Nữ danh xứ Nam kỳ - Kỳ 5: 'Bóng hồng' lặng lẽ sau Nguyễn An Ninh

09/03/2015 05:02 GMT+7

Vâng, chắc hẳn phải có một tình yêu vĩ đại nên người phụ nữ ấy mới dám vượt lên 'cái tôi' kiêu hãnh để cùng ông đi suốt cuộc đời...

Vâng, chắc hẳn phải có một tình yêu vĩ đại nên người phụ nữ ấy mới dám vượt lên 'cái tôi' kiêu hãnh để cùng ông đi suốt cuộc đời...
Bà Trương Thị Sáu năm 1927 và con trai đầu Nguyễn An Định - Ảnh: Trầm Hương chụp lại từ tư liệu gia đìnhBà Trương Thị Sáu năm 1927 và con trai đầu Nguyễn An Định - Ảnh: Trầm Hương chụp lại từ tư liệu gia đình
“Cô Sáu Cầu Ông Lãnh”
Bà có nhũ danh là Trương Thị Sáu, phu nhân của chí sĩ Nguyễn An Ninh, một nhà yêu nước vĩ đại. Bà sinh ngày 26.6.1899 tại xã Phước Lại (H.Cần Giuộc, Long An). Cha bà là một người Hoa nghèo gốc Phúc Kiến, đã có một đời vợ, trôi dạt sang VN làm ăn. Ông ngoại của bà là một điền chủ giàu có, quý mến tính thật thà, siêng năng, chịu khó của “anh Trương” bán vải dạo mà gả người con gái thứ ba (tức mẹ của bà Sáu) cho ông. Kể từ ngày ấy, công việc làm ăn của cha mẹ khá phát đạt. Nhưng một cái tang lớn đã phủ lên mái nhà những tưởng hạnh phúc ấy khi cha bà đột ngột qua đời, để lại cho người vợ trẻ đàn con 5 đứa còn thơ dại. Quá buồn khổ, mẹ bà lâm bệnh hậu sản. Gia đình bà Sáu lâm vào cảnh khánh kiệt, phải tá túc trong một góc vườn của ông ngoại. Trong cảnh ăn nhờ ở đậu, khát vọng làm giàu cứ lớn dần theo năm tháng trong những giấc mơ thiếu nữ của bà.
Năm 1924, những bài báo chống Pháp nảy lửa trên tờ Tiếng chuông rè (La Cloche Fêlée) của Nguyễn An Ninh đã tạo nên trong lòng bà niềm khâm phục. Tốt nghiệp ngành luật ở Pháp vừa mới về nước, ông Ninh từ chối vinh hoa phú quý, cả sự đe dọa của Pháp để làm “quốc sự”. Được những người bạn đầy thiện ý vun đắp, ông Ninh đến thăm cửa tiệm may của “Cô Sáu Cầu Ông Lãnh” và gặp bà ở đó. Mặc dù trái tim ông vẫn còn thương tổn vì cuộc hôn nhân đầu tiên vừa đổ vỡ, nhưng chính cuộc gặp gỡ ấy đã dẫn cả hai đến một mối lương duyên đầy hạnh phúc, dù không ít chông gai, trắc trở mà họ đã nỗ lực vượt qua. Bà tâm sự: “Quen nhau gần một năm thì anh Ninh đặt vấn đề xin cưới tôi và anh ra cho hai điều kiện: một là bỏ ý đồ mua bán làm giàu và hai là trở lại Trung Chánh, xã Mỹ Hòa quê anh, tôi đều đồng ý. Trước khi về nhà chồng tôi bán hết cửa tiệm, máy may và hàng hóa khoảng mười ngàn đồng, một số vàng và hột xoàn. Nhờ đó tôi cũng đóng góp, giúp được ít nhiều tiền bạc cho anh Ninh và anh em khác để hoạt động cách mạng...” .
Trái tim nhỏ, tình yêu lớn
Nhằm tạo điều kiện cho ông Ninh yên tâm hoạt động, bà Sáu lo vận động tiền bạc, chuẩn bị cơ sở vật chất rước cụ Phan Chu Trinh từ Pháp về nước, chăm sóc thuốc thang cho cụ mạnh khỏe để cụ tiếp xúc với đồng bào. Bà sẵn lòng giúp đỡ phương tiện vật chất, tiền bạc cho anh em đồng chí của Nguyễn An Ninh, nhất là lo cho ông tiếp tục ra các báo La Cloché Fêlée, L’ Annam.
Năm 1926, bà sinh người con trai đầu lòng Nguyễn An Định khi ông Ninh đang ngồi tù vì tội diễn thuyết đòi quyền tự do dân chủ. Bà kiên định với cả con đường mà ông Ninh đã chọn lựa. Bà quen dần với việc sinh con một mình khi chồng ngồi tù hay bôn ba trên con đường tranh đấu. Năm 1929, ông Ninh bị tuyên án 3 năm tù, phạt 1.000 quan tiền, 5 năm mất quyền công dân về tội lập hội kín. Bà đã sát cánh cùng với ông Châu Văn Liêm vận động tổ chức anh em thành lập Đảng. Ngôi nhà bà trở thành trạm liên lạc, vừa là thư viện đọc sách, vừa là chỗ nghỉ ngơi của anh em, trong số đó có ông Võ Văn Tần.
Năm 1930 - 1931, phong trào đấu tranh của quần chúng sôi sục ở Nam bộ. Dù bận hai con nhỏ nhưng bà vẫn đi vận động, xuống cơ sở diễn thuyết, kêu gọi bà con biểu tình. Bà ôm đứa con nhỏ, trốn dưới hầm tàu tìm chồng đang bị địch đày xuống Hà Tiên (dù đã mãn hạn tù) nhằm cách ly ông Ninh ra khỏi ảnh hưởng phong trào quần chúng nổi dậy. Tháng 9.1939, ông Ninh nhận án tù biệt xứ. Bà đưa các con về Mỹ Tho mở hiệu thuốc sinh sống rồi lập gánh hát Kim Chung kiếm tiền mưu sinh, ủng hộ tổ chức. Bà thay ông thực hiện những công việc còn dang dở: xuất bản, giữ gìn từng quyển sách, trang viết của ông Ninh, nuôi đàn con 5 đứa còn thơ dại... Gần cuối năm 1943, một người bạn tù về tìm bà cho hay ông Ninh đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Bà không muốn tin vào điều khủng khiếp ấy nên chạy đến bót Catinat hỏi, lúc ấy bọn mật thám mới xác nhận rằng ông Ninh đã chết...
Vượt qua nỗi đau và mất mát quá lớn, bà Sáu tiếp tục đi vận động kinh phí để ra báo. Sau hiệp định sơ bộ, bà nhận làm chủ nhiệm tờ báo Phụ Nữ - một công việc đầy nguy hiểm lúc bấy giờ và tổ chức vận động thành lập Hội Phụ nữ VN, Hội Công thương gia, Hội Liên - Việt Sài Gòn - Chợ Lớn và bà trở thành Hội trưởng Phụ nữ, Ủy viên Thường vụ Hội Liên Việt cho đến lúc bị lộ, phải đi thoát ly…
Vào chiến khu, bà tiếp tục được bầu vào Ủy viên Chấp hành Phụ nữ tỉnh Rạch Giá - Phụ nữ Nam bộ - Phó chủ tịch Mặt trận Liên Việt Nam bộ. Bà tham gia Quốc hội khóa 2 và khóa 3, là ủy viên T.Ư MTTQ VN. Mãi 30 năm sau ngày ông Ninh đi vào cõi vĩnh hằng, bà mới có dịp “gặp lại” ông để rơi những giọt nước mắt trùng phùng. Với bà, ông Ninh không mất đi mà hiện hữu ngay trong cuộc sống của bà, trong những việc bà làm, những điều bà nghĩ. Bà tâm sự: “Tôi đã được các anh lãnh đạo TP.HCM mời cùng ra Côn Đảo thăm mộ anh Ninh. Đó là niềm mong ước nung nấu lòng tôi suốt từ ngày anh ra đi mà tôi không được cùng anh chia tay. Vậy mà thắm thoát đã hơn 30 năm rồi”.
Sau đó, ngày 3.12.1983, trái tim bé nhỏ chứa một tình yêu vĩ đại của bà với Nguyễn An Ninh cũng vĩnh viễn ngừng đập...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.