Đây là bốn bộ phim ngắn được thực hiện từ 29 kịch bản gửi đến dự án 89.600km +... về giao thông VN do Hãng phim Xanh - Blue Productions tổ chức, bắt đầu khởi động từ tháng 4-2011. Sau khi ra mắt tại Megastar, dự tính bốn phim sẽ được chiếu tại các trường đại học và trên truyền hình. Công bằng mà nói, bốn phim này có phim hay, phim vừa và phim hơi dở.
|
1. Ngược chiều (Phạm Lộc) giống với một bài học về giao thông đơn giản vẫn phát hằng ngày trên VTV nhiều hơn là một phim ngắn xinh xắn khi câu chuyện gượng ép, chỉ đạo diễn xuất còn mang tính kịch và cái kết đầy “thông điệp” đã khiến phim hơi non. Tình anh bán chuối (Huỳnh Thanh Sỹ) là một phim dễ thương, thông điệp giao thông với hố tử thần vẫn hơi khiên cưỡng, nhưng bù lại bằng một câu chuyện đầy đặn, tự nhiên, lời thoại đời thường “tin được”. Bất ngờ nhất đến từ sự khác biệt độc đáo của hai phim còn lại. Đó là Chuyện tào lao với những chi tiết hài hước lẩy ra từ bệnh viện tâm thần mà vẫn có sự cay độc đến tàn nhẫn, ám ảnh đến rợn người. Và đặc biệt, được chọn chiếu cuối cùng trong chùm bốn phim là phim tài liệu duy nhất và lại dài nhất (30 phút) so với các phim còn lại, Xe ôm đã chiếm trọn sự “rưng rưng” của người xem.
2. Xe ôm được Nguyễn Thị Thắm quay trong bốn ngày, mỗi lần quay lại cách nhau nhiều ngày và tổng thời gian từ khi gặp gỡ nhân vật đến lúc đóng máy chỉ vỏn vẹn ba tuần. Nhân vật của Xe ôm - cô Võ Thị Nguyệt - chạy xe ôm ở bến xe miền Đông 20 năm nay từng được báo chí nhắc đến. Chính điều này là thử thách với Thắm. Ngay từ đầu, xác định sẽ không đi sâu vào việc “than thở” (cô Nguyệt từng bị tai nạn nghề nghiệp rất nặng, tốn tiền chạy chữa, cô đang phải nuôi hai đứa cháu ngoại do cha mẹ của chúng quá khó khăn, phải sống ở nhờ nhà em gái...) hay theo kiểu “người tốt - việc tốt” (cô tình nguyện chở sinh viên với giá rẻ hoặc miễn phí, giúp đỡ nhiều người khó khăn ở bến xe...), Thắm quyết định sẽ dựng một phim thật dung dị, gần gũi thông qua những hoạt động thường nhật của cô Nguyệt. Và Thắm đã thực hiện đúng như thế trong tất cả những lần quay.
Hình ảnh cô xe ôm với bộ quần áo bảo hộ lao động nam màu xanh đứng giữa vô số xe ôm nam khác chờ khách mỗi khi xe khách đến bến được Thắm dựng nhiều lần trong phim, nhưng mỗi lần lại cộng thêm cảm xúc cho khán giả. Cách quay tự nhiên “kiểu Varan” - điện ảnh trực tiếp - làm phim theo đúng nghĩa ăn ngủ cùng nhân vật đã cho Xe ôm những khuôn hình rất đời thường. Là cô Nguyệt khi chạy xe “kẹp ba” với hai ni cô hay khi chở hai bà cháu giữa trời mưa, lúc đón khách, lúc trò chuyện với bạn và ngay cả khi giữa khuya, trong căn nhà chật hẹp, bên đứa cháu đang thủ thỉ chuyện trò... đều là những đoạn thoại tự nhiên giữa môi trường sống tự nhiên hoàn toàn của nhân vật. Như hằng ngày cô Nguyệt vẫn làm việc như thế. Ở nhà, cô Nguyệt cũng nằm y như vậy, nói y như vậy.
Và nữa, những đoạn tự sự (nhưng thật ra là đang tâm sự với nữ đạo diễn đáng tuổi con cháu mình) cô Nguyệt trò chuyện thật tình mà bình thản, từ chuyện ở bến xe nghe người ta chửi bậy riết cũng thành quen đến việc cô luôn giặt là quần áo thẳng thớm sạch sẽ để khách không khó chịu với “mùi xe ôm”... Xe ôm không có lời bình, người ta sẽ biết về câu chuyện qua hình ảnh, lời thoại, tâm sự của nhân vật nên phim giản dị mà cảm động, mà làm khán giả phải rưng rưng.
3. Nguyễn Thị Thắm học điện ảnh từ Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, học về điện ảnh trực tiếp của Hiệp hội Varan (Pháp) các năm 2005, 2006. Với Thắm, thế giới phim tài liệu cho cô quyền được có chính kiến, có thời gian để suy ngẫm mà theo Thắm đây là điều cần nhất cho người làm phim trẻ.
Thắm chia sẻ: “Với phim tài liệu, trường quay là cả một vùng hoạt động tha hồ được vẫy vùng, được cảm nhận cuộc sống, cảm nhận nhân vật theo đúng nhịp điệu vốn có. Điều này kích thích sự sáng tạo của người làm phim. Một ngày 24 giờ không thể ngồi đó chờ đợi hoặc quay hết cả 24 giờ. Phải luôn biết phán đoán thời điểm, chọn lựa câu chuyện và quan trọng nhất là chọn lựa vị trí quay, góc máy, chọn lựa cách di chuyển để có thể kể câu chuyện đó rõ ràng và có cảm xúc”. Xem Xe ôm của Thắm, bạn sẽ tin rằng cô gái này đang đi đúng hướng.
Từ câu chuyện “giấc ngủ trắng”
Đạo diễn Nguyễn Khắc Huy: Giao thông VN là một trong những nỗi ám ảnh, sợ hãi, bất an của tôi, đặc biệt khi phải di chuyển trên các tuyến quốc lộ. Tình cờ đọc được trên mạng về dự án 89600km+..., tôi quyết định tham gia ngay. Tìm đọc các bài viết, phóng sự, tư liệu về giao thông ở VN, tôi chú ý đến một bài trên báo Tuổi Trẻ của một bạn đọc, nhắc đến “giấc ngủ trắng”. Đó là hiện tượng khi một tài xế rơi vào trạng thái ngủ mê và khi đó hình ảnh họ thấy trước mắt chỉ là hình ảnh họ đã nhìn thấy trước đó không lâu, giống như đoạn phim ngắn được chiếu đi chiếu lại. Mượn ý này tôi viết Chuyện tào lao. Tôi đã đưa vào phim những trải nghiệm thật của chính bản thân để tuy câu chuyện hoàn toàn giả tưởng như tựa phim nhưng nhân vật vẫn có thể “sống” được. Chuyện tào lao trong cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát, nó bế tắc giống căn bệnh nan y của giao thông nước ta. Nhưng dù có vẻ như u ám, đen tối, tôi lại muốn kể bằng giọng điệu châm biếm nên dark comedy (hài kịch đen) là thể loại phim tôi lựa chọn. Đây cũng là thể loại mà tôi muốn hoàn thiện và phát triển, cũng như từng bước tạo phong cách thể hiện riêng của cá nhân. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)