Đứa bé có đôi mắt và khuôn mặt sáng sủa, nhưng cái miệng thì... toè loe toét loét. Khi bác sĩ khám, đứa trẻ khóc nấc lên, cái miệng nhìn càng gớm ghiếc và tội nghiệp. Con cười... mẹ khóc
Người phụ nữ bảo: Ước mơ của cả đời em là cho cháu nụ cười.
Giữa tháng 12.2008, thông qua Tổ chức Phẫu thuật nụ cười và sự thực hiện của BV Răng-Hàm-Mặt T.Ư TPHCM, Viettel tài trợ hơn 1,4 tỉ đồng cho chiến dịch "Nụ cười trẻ thơ" tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là kinh phí tài trợ toàn bộ tiền đi lại, ăn ở và phẫu thuật dị tật sứt môi, hở hàm ếch cho hơn 300 trẻ em gia đình nghèo.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Viettel thì - việc tài trợ cho chiến dịch không nằm ngoài ý nghĩa mang lại cho những trẻ em nghèo bị dị tật có nụ cười khi tết đến xuân về. Đồng thời thắp lên hy vọng cuộc sống hội nhập và tự tin.
Ngày 15.12, chiến dịch bắt đầu tại BV Đa khoa Tiền Giang với cụm 5 tỉnh: Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Long An và Đồng Tháp.
Tôi nhìn ra xung quanh. Cả hội trường rộng với hàng trăm bố mẹ, trẻ em. Tất cả đều buồn rầu, lam lũ. Cái nghèo toát lên từ họ.
Lẫn trong những đứa trẻ mới lên 3 lên 5, có một thiếu nữ với cái tên đẹp: Trần Thị Diệu Hiền (Hồng Ngự - Đồng Tháp). Mẹ của Diệu Hiền tâm sự: Sinh ra làm thân con gái mà lại vừa sứt môi, vừa hở hàm ếch. Đã vậy, chúng tôi lại cam phận nghèo. Vì thế 18 năm trôi qua, chúng tôi chỉ đủ tiền cho cháu đi phẫu thuật một lần vá môi. Nhưng còn hở hàm ếch, nên ăn uống khó khăn lắm.
Khổ nhất là cháu vẫn nói ngọng. Ở nhà thì không sao, cứ thò mặt ra đường là trẻ con lại trêu chọc. Nhiều hôm thấy con gái chạy về nhà, úp mặt vào tường khóc mà lòng quặn đau.
Chị bảo, đã 18 tuổi nhưng có lẽ "chưa được một ngày ngẩng mặt với đời". Thậm chí, cháu còn không dám nói chuyện với người lạ vì "nói mãi mà không ai hiểu". Lâu dần, việc nói chuyện và ra đường đã trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh đối với Diệu Hiền. Vì thế từ khi lớn dậy, em luôn lầm lũi như một cái bóng.
Bỗng dưng chúng tôi lòng cũng chợt nặng trĩu nỗi buồn chia sẻ. 150 trẻ em đến khám bệnh hôm nay là 150 số phận khác nhau. Nhưng tất cả lại chịu chung nỗi đau nghiệt ngã. Đó là sự nghiệt ngã của cảnh nghèo nên không có điều kiện chữa trị. Vì thế đáng ra nên phẫu thuật từ nhỏ thì các em lại phải mang nỗi đau trong hàng chục năm ròng.
Nghiệt ngã hơn thế là những khiếm khuyết của số phận đã không cho các em cơ hội vươn lên. Do vậy, dù những cơ thể kia có thể khoẻ mạnh, những cái tên cũng thật đẹp đẽ, nhưng với người đời sẽ luôn là những cái tên "Hùng sứt", "Hiền ngọng", "Mạnh ú ớ"... Có lẽ vì thế mà trong mỗi tâm hồn các em, đều có một góc của sự tổn thương khó hàn gắn.
Ngồi lặng lẽ trong một góc phòng, tôi để ý đến một phụ nữ ủ dột. Chị có đôi mắt buồn u tối, bế đứa con mới gần 1 tuổi ngủ mệt trên tay. Đứa bé vừa sứt môi, vừa hở hàm ếch. Khi khám bệnh, đứa bé cứ khóc nấc lên, vì "thoát hơi" nhiều nên nó càng mệt, càng đuội. Cái miệng - theo như lời bác sĩ thì nó... toè loe toét loét vì vết sứt quá rộng.
Người mẹ nựng con âu yếm bằng những ngôn từ thiết tha nhất của cuộc đời. Trên khuôn mặt chị, lúc này đã ứ đầy nước mắt. Người phụ nữ xin giấu tên rồi trải lòng về cuộc đời, số phận. Hai vợ chồng lấy nhau trong cảnh nghèo. Khi chị có mang, người chồng cũng chăm chút lắm. Nhưng số phận "bắt tội" chị từ đây.
Mang thai được gần 3 tháng, chị bị ốm. Tội tình của cái nghèo phát tác. Tiền làm mướn của chồng đốt hết vào tiền thuốc men và thức ăn mà vẫn thiếu. Nhưng điều chị không ngờ nhất là chính lần ốm này mà đứa con chị sinh ra chịu tật nguyền. Nhìn đứa con sinh ra không lành lặn, chị ngất lịm. Còn anh chồng thì thất vọng ghê gớm.
Từ một người nông dân nhu mì, anh trở thành con người khô cằn và đay nghiến chị vì "mang tội cho con". Chẳng thể sống được với nhau, anh ra đi mang theo mối hận. Còn chị một mình nuôi con với nỗi day dứt đã "mang tội cho con".
Sống trong dày vò, chị luôn dành cho con thật nhiều tình thương và cả nước mắt. Nhưng cảnh nghèo vẫn đeo bám chị. Vì thế, đứa con lớn lên mà chưa thể một lần đi phẫu thuật. Chị bảo: "Mỗi khi con cười thì em lại khóc. Bởi những lúc như thế, cái miệng như biểu lộ đến tận cùng nỗi đau của mất mát dị tật". Rồi chị bảo: "Ước mong của cả đời em là cho cháu nụ cười".
Thắp lên hy vọng
Chờ đợi và hy vọng.
Những ngày cuối tháng 12.2008 là những ngày đáng nhớ đối với những gia đình nghèo có con bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Từ 15.12 - 5.1.2009, chiến dịch "Nụ cười trẻ thơ" được Viettel tổ chức tại 3 cụm gồm BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang và Vĩnh Long.
Ngày 15.12, có 150 gia đình nghèo như thế đã dậy sớm. Họ thắp nén hương khấn vái tổ tiên, rồi thấp thỏm chờ đợi với một hy vọng lớn lao: Con cháu sẽ được phẫu thuật vá môi, hàm ếch.
14 giờ 30 ngày 15.12, ca mổ đầu tiên bắt đầu. Tôi được mặc quần áo mổ để vào phòng phẫu thuật. Dù đã mổ hàng ngàn ca, nhưng bác sĩ Nguyễn Chí Cường vẫn thoáng chút căng thẳng. Anh bảo: Trước mỗi lần cắt da cắt thịt con người, không cảm giác lúc nào giống lúc nào. Dù không khó khăn, nhưng luôn có một đòi hỏi tất yếu là thành công.
Đặc biệt, vì mang tính "phẫu thuật thẩm mỹ" nên sự cầu toàn luôn được lưu ý. Lần này, anh mổ cho bé gái mới 7 tháng tuổi. Sau một hồi dài khóc lặng trong ống chụp gây mê, bé gái nằm như ngủ. Cơ thể gầy guộc khiến các bác sĩ vất vả khi lấy ven tay và luồn ống thở. Cái miệng bé tí cũng khiến cho các bác sĩ khó khăn khi đưa dao kéo, kim khâu vết hở hàm ếch và hở môi.
Chứng kiến ca mổ, tôi chìm trong suy tư. Thế mới hiểu vì sao bao lâu nay người ta thường chúc nhau "mẹ tròn con vuông"; thế mới biết sinh con lành lặn luôn là hạnh phúc, khát khao từ bao đời.
Nhìn những vết cắt, vết khâu trên vành môi con trẻ, ngửi những mùi khét lẹt của thịt da cháy trên con dao đốt điện... có lẽ cũng mới thấm thía để vá lành mất mát thân thể, khiếm khuyết tâm hồn sẽ phải trải qua đau đớn và khó khăn nhường nào.
Các bác sĩ cũng kể tôi nghe câu chuyện: Một bà mẹ mang thai đã ngất lịm khi siêu âm biết con bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch. Trước sức ép và cả phân tích của gia đình, họ cho rằng "nên bỏ" sinh linh bé bỏng vì sẽ rất đau khổ, tủi hổ cho cháu, nhất là khi cháu là con gái. Câu chuyện bỏ lửng với dấu hỏi: Nên quyết định ra sao?
Theo chân chiến dịch, tôi may mắn được gặp TS, bác sĩ Lâm Hoài Phương - GĐ BV Răng-Hàm-Mặt T.Ư TPHCM. Với nét đẹp giản dị của người phụ nữ VN, bà được các đồng nghiệp quốc tế gọi là "Nữ hoàng phẫu thuật nụ cười" (Queen). Là con gái cựu GĐ 12 năm của BV Răng-Hàm-Mặt T.Ư TPHCM PGS-TS Lâm Ngọc Ấn, bà Phương thừa hưởng cả trình độ và kỹ thuật phẫu thuật. Trong sự nghiệp của mình, bà Phương đã phẫu thuật trên 10.000 ca.
Trong chuyến đi phẫu thuật tại Nam Phi, các đồng nghiệp quốc tế chỉ mổ khoảng 7 - 8 ca/ngày, nhưng với "Queen Phương", bà phẫu thuật thành công tới 14 ca/ngày, kể cả những ca mổ khó, đồng nghiệp khác không dám nhận.
Bà Phương nói: Tôi say mê vì tôi mong muốn có thể "chống lại sự trớ trêu của tạo hoá, mang lại cho các em nụ cười".
Bà cho biết, tại VN cứ 500 trẻ em sinh ra là có 1 em bị dị tật, hiện tại VN có khoảng 15.000 trẻ em đang sống chung với dị tật này.
Theo phân tích của bà Phương, có nhiều nguyên nhân gây bệnh như hoá chất, di truyền, dinh dưỡng và bệnh tật khi bà mẹ mang thai. Bà Phương cho rằng ngoài yếu tố di truyền thì những nguyên nhân khác đều có thể ngăn ngừa. Nhưng kể cả do di truyền, nếu được phẫu thuật đúng thời điểm (sứt môi cần phẫu thuật khi trẻ từ 6 tháng - 8 tháng tuổi; hở hàm ếch cần phẫu thuật khi trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi); cộng với việc tư vấn, điều trị ngữ âm là có thể khắc phục hoàn toàn dị tật.
Nhưng trớ trêu thay, đây lại là "bệnh hiểm" của những "người nghèo". Họ không có đủ dinh dưỡng hoặc bị ốm khi mang thai, không phẫu thuật thời điểm thích hợp, không được tư vấn chăm sóc, luyện âm... nên đã dị tật miệng môi lại còn ngọng nghịu. Vì thế thường bị châm chọc nên dễ sinh ra khiếm khuyết tâm hồn.
Bốn ngày trôi qua, những đứa trẻ rời bệnh viện. Vết mổ chưa lành hẳn nhưng trên những khuôn mặt trẻ thơ, nụ cười đã tròn vẹn hơn. Vì thế, những ông bố, bà mẹ lam lũ vì nghèo cũng như ánh lên niềm vui và hy vọng. Tết này, các em có nụ cười đón xuân. Mai đây, các em cũng có thể cười vui trong cuộc đời.
Nụ cười cho em
19/12/2008 15:09 GMT+7
Người phụ nữ có đôi mắt u tối bế đứa con mới hơn 1 tuổi ngủ mệt trên tay. Chị và con dậy từ 5 giờ sáng, đi xe từ Đồng Tháp lên Tiền Giang để kịp giờ khám bệnh.
Theo Anh Xuân / Lao Động
Bình luận (0)