Nữ cố vấn da màu của tổng thống Mỹ

12/06/2016 20:30 GMT+7

Danh sách các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho đến nay chỉ có 2 người phụ nữ. Giữa họ có nhiều điểm chung đến mức nhiều người lầm tưởng họ cùng xuất thân trong một gia đình.

Họ đều là người Mỹ gốc Phi, đều có sự gắn bó với Đại học Stanford và đều là những chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại.
Tuy vậy, họ lại đến từ 2 đảng khác nhau của nền chính trị Mỹ. Phe Dân chủ lâu nay thường nói đùa: “Nếu họ (đảng Cộng hòa) có Rice của họ thì chúng ta có Rice của chúng ta”. Và bà Condoleezza Rice nay đã nhường ánh sáng chính trường lại cho bà Susan Rice - người tháp tùng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm VN vừa qua.
“Nước Mỹ đang nguy”
Bà Susan Rice, vốn nổi tiếng với những ý kiến bộc trực, vừa lại khiến thính giả tại cuộc nói chuyện của bà ở Trường đại học quốc tế Florida bất ngờ khi cho rằng sự có mặt của quá nhiều nhân viên an ninh quốc gia thuộc nhóm “da trắng, nam giới và tốt nghiệp Đại học Yale” đang đe dọa an ninh nước Mỹ. Trích lại lời mô tả của cựu nghị sĩ Bob Graham, bà Rice nhấn mạnh: “Ở những căn cứ của quyền lực, đối diện với các lãnh đạo an ninh quốc gia của chúng ta, nước Mỹ vẫn chưa được phản ảnh toàn diện”.
“Không khai thác được sự đa dạng của nước Mỹ về chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc, kỹ năng ngôn ngữ cũng như kinh nghiệm kinh tế và xã hội, chúng ta đang dẫn đầu một thế giới phức tạp với một tay bị trói sau lưng”, bà nói.
Bà Susan, 51 tuổi, hiện sống cùng chồng và hai con tại Washington, D.C. Chồng bà - ông Ian Cameron, người Canada, là bạn học với bà ở Đại học Stanford và là nhà sản xuất chương trình tin tức của Hãng ABC. Họ lấy nhau năm 1992 và sống ở Canada cho đến năm 1993.
Một người phụ nữ mang dòng máu Jamaica với thành tích khiến người ta phải ngả mũ như Susan Rice dường như có quyền và có thế để nói ra như thế. Chính thư ký báo chí Nhà trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống (TT) Obama đồng ý với quan điểm này của bà Rice: “Ngài TT dĩ nhiên luôn tin rằng chính phủ của chúng ta làm việc hiệu quả nhất và đưa ra các quyết định đúng đắn nhất khi chúng ta có một chính phủ rất giống với đất nước này”. Và phải nói rằng nữ cố vấn an ninh quốc gia của TT Obama đã góp phần tạo nên sự hiệu quả đó.
Đây không phải lần đầu tiên bà Rice “đối mặt” với nhóm “da trắng, nam giới và tốt nghiệp Đại học Yale”. Năm 1997, khi được Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ - bà Madeleine Albright đề xuất làm trợ lý bộ trưởng, bà Rice đã gặp khá nhiều phản ứng từ các chính trị gia lớn tuổi. Họ phản đối việc đặt một phụ nữ trẻ vào vị trí này, cho rằng bà Rice không thể làm việc được với các lãnh đạo nam giới lớn tuổi.
Nhưng bà Rice nhanh chóng thể hiện khả năng “quy tập” đồng minh của mình. Bà thẳng thắn: “Họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài làm việc với tôi trên phương diện chuyên môn. Tôi đại diện cho nước Mỹ. Họ có thể phản ứng với thái độ ngạc nhiên nhưng họ phải lắng nghe những gì bạn nói, cách bạn nói và cách bạn thực hiện điều bạn nói”.
Nữ cố vấn da màu của tổng thống Mỹ 2
Bà Susan Rice (phải) tháp tùng TT Obama trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua Ảnh: AFP
Con người của hành động
Chức vụ Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ có tên gọi chính thức là Trợ lý TT Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia, được TT Mỹ bổ nhiệm mà không cần Thượng viện thông qua. Từ năm 1955 đến nay, đã có 24 người ngồi ghế nóng này và chỉ có 2 phụ nữ là bà Condoleeza Rice (tháng 1.2001 đến 1.2005 dưới thời TT George W.Bush) và bà Susan Rice (từ tháng 7.2013)
Sự thăng tiến nhanh của bà Rice khiến nhiều người cùng thời phải ganh tị nhưng đồng thời phải công nhận. Sinh ra trong một gia đình danh giá của giới trí thức Mỹ, ngay từ nhỏ bà đã được thở hơi thở chính trị. Cha bà là giáo sư kinh tế của Đại học Cornell và cựu Giám đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ, còn mẹ là nhà nghiên cứu chính sách giáo dục và học giả khách mời của Viện Brooking (nơi bà Rice từng làm việc từ năm 2002 - 2008 như một khoảng lặng 6 năm xa lánh chính trường).
Bữa tối của gia đình Rice luôn xoay quanh những câu chuyện về chính trị và chính sách đối ngoại. Mẹ bà thường xuyên mời về nhà những nhân vật nổi tiếng, trong đó có Madeleine Albright - người sau này trở thành bạn tâm giao của bà Rice cả trong cuộc sống cá nhân và công việc. Được “trang bị” đầy đủ như thế nên bà Rice không khó khăn với việc học. Từ tiểu học đến Đại học Stanford, bà luôn là học sinh ưu tú và nhận được các học bổng cũng như những giải thưởng danh giá.
Sau 3 năm làm việc tại Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company ở Canada, đến năm 1993 bà chính thức bước vào chính trường khi được nhận vào làm ở Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời TT Bill Clinton. Công việc này đã mở ra cho bà cơ hội tiếp xúc với một thế giới khác và hơn hết để bà quyết tâm dấn thân vào con đường mới.
Chuyến đi Rwanda ở thời điểm mà sau này được gọi tên là một cuộc diệt chủng là “kinh nghiệm đau đớn nhất” đối với bà. “Tôi nhìn thấy hàng trăm, không, phải là hàng ngàn xác chết đang thối rữa bên trong và ngoài một nhà thờ. Đó là điều khủng khiếp nhất tôi từng thấy. Nó làm bạn điên đầu. Nó làm bạn quyết tâm. Nó làm bạn biết rằng ngay cả khi bạn là tiếng nói đơn độc cuối cùng thì bạn vẫn tin rằng mình đúng và từng chút năng lượng mà bạn ném vào đó đều là xứng đáng”, bà kể lại. Và những bài học mà bà rút ra từ công việc gìn giữ hòa bình tại Hội đồng an ninh quốc gia này trở thành “tài sản” riêng quý báu để bà được bổ nhiệm làm trợ lý đặc biệt của TT và giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề châu Phi năm 1995.
“Bỏ qua” thời của TT George W.Bush, bà quay lại chính trị năm 2008 khi làm cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử TT năm đó. Bà được TT Obama chỉ định làm Đại sứ của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và được Thượng viện Mỹ chấp thuận vào đầu năm 2009, trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên nhậm chức này.
Giữa năm 2013, TT Obama đã bày tỏ niềm vui của ông khi lại có được sự đồng hành của bà Rice: “Tôi rất sung sướng khi cô ấy quay lại bên cạnh tôi để dẫn đầu nhóm an ninh quốc gia của tôi trong nhiệm kỳ thứ 2”. Bên cạnh TT Obama, đâu chỉ có một Michelle đệ nhất mà còn có một Rice tài năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.