Nữ danh xứ Nam kỳ - Kỳ 6: Người làm bảo hiểm tư nhân đầu tiên ở Sài Gòn

10/03/2015 04:51 GMT+7

Ở TP.HCM hiện có rất nhiều công ty và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng ít ai biết về một phụ nữ đã từng làm nghề này đầu tiên tại Sài Gòn.

Ở TP.HCM hiện có rất nhiều công ty và nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhưng ít ai biết về một phụ nữ đã từng làm nghề này đầu tiên tại Sài Gòn.

Nguyễn Bình Minh lúc còn trẻ - Ảnh: T.L
Nguyễn Bình Minh lúc còn trẻ - Ảnh: T.L
Đặt tên cho con gái đầu lòng của mình là Nguyễn Bình Minh, người cha có niềm mong ước tương lai của con sẽ luôn sáng sủa, tươi đẹp. Bình Minh là chị cả của hai em gái Bình Thanh và Bình Trang… vì suýt soát tuổi nên chơi với nhau rất thân. Lớn lên, các cô đều bị cuốn hút vào phong trào học sinh sinh viên. Bình Minh từng mặc áo dài trốn mẹ đi biểu tình. Còn lúc hai em gái tham gia phong trào “Trò Ơn” bị nhà trường đuổi học phải vào chiến khu, Bình Minh náo nức muốn được đi cùng. Cô muốn như cánh chim tung bay giữa vòm trời cao rộng, khao khát thở hít không khí tự do nhưng do yêu cầu của tổ chức đành chấp nhận ở lại.
Bình Minh chọn cho mình con đường đấu tranh thầm lặng. Nhiều lần vào chiến khu thăm các em, cô lại tự an ủi: “Thôi thì không bay nhảy được vào vùng kháng chiến mình sẽ rèn luyện trong các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, tư tưởng... góp phần giáo dục những con người tốt cho xã hội”. Bình Minh lại trở về thành dạy học ở Trường Gia Long, vừa theo đuổi môn luật.
Bình Minh đã giúp cha đắc lực trong việc vận động xây dựng Trường Đức Trí. Ông Nguyễn Văn Đức, cha cô, hiểu rằng cuộc kháng chiến sẽ thắng lợi. Lúc ấy rất cần có một cơ sở để số cán bộ trí thức không tập kết ra miền Bắc có môi trường hoạt động hợp pháp. Bằng sự nỗ lực của ông và các cổ đông, trường được thành lập và Bình Minh làm hiệu trưởng vào khoảng năm 1963. Trong một thời gian dài, trường là nơi che chở cho một số cán bộ hoạt động như: Bùi Thị Nga, Trần Thị Mỹ, Nguyễn Thị Diệu, cô giáo Kim Cương... và nhiều thế hệ học sinh ưu tú, hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của đất nước.
Hành trình đi tìm lá cờ Tổ quốc
Năm 2014, trong một lần cùng đoàn cựu giáo chức đến thăm Nhạc viện TP.HCM, cả hội trường sững sờ nghe Bình Minh kể về quá trình đi tìm lá cờ Tổ quốc trong những ngày mất nước. Cô nhớ lại: Năm 1940, là con gái một kỹ sư công chánh, tôi được gửi vào học Trường Marie Curie. Mỗi ngày đều phải chào cờ Pháp, hát quốc ca Pháp. Tôi thầm nghĩ: “Tại sao mình là người VN lại đi chào cờ, hát quốc ca Pháp?”. Cờ VN như thế nào, VN có quốc ca không? Rồi cô mải miết đi tìm. Cô lật từ điển bách khoa kiếm cờ VN mãi không tìm thấy. Cuối cùng, cô tìm được lá cờ xứ An Nam màu vàng, in hình con rồng (của triều Nguyễn). Hai chữ An Nam làm nước mắt cô rơi vì vui sướng. Từ đó, mỗi khi chào cờ cô tự nghĩ rằng mình không chào cờ tam tài của Pháp mà trong tâm trí cô hình lá cờ VN đã tìm được...
Cô nhớ rõ ngôi nhà của dì ở 89 bis Lê Văn Duyệt là nơi sinh viên tập những bài hát của nhóm Hoàng Mai Lưu. Năm 1941, Tổng hội Sinh viên Đông Dương đã chọn bài hát chính thức do Lưu Hữu Phước sáng tác với tên gọi Thanh niên hành khúc và thật khó có thể tin, trong buổi biểu diễn ra mắt ở Nhà hát Lớn; cô Bình Minh đứng trên sân khấu, đánh accordeon, sững sờ khi nhìn thấy cả những quan chức Pháp đến dự buổi biểu diễn cũng phải đứng lên chào đón một thế hệ thanh niên mới. Đó là một sáng kiến của nhóm Hoàng Mai Lưu mà hôm ấy Trần Văn Khê là nhạc trưởng, đã khiến cho Bình Minh vừa kéo đàn vừa sung sướng rơi nước mắt...
Vì từ những hoạt động sôi nổi ấy bị theo dõi, trong một lần đi chấm thi vừa bước ra khỏi xe, cô đã bị bắt vào bót Ngô Quyền.
Kinh doanh bảo hiểm để dễ hoạt động
Gần một năm rưỡi trong nhà tù, cô đã kiên trì giữ vững lập trường của mình và cuối cùng kẻ thù đã phải trả tự do cho cô nhưng bị theo dõi rất chặt. Tuy nhiên, để tránh sự theo dõi của mạng lưới mật vụ, cô chuyển hướng hoạt động bằng cách dạy học tại Trường Gia Long, ĐH Văn khoa và dạy nhạc ở Trường Đức Trí.
Bình Minh chỉ dám nhận dạy giờ cho các trường ĐH để dễ thay đổi chỗ làm. Khi nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất ổn, cô dùng tấm bằng cử nhân luật của mình làm thêm nghề bảo hiểm. Năm 1968, Bình Minh cùng bạn bè hùn vốn mở công ty tư nhân kinh doanh bảo hiểm đặt tại số 89 bis Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám). Nhờ có nghề mới này mà trong quá trình kinh doanh, cô được đi nhiều nơi, tiếp tục hoạt động cách mạng trong lòng nội đô. Hiện bà sống tại TP.HCM và lưu giữ rất kỹ tấm card visit ghi nghề bảo hiểm, để mọi người biết đến là người phụ nữ làm nghề bảo hiểm tư nhân đầu tiên ở Sài Gòn.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.