Nữ công nhân may với sáng kiến giúp nhiều chị em có thêm công ăn việc làm

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
14/02/2022 16:32 GMT+7

Tổ hợp may quy mô nhỏ là sáng kiến của chị Đoàn Thị Thi (một công nhân may tại Q.12, TP.HCM). Khi có được nguồn vốn hỗ trợ, sáng kiến của chị Thi đã tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều nữ công nhân khó khăn khác.

Sáng kiến Tổ hợp may quy mô nhỏ

Với những sáng kiến kinh doanh mới và có nguồn hỗ trợ thực hiện sáng kiến, nhiều công nhân may tại Q.12 (TP.HCM) nay có thêm nguồn trang trải thu nhập sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lập một tổ hợp may là ý tưởng của chị Đoàn Thị Thi (33 tuổi, ngụ Q.12, công nhân ngành may). Ý tưởng này được Dự án Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của nữ công nhân ngành may bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lựa chọn và hỗ trợ nguồn vốn khoảng 70,4 triệu đồng. Dự án do Tổ chức CARE Quốc tế Việt Nam và một số đơn vị như Trung tâm Khuyết tật và Phát triển, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) phối hợp thực hiện.

Sáng kiến của chị Thi được đánh giá là có triển vọng vì có thể mở rộng và trước mắt là có thể tạo việc làm cho chị em công nhân có hoàn cảnh khó khăn khác.

Sáng kiến lập tổ hợp may cùng các chị em công nhân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ với nguồn vốn ban đầu khoảng 70,4 triệu đồng

phạm thu ngân

"Trước khi biết đến dự án thì chúng tôi có tham gia chương trình "Tôi mạnh mẽ" (cũng thuộc chương trình về Nhóm dân số dễ bị tổn thương ở khu vực đô thị của Tổ chức CARE, nhằm nâng cao chất lượng đời sống lao động nữ trong ngành may mặc - PV) nên có sinh hoạt chung, học các khóa học để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Sau đó, biết đến dự án hỗ trợ vốn cho các sáng kiến của công nhân", chị Thị nói.

Ban đầu, ý tưởng bán sữa thông qua một số kênh Zalo, Facebook của chị Thi không được duyệt. Đến đợt 2, chị đã định bỏ cuộc, nhưng nghĩ tới kỹ năng hằng ngày và kinh nghiệm mình đúc kết được qua một thời gian dài làm ở ngành may mặc, chị khá tự tin với sáng kiến tổ hợp may.

"Điều quan trọng là tôi làm chung với nhiều công nhân may khác và biết được hoàn cảnh khó khăn của họ. Bản thân tôi cũng là mẹ đơn thân, nên tôi thôi thúc nghĩ việc giúp đỡ bạn bè của mình kiếm thêm thu nhập sau một thời gian dài lung lay vì dịch giã", chị nói.

Tổ hợp may của chị Thi hiện nay có 6 người, trong đó có người làm việc cố định và làm phụ thêm sau giờ làm ở công ty may trong khu vực.

Với số tiền hỗ trợ 70,4 triệu đồng từ khoảng 2 tháng trước, chị Thi mua được bốn cái máy may và một cái bàn ủi hơi nước, đặt nhờ ở nhà chị ruột và đã hoàn thành xong nhiều đơn hàng trước tết.

Hai chị em chị Nguyễn Thị Trúc Đào (28 tuổi, quê An Giang) hiện làm toàn thời gian ở tổ hợp của chị Thi. Đào là mẹ đơn thân với hai con nhỏ, thuê trọ tại TP.HCM và còn phải chăm sóc cho mẹ già. Đời sống vốn đã rất vất vả, nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia cảnh nhà Đào còn bị lung lay hơn. Tại tổ hợp may, Đào đem hai đứa con theo cùng để tranh thủ lúc rảnh là có thể chăm sóc.

"Các chị em làm cùng rất bảo bọc, động viên và có thể hướng dẫn nhau. Mình còn con nhỏ nên chỉ mong muốn có nhiều nguồn hàng hơn để làm thêm", Đào chia sẻ.

Hiện nay, các nữ công nhân ngành may có thể có thêm thu nhập dựa trên nguồn hàng làm tại nhà

phạm thu ngân

Chị Thi nói, trước mắt, sự hỗ trợ vốn ban đầu cho ý tưởng của chị đã có thể giúp các chị em công nhân như chị có thêm thu nhập và trong tương lai, chị hy vọng nó có thể mở rộng hơn để có thể giúp đỡ được các công nhân khó khăn khác.

"Hiện giờ đã có đơn rồi, các chị em phân chia rõ ràng công việc. Quan trọng hơn là sau này cần tìm tòi thêm và kết nối thêm nguồn hàng", chị Thi nói.

Dệt may - một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid 19

Quản lý Dự án Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của nữ công nhân ngành may bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Hoàng Huy Thành cho hay, mong muốn của các đơn vị tổ chức chính là có thể hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và khoản hỗ trợ vốn đầu vào cho các ý tưởng kinh doanh của các chị em để tạo thêm thu nhập.

Tính đến hiện nay, tại TP.HCM có khoảng 30 sáng kiến được duyệt và tại tỉnh Hậu Giang có 10, đơn cử như nhận hàng may gia công, mở cửa hàng hải sản, trồng khóm... Trong tương lai, nếu các kết quả ổn định và tiếp cận phù hợp thì sẽ thúc đẩy thêm nhiều hơn các sáng kiến.

Trung tâm Khuyết tật và Phát triển đã tập huấn kỹ năng kinh doanh, cố vấn và hỗ trợ 30 sáng kiến cho 30 nữ công nhân tại TP.HCM.

Ông Trần Triêu Ngõa Huyến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ sức khỏe cộng đồng – một trong những đối tác thực hiện dự án, cho biết, dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid 19. Rất nhiều nữ công nhân đã bị giảm giờ làm, ngưng việc và mất việc, dẫn đến tình trạng giảm hoặc không có thu nhập. Chưa kể, còn có những vấn đề khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe tinh thần, bạo hành giới, bạo hành trẻ em… trong gia đình công nhân. Đây là lý do thúc đẩy dự án hướng đến nhóm công nhân ngành may, đặc biệt là nữ công nhân di cư và nữ lao động không chính thức. Qua đó, giúp người tham gia chủ động và tích cực ứng phó với những tác động của Covid-19; có thêm thu nhập ngoài công việc may, đa dạng hóa việc làm, thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.