>> Bí thư Đoàn hưởng lương 14 triệu đồng/tháng
>> Tuyên dương Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc
>> 77 bí thư Đoàn cơ sở được nhận Giải thưởng 26.3
Làm Phó Bí thư Đoàn từ năm 2002 rồi một năm sau được bầu làm Bí thư, Đỗ Thị Huyền Ngọc nhận thấy vì không có công ăn việc làm nên nhiều thanh niên trong xã phải đi làm ăn xa mà vẫn không khấm khá.
Một số bạn có gia đình ở lại quê hương, nhưng không mặn mà với công tác Đoàn khiến việc tập hợp thanh niên khó khăn, thậm chí một số Chi đoàn không có đoàn viên sinh hoạt.
Từ thực tế đó, Ngọc đề xuất thành lập CLB thanh niên và các nhóm thanh niên giúp nhau lập nghiệp. “Ban đầu, mọi người nghi ngờ liệu mô hình của mình có hoạt động được lâu không hay chỉ làm lấy lệ? Tuy nhiên, mình rất quyết tâm”, Huyền Ngọc chia sẻ.
Nữ cán bộ Đoàn đến tận các Đoàn cơ sở để nắm bắt tình hình, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của ĐVTN trong việc phát triển kinh tế để từ đó có giải pháp phù hợp.
|
Tháng 3 - 2008, CLB thanh niên thành lập với 30 thành viên tự nguyện đóng quỹ được 4 triệu đồng. Hai tháng sau, Ngọc thành lập Nhóm thanh niên giúp nhau lập nghiệp với 10 thành viên ban đầu và quỹ chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng.
Sau hơn 4 năm thực hiện, Đoàn xã Vân Đồn đã phát triển được 4 nhóm lập nghiệp với gần 100 thành viên tham gia và đóng quỹ được hơn 60 triệu đồng.
Các nhóm và CLB mỗi tháng sinh hoạt ít nhất một lần nhằm giới thiệu những ĐVTN sống đẹp, sống có ích; tuyên truyền về ATGT, sức khoẻ sinh sản; vận động các thành viên ký cam kết không tham gia vào các tệ nạn xã hội…
Điều đặc biệt của mô hình này là cả gia đình đều được xem là thành viên trong nhóm, khi chồng đi vắng, vợ đi thay nên nhóm thanh niên lập nghiệp còn được gọi là nhóm gia đình trẻ.
Ngoài ra, vào ngày 26-3 hằng năm, mỗi nhóm thanh niên lập nghiệp thường đứng ra đảm nhận một công trình tình nguyện. Nhà có hiệu ảnh nên mỗi khi có phong trào, hoạt động của ĐVTN trong xã, Huyền Ngọc thường cùng chồng đi đến chụp ảnh kỷ niệm miễn phí, việc làm tuy nhỏ nhưng giúp ĐVTN thêm hăng hái với hoạt động Đoàn.
Bên cạnh đó, Bí thư Đoàn xã còn đứng ra ký uỷ thác với Ngân hàng CSXH vay được hơn 300 triệu đồng, cộng với số quỹ của các thành viên đóng góp, cho nhau vay để phát triển kinh tế với lãi suất thấp.
Xã Vân Đồn hiện có hàng chục mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu về 100-150 triệu đồng. “Làm cán bộ Đoàn quan trọng là phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN để việc thực hiện một phong trào hay mô hình thành công.
Hơn nữa, khi cơ sở khó khăn mình phải đích thân xuống tận nơi xem xét tình hình để động viên chứ không thể ngồi một chỗ ra chỉ thị, phê bình”, Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, Bí thư Đoàn xã Vân Đồn cũng thắng thắn nhìn nhận: “Khó khăn lớn nhất của ĐVTN là vốn khi mỗi năm chỉ nhận được từ 250-300 triệu đồng vốn vay ngân hàng nên mô hình thanh niên chưa thể đột phá”.
Theo Hồ Duy/ Tiền Phong
Bình luận (0)