Bà Nguyễn Thị Nguyệt Thu, gần 50 tuổi, ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thạnh (Chợ Lách, Bến Tre), bước vào nghề trồng hoa kiểng cách nay đã hơn 20 năm. Chừng ấy tuổi nghề của bà cũng chẳng thấm vào đâu so với những nhà vườn kỳ cựu ở xứ này, mà người ta gọi bà là “nữ hoàng” hoa kiểng vì nhiều lý do khác.
Đầu tiên, có thể kể bà là người có diện tích trồng và số sản phẩm xuất vườn dẫn đầu ở đây trong nhiều năm qua. Trên “lãnh thổ” của “nữ hoàng” có khoảng 25 loại hoa kiểng, chủ yếu là các loại kiểng màu, kiểng lá, hoa, được trồng trên diện tích 9 ha.
Chính vì đứng đầu về diện tích nên bà cũng dẫn đầu về số lượng sản phẩm (chậu) xuất vườn mỗi năm - ba trăm ngàn sản phẩm các loại. Nếu so sánh với một nhà vườn có quy mô trung bình ở xứ Cái Mơn thì chí ít cũng gấp vài chục lần.
***
Cách đây hơn 20 năm, như nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng khác, bà Thu trồng các loại kiểng truyền thống như: mai, quất, cúc… Sau mấy năm làm nghề, bà nhận thấy “cần làm một thứ gì đó mới mẻ hơn để tạo nên sự khác biệt, để tăng sức cạnh tranh với những nhà vườn có tiếng ở địa phương”. Nghĩ vậy, bà quyết định sang các nước láng giềng để học tập kinh nghiệm của họ. Hơn chục năm về trước, việc ra nước ngoài học hỏi, tìm giống cây mới quả thật là một suy nghĩ hết sức táo bạo đối với nhà nông, mà lại là phụ nữ.
Vì không rành đường đi nước bước, bà phải đăng ký đi theo các tour du lịch có chương trình tham quan các vườn hoa kiểng ở Đài Loan, Thái Lan… Đến đâu thấy có loại cây nào đẹp mắt, hợp ý liền mua về nhân giống. Hành lý của bà sau những chuyến du lịch chỉ là những giống cây mới. “Số cây giống mang về chết nhiều hơn sống vì không hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Để có được hơn 20 loài hoa kiểng hiện giờ, tôi đã đổ không biết bao nhiêu là tiền”, bà Thu tâm sự. Ấy vậy mà bà vẫn cố gắng kiên trì, mỗi năm xuất ngoại đôi ba lần để tìm cây giống mới. Và nếu may mắn cây nào sống được thì cũng khoảng 5 năm sau mới có thể xuất bán được.
Bà Thu luôn cố gắng mỗi năm cung cấp ra thị trường một giống cây mới. Bà giải thích, chỉ khoảng 2 năm sau khi những giống cây mới từ vườn bà xuất bán thì nhiều nhà vườn khác cũng có. Nhưng điều quan trọng là bà muốn đa dạng hóa sản phẩm của mình, làm tươi mới thị trường và cho người tiêu dùng nhiều cơ hội lựa chọn. Đó chính là lợi thế cạnh tranh của vườn hoa “nữ hoàng”.
***
Sau nhiều lần tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng hoa kiểng ở các nước, bà tâm sự: Nghề trồng hoa kiểng của họ rất phát triển. Họ có những cánh đồng hoa bạt ngàn. Một chủ vườn quy mô nhỏ của họ thôi cũng có diện tích 40 - 50 ha. Mỗi vườn đều có phòng thí nghiệm, nhà nuôi cấy mô, lai tạo giống... Trung bình mỗi tháng họ có thể cho ra một sản phẩm mới. Còn chúng ta thì chỉ đi nhập những sản phẩm hàng hóa của họ về làm giống.
Bà Thu còn là người đầu tiên ở xứ Cái Mơn xuất khẩu sản phẩm đi Hàn Quốc. Cách đây khoảng 2-3 năm, ở Chợ Lách rộ lên phong trào trồng các loại kiểng lá để xuất đi Hàn. Nhưng trào lưu đó cũng chẳng kéo dài được lâu vì nhiều lý do, trong đó có yếu tố nhiều nhà vườn không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của phía đối tác. Thế nhưng đến nay, bà Thu vẫn duy trì tốt các giao dịch với phía Hàn Quốc. Trong năm vừa rồi, riêng mặt hàng cây kim phát tài bà đã xuất sang Hàn Quốc gần 50 ngàn sản phẩm.
Chí Nhân
Bình luận (0)