tìm đường cứu nước của chàng trai Nguyễn Ái Quốc (NSƯT Tấn Giao thể hiện) trên sân khấu Tổ quốc nơi cuối con đường lại diễn ra rất thu hút thông qua cốt chuyện về vụ án ly kỳ tại Hương Cảng (Hồng Kông). Khi ấy, Nguyễn Ái Quốc phải đối đầu với bản án tử hình do chính quyền Pháp và Anh bắt tay nhau bày ra. Để thoát án, anh đã được sự giúp sức của bạn bè quốc tế như vợ chồng luật sư người Anh Loseby, cô nhà báo Pháp Dorine…
Người xem nhìn thấy một chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc với khát khao lý tưởng tìm cách để dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ; cách anh kiên định và mạnh mẽ để nuôi dưỡng mơ ước của mình, cách đối phó với những hiểm nguy… Những điều ấy không bị nhồi nhét vào người xem mà nhẹ nhàng thẩm thấu từ những tình huống kịch tính cao trào của vở, từ những phân đoạn sâu lắng về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tình đồng bào dân tộc… Hình tượng lãnh tụ vì thế trở nên gần gũi hơn; tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc cũng được khơi gợi một cách tự nhiên giàu cảm xúc, như khi Nguyễn Ái Quốc khẳng khái: “Ái Quốc không chỉ là tên tôi mà còn là tên của hàng vạn người Việt Nam yêu nước...".
Tổ quốc nơi cuối con đường được dàn dựng với một phong cách rất hiện đại với tiết tấu nhanh, những màn múa và dàn đồng ca đông đảo tạo sự hoành tráng cho vở diễn. Những giai điệu ngọt ngào, tha thiết của cải lương đã được khéo léo kết hợp với âm nhạc hiện đại trẻ trung. Tính hiện đại của vở còn thể hiện ở những hình tượng sân khấu như cách phiên tòa diễn ra với những con người đeo mặt nạ che giấu sự gian dối; những người chứng kiến với đôi mắt bịt kín như cách sự thật đang bị che khuất…
Đặc biệt, Tổ quốc nơi cuối con đường còn gây chú ý khi có sự góp mặt của NSƯT Minh Vương với vai diễn cụ Nguyễn Sinh Sắc. Chỉ xuất hiện với thời gian ngắn ngủi trên sân khấu nhưng vai diễn này rất được chờ mong vì là vai diễn mới nhất gần đây của NSƯT Minh Vương trên sân khấu. Nghệ sĩ từng tâm sự đã từ chối lời mời làm giám khảo của Liên hoan và có mặt trên sân khấu Tổ quốc nơi cuối con đường với vai trò thí sinh bởi cảm thấy vai diễn này dù ngắn nhưng rất hay và ý nghĩa.
Giọng nói hùng hồn, lời ca sang sảng cao vút cùng bản lĩnh sân khấu lão luyện của NSƯT Minh Vương đã thể hiện trọn vẹn hình tượng người cha “tiếp lửa” cho con với những lời khuyên bảo sâu sắc. NSƯT Thanh Điền với vai luật sư người Anh Loseby cũng là vai diễn gây chú ý khi đóng vai trò là một trong những mắc xích quan trọng của đường dây cốt chuyện. NSƯT Tấn Giao điềm tĩnh, chững chạc trong cách thể hiện hình tượng Nguyễn Ái Quốc, cùng sự tròn vai nhiều vai diễn khác của NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Hải Yến, Kim Phương, Bảo Trí, Tú Quyên, Tấn Phát… đã góp phần giúp vở diễn thành công.
Xem Tổ quốc nơi cuối con đường, cảm giác cải lương như đã được khoác thêm một sắc áo mới rất trẻ trung. Và có lẽ những thể nghiệm mới bao giờ cũng sẽ có những ý kiến trái chiều nhưng rõ ràng chúng ta nên mạnh dạn thử thì mới biết nó có thành công hay không. Và cái mà vở diễn mang lại là niềm tin cải lương sẽ được tiếp theo sức sống nếu vẫn còn những tâm huyết, hết lòng với cải lương như thế!
Bình luận (0)