Nữ chủ nhân của 500 ha rừng

21/10/2009 16:30 GMT+7

Đến huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) hỏi chị Hằng trồng rừng ai cũng biết, bởi chị là chủ nhân của hơn 500 ha rừng keo trải dài khắp vùng đồi núi của 4 xã Suối Cát, Suối Tân, Cam Hòa, Cam Tân.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, 39 tuổi, quê gốc ở Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An). Năm 1979, chị cùng gia đình vào Khánh Hòa lập nghiệp. Học hết lớp 12, chị bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Nhờ buôn bán, chị tích lũy được một số vốn kha khá. Đến năm 2005, chị Hằng phối hợp với một người có kinh nghiệm về trồng rừng mua 8 ha đất rừng ở xã Suối Cát để trồng keo.

Năm 2006, sau khi tiến hành khảo sát vùng núi Năm Ngọc, chị Hằng mua thêm 300 ha đất rừng, tất cả đều được chị đầu tư trồng keo. Trước khi được chị Hằng đầu tư trồng keo thì khu đất này là của các hộ dân trong khu vực. Khi ấy rừng không những không được phủ kín, mà còn xuất hiện tình trạng khai thác rừng trái phép, nhiều lò đốt than tự phát ở ngay trong rừng. Từ lúc chị Hằng đầu tư, nhiều khu đất trống đồi trọc không có người sử dụng cũng được chị tiến hành trồng keo để dễ quản lý. Tính đến nay, chị đã có hơn 500 ha rừng keo, tổng số tiền đầu tư khoảng 20 tỉ đồng, dự kiến sẽ thu hoạch vào năm 2011.

Kể về những khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp, chị nói: “Những ngày đầu, chúng tôi phải mua giống keo từ trong miền Nam, thuê xe chở về, sau đó thuê người dân gùi lên núi để trồng. Từ chân núi lên đỉnh núi, chúng tôi đều phải đi bộ, trèo đèo, lội suối... Tính toán về lâu dài, tôi quyết định mua máy xúc, máy ủi về xẻ từng miếng đá, làm một con đường mòn dài gần 8 km từ chân núi lên đỉnh núi, ngoài ra còn hơn 16 km đường phụ rẽ về các cánh rừng, để thuận tiện cho công tác quản lý và chăm sóc. Đến nay đường giao thông đã cơ bản hoàn thiện, ô tô nhỏ và xe gắn máy có thể đi được, mặc dù hơi khó khăn”.

Hiện chị Hằng đang có khoảng 50 công nhân, phân làm 5 đội chia nhau quản lý 500 ha rừng. Ngoài ra còn có khoảng 100 công nhân thời vụ - vốn là những người dân quanh khu vực, trong đó có những người trước kia từng phá rừng, làm nghề đốt than - phụ trách công tác chăm sóc rừng.

Văn Kỳ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.