Không chỉ trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của Tokyo sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Yuriko Koike còn là một nhân vật đặc biệt của chính trường Nhật Bản với nhiều biệt danh cũng như nhiều “sắc thái” kể từ khi bước chân vào chính trị năm 1992.
Ứng viên “đơn độc”
BBC gọi cuộc bầu cử để chọn ra thị trưởng cho thành phố 13 triệu dân này sau khi những người tiền nhiệm phải từ chức là sự kiện của những phát ngôn nóng nảy, thiếu kiềm chế. Chỉ trong vòng 5 năm mà Tokyo phải trải qua 3 đời thị trưởng và tất cả đều không thể ngồi ghế đúng 4 năm theo nhiệm kỳ. Không riêng gì bà Yuriko Koike mà các ứng viên lớn khác cũng trở thành mục tiêu của những kiểu chỉ trích này.
Nhà báo 76 tuổi Shuntaro Torigoe, người đại diện cho liên minh một số đảng đối lập, phải kêu lên rằng ông bị phân biệt đối xử vì cao tuổi và vì... chống chọi thành công với căn bệnh ung thư. Những người chỉ trích cho rằng cách viết chữ ngoằn ngoèo và những bài phát biểu nhiều mâu thuẫn là bằng chứng cho thấy ông quá già, thậm chí họ còn nghi ngờ ông bị chứng mất trí.
Nếu ông Torigoe bị gọi là “kẻ phản bội đất nước” vì trước đây ông từng đặt câu hỏi liệu có đáng để bảo vệ quần đảo Senkaku (người Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) nếu chúng bị tấn công thì bà Koike cũng phải chịu đựng những “phát pháo” nặng nề không kém. Chuyện bà dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến trước khi có kết quả bầu cử đã khiến nhiều nhân vật tai to mặt lớn của đảng Dân chủ Tự do LDP (mà bà là thành viên từ năm 2003) tức giận. Cựu thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara nói với các cử tri: “Chúng ta không thể để Tokyo rơi vào tay một người phụ nữ trang điểm quá đậm”.
Đáng buồn hơn là bà cũng không nhận được sự ủng hộ của các nữ chính trị gia khác chỉ đơn giản bà là phụ nữ. “Thật vô nghĩa khi bà ấy ăn mặc như một phụ nữ nhưng bên trong là một gã đàn ông diều hâu” - lời chỉ trích này phát ra từ bà Mizuho Fukushima, cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội bị xem là không nhạy cảm bởi bà Koike từng phải phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng vào năm 1998.
Tuy nhiên, sống đủ lâu trong môi trường chính trị dưới sự thống trị của nam giới, bà Koike chỉ cười lớn và nói: “Tôi quá quen với việc này” và kết quả bà giành được hơn 2,9 triệu phiếu bầu, bỏ xa ông Hiroya Masuda về thứ 2 với chỉ 1,9 triệu phiếu. Điều đáng nói, ông Masuda và bà Koike (cùng 64 tuổi) là hai cái tên làm nên điều khác thường của cuộc bầu cử này. Đảng LDP cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe rất tức tối khi bà Koike thông báo quyết định tranh cử mà không hề tham khảo ý kiến. Sau đó, bà Koike cũng chọn con đường ra riêng để trở thành một ứng viên độc lập còn đảng LDP chọn một người bên ngoài là ông Masuda để hậu thuẫn.
Tranh thủ điều này, bà khôn khéo nhấn mạnh rằng bà “chiến đấu một mình” mà không có sự hậu thuẫn nào cả và thậm chí còn ám chỉ bản thân là Joan of Arc - nữ anh hùng của Pháp thế kỷ 15 với lời thề sẽ hành quân đến cùng ngay cả điều đó có nghĩa là bị “đốt cháy đến chết”. Và rốt cuộc bà Koike được lịch sử Nhật Bản gọi tên là một trong những nữ chính trị gia quyền lực nhất. Hơn thế, đây còn là dấu hiệu cho thấy giới hạn của quyền lực mà ông Abe đang nắm. Có thể một ngày nào đó bà sẽ tiếp tục việc ra tranh chiếc ghế Chủ tịch LDP và khát khao trở thành thủ tướng (mà bà đã từng thất bại năm 2008).
|
Những sắc màu mang tên Yuriko Koike
Nếu báo chí Nhật thường gọi bà Koike là “Condi Rice của Nhật” (bà Condoleezza Rice từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ 2005 - 2009) thì bản thân bà dù không trực tiếp nhưng trong một bài phát biểu trong chiến dịch năm 2008 cũng đã có ý so sánh bản thân với bà Hillary Clinton: “Để phá vỡ thế bế tắc mà xã hội Nhật đang đối mặt, tôi tin rằng đất nước này cũng cần có một ứng viên nữ. Bà Hillary từng sử dụng từ “glass ceiling” (bức trần kính, ý nói rào cản vô hình đối với phụ nữ trong thăng tiến - NV). Nhưng ở Nhật, đó không phải là kính mà là tấm sắt. Tôi không phải là bà Thatcher, nhưng điều cần thiết là một chiến dịch thúc đẩy sự nghiệp bằng sức thuyết phục, các chính sách minh bạch và sự đồng cảm với người dân”.
Trước khi được Thủ tướng Abe chỉ định là nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên năm 2007 (dù chỉ kéo dài chừng 50 ngày và phải từ chức vì xì căng đan rò rỉ thông tin của bộ), bà Koike rất được lòng người tiền nhiệm của ông Abe - Thủ tướng Junichiro Koizumi. Bà được ông Koizumi bổ nhiệm là Bộ trưởng Môi trường năm 2003. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2005, bà được gọi tên là một trong những “kẻ ám sát” của ông Koizumi khi đánh bại một đối thủ nặng ký của ông ở giai đoạn đầu.
Một “bảo bối” của bà Koike trong chiến dịch tranh cử vừa rồi là dải buộc đầu màu xanh lá cây mang thông điệp thân thiện với môi trường. Bà cũng đề nghị người ủng hộ tạo nên phong trào xanh lá bằng cách chọn trang phục, phụ kiện hay bất kỳ thứ gì màu xanh theo người. Đây không phải là lần đầu tiên bà xây dựng hình ảnh này.
Trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Môi trường 2003 - 2005, bà cũng đã lăng xê mốt dải băng buộc đầu xanh lá. Bà còn tiên phong trong phong trào kêu gọi các nam nhân viên văn phòng không mang áo vest đến công sở mùa hè để văn phòng có thể đặt máy điều hòa ở nhiệt độ cao hơn. Bà cũng từng ủng hộ việc áp dụng đánh thuế khí carbon và sử dụng forshiki - một loại vải bọc truyền thống của người Nhật thay vì túi nhựa. Đúng là một Koike vì môi trường như tên tài khoản Twitter của bà @ecoyuri (eco là viết tắt của ecology - sinh thái).
Một điều đặc biệt nữa ở bà Koike, và có lẽ khó có thể tìm thấy ở các chính trị gia Nhật khác, là lai lịch học vấn của bà. Bà bỏ dở ngành xã hội học tại một trường đại học Nhật Bản năm 1971 để đến Cairo (Ai Cập) học tiếng Ả Rập và sau đó lấy bằng cử nhân xã hội học tại Đại học Cairo. Cũng chính ở Ai Cập, bà lập gia đình với một sinh viên Nhật Bản nhưng cuộc hôn nhân chẳng kéo dài bao lâu. Vậy nên, một chính trị gia khác lạ như bà Koike được cử tri Tokyo và những người bỏ phiếu cho bà tin rằng sẽ “dẫn dắt nền chính trị Tokyo theo cách chưa từng có trước đây, một Tokyo mà bạn chưa từng nhìn thấy” như bà cam kết.
Bình luận (0)