Bạn có từng thấy chưa, niềm vui trong lòng người lớn sau một đêm gần như thức trắng chăm cho con mình vượt qua cơn sốt cao chợt thấy đứa bé nhoẻn miệng cười khi mở mắt thức dậy? Bao nhiêu mệt mỏi thế là tiêu tan, thậm chí niềm vui trong lòng mẹ reo vang như câu hát. Liệu có bao giờ bạn đánh rơi mất những niềm vui như thế sau một đợt chăm con vất vả?
Bạn có từng thấy chưa, đứa trẻ ùa vào lòng mẹ mỗi khi mẹ đi làm về. Bi bô nói, tíu tít cười. Niềm vui tưởng chỉ là của riêng bé được đón mẹ về, được nũng nịu, được nhõng nhẽo. Nhưng thật ra cũng là niềm vui vô bờ bến của mẹ, bù đắp cho những vất vả cả ngày đi làm của mẹ. Bạn có bao giờ vì bị áp lực công việc quá mệt mỏi mà nỡ quên không ôm bé vào lòng, để bé vui mà cũng là để thưởng cho chính mình một niềm vui vô giá.
Bạn có bao giờ nhớ lại rằng chính bạn, giờ tan trường chạy ùa ra cổng, sà vào lòng bố mẹ để nhận lấy một cái ôm, một nụ hôn lên trán, một cái bẹo má chan chứa yêu thương. Giờ có khi nào, bạn đón con trong lúc mệt mỏi cuối ngày nên lạnh lùng ra lệnh cho con lên xe vội vã về nhà mà suốt đường không có cùng bé chút sẻ chia nào về ngày đi học của bé. Hoặc đón con với câu hỏi đầy áp lực của tham vọng gieo lên đầu con trẻ: “Hôm nay có được điểm 10 không?”.
Trẻ em đem đến cho người lớn rất nhiều niềm vui, những niềm vui không thể mua được dù có rất nhiều tiền. Như dân gian nói, “có vàng vàng chẳng hay phô, có con con nói trầm trồ mẹ nghe”.
Trẻ em đem đến cho cha mẹ rất nhiều niềm vui, những niềm vui không phải lúc nào quy đổi thành bảng điểm đẹp đẽ hay thành tích học sinh xuẩt sắc ở trường. Sao không phải là niềm vui được thấy con mình lớn lên khỏe mạnh, sống hạnh phúc với những điều chúng yêu thương và tin tưởng.
Trẻ em thật ra cần từ người lớn những điều giản dị hơn rất nhiều so với những câu khẩu hiệu chứa đầy mỹ từ và phần quà phần bánh trao tặng trên sân khấu sự kiện nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6. Trẻ cần được nhận cái ôm đầy yêu thương của cha, ánh mắt âu yếm của mẹ cũng chẳng khác gì cần dinh dưỡng, cần nước uống, cần không khí để lớn lên mỗi ngày.
Và trẻ em, cần sự bảo vệ bằng mọi giá và hiệu quả của người lớn để được lớn lên trong một xã hội an toàn với trẻ em. Mọi hành vi xấu xa với con trẻ chẳng thể nào lại đặt vào thứ lý lẽ “chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng” để biện minh.
Đảm bảo cho trẻ em tuổi thơ hạnh phúc và an toàn mới là điều người lớn chúng ta phải thực làm, chứ không chỉ là sáng tác khẩu hiệu, bài hát và tặng quà cho trẻ. Để trẻ em luôn đem về những nụ cười tươi sáng cho cuộc đời.
Bình luận (0)