Đứng trước Nhà tang lễ quốc gia (tại số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội) vào sáng sớm 25.7.2024, trong lúc chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Đoàn Thị Ngọc Lan (năm nay 65 tuổi, là hội viên Hội cựu chiến binh huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội), cầm chiếc điện thoại có lưu ảnh Tổng Bí thư mà nức nở khóc.
Nữ cựu chiến binh kể, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, bà vô cùng buồn, thương xót. Gần một tuần qua, bà gần như "cả ngày ôm điện thoại" theo dõi tin tức về công tác tổ chức Quốc tang, để nắm được lịch trình và đến "nhìn mặt bác lần cuối".
Nữ cựu chiến binh khóc nức nở viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong ấn tượng của bà Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo tài ba, đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, là bài học cho nhiều người về đạo đức, lối sống. "Tôi rất thương bác, bác vẫn làm việc, phục vụ Tổ quốc, nhân dân đến hơi thở cuối cùng", bà chia sẻ.
Dẫn lời Tổng Bí thư "Nếu là hoa thì hãy là hoa hướng dương. Nếu là chim thì hãy là chim bồ câu trắng. Nếu là đá thì hãy là đá kim cương. Nếu là người hãy là người Cộng sản chân chính", bà Lan cho rằng đây là những câu nói rất thấm thía, đi vào lòng người. Bà sẽ khắc cốt ghi tâm, luôn học tập theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên phố Trần Thánh Tông, người dân xếp hàng để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo hướng dẫn của lực lượng an ninh, người vào viếng xếp thành 2 hàng, mỗi tốp 2 người, dùng thẻ căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VneID đã kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.
Theo thông báo của lực lượng an ninh tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, dự kiến từ 18 giờ ngày 25.7, người dân sẽ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Người dân có nguyện vọng dự lễ viếng cần mang theo căn cước công dân gắn chip quét mã QR hoặc đăng ký qua ứng dụng VNeID để làm thủ tục tại các chốt kiểm soát.
Lực lượng an ninh lưu ý, người dân đến viếng cần có trang phục phù hợp, không mang theo túi xách, vòng hoa...
Hiện nay, xung quanh khu vực Nhà tang lễ Quốc gia có nhiều chốt kiểm tra an ninh. Mỗi chốt có khoảng 20 cán bộ chiến sĩ kết hợp với lực lượng thanh niên tham gia đảm bảo an ninh trật tự.
Người dân khi đến viếng sẽ thực hiện thủ tục an ninh tại các chốt này. Cán bộ có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp người dân thực hiện thủ tục bằng cách quét thẻ căn cước công dân hoặc mã QR.
Sau khi hoàn tất thủ tục, người dân sẽ tuân theo sắp xếp của bộ phận an ninh để vào viếng.
Ngoài hình thức đến viếng trực tiếp, người dân còn có thể gửi lời chia buồn tới gia đình Tổng Bí thư qua ứng dụng VNeID. Tất cả những dữ liệu này sẽ được tập hợp tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bình luận (0)