Có rất nhiều cống hiến cho thể thao Việt Nam nói chung cũng như thể thao Hà Nội nói riêng, nhưng nhà vô địch SEA Games môn kiếm chém Nguyễn Thị Lệ Dung chỉ được hưởng mức lương vào khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Lệ Dung và khoảnh khắc giành HCV tại SEA Games 28 - Ảnh: Khả Hòa
|
Không quá lời khi nói rằng, Lệ Dung là một trong những tài năng đặc biệt của Việt Nam khi thành tích của cô phải gõ máy tính đến “mỏi” cả tay mới hết: 9 HCV ở 5 kỳ SEA Games (HCV cá nhân, đồng đội); 11 HCV giải vô địch Đông Nam Á, 1 HCĐ giải vô địch châu Á, từng lọt vào top 14 thế giới và hiện đang đứng thứ 46 trong bảng xếp hạng của Liên đoàn đầu kiếm thế giới.
Mới đây, đội tuyển đấu kiếm đã lập một kỷ lục cực kỳ đáng khen ngợi là đoạt được 3 vé dự Olympic Brazil 2016. Và Lệ Dung là một trong 3 kiếm thủ đã giành chiến thắng một cách thuyết phục trước những VĐV mạnh của châu lục để đến Thế vận hội. 14 năm theo đuổi môn thể thao cực khó của hệ thống thi đấu Olympic, Lệ Dung được coi như nữ kiếm thủ số 1 Đông Nam Á với biệt danh “độc cô cầu bại”.
Tuy nhiên, cuộc sống của Dung đằng sau vẻ lấp lánh của những tấm HCV lại khá vất vả. Cô gái quê Sóc Sơn (ngoại thành Hà Nội) này đang khoác áo đội kiếm Hà Nội và mỗi tháng chỉ được hưởng khoảng 2,5 triệu đồng tiền lương sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm.
Từ cuối tháng 1 đến nay, cô được hưởng thêm một khoản nữa từ nhà nước vì nằm trong danh sách VĐV trọng điểm của Tổng cục thể dục thể thao. Nếu không tập trung đội tuyển, Dung không có thêm bất kỳ một khoản thu nhập nào khác.
“Với đồng lương quá ít ỏi như thế, bạn sống thế nào?”, chúng tôi hỏi Dung và cô trả lời hiền lành: “Tôi quen thế rồi. Tính tôi từ bấy đến giờ ít bon chen, ít đòi hỏi nên hầu như không nghĩ gì cho bản thân mình.
Tôi chỉ chú tâm tập luyện và cống hiến. Nhiều lúc, bạn bè hỏi, sao Dung chịu nhiều thiệt thòi thế này mà chẳng bao giờ thấy kêu ca gì thế. Nói thật là tôi ngại đụng chạm. Cứ phải than phiền gì cho bản thân mình là cứ thu mình vào, khác hẳn với những lúc thi đấu - bung hết mình, chiến đấu hết mình”.
Cuộc sống của Dung đằng sau vẻ lấp lánh của những tấm HCV lại khá vất vả - Ảnh: Khả Hòa
|
Rồi Dung bần thần một lúc mới khẽ khàng nói tiếp: “Nhưng năm nay tôi đã 31 tuổi, không còn trẻ nữa nên đã bắt đầu phải thấy lo toan. Tôi ước giá như…
Sau này tôi cũng lập gia đình, không thể chăm sóc gia đình tốt nếu thu nhập quá thấp. Hiện tại, tôi ăn lương VĐV hợp đồng và chưa biết cứ thế nào đến bao giờ. Chúng tôi rất yêu nghề, sống chết với nó, nhưng để VĐV yên tâm cống hiến thì chế độ đãi ngộ nên tốt hơn chăng.
Nhiều bạn bè hỏi tôi sao giờ vẫn chưa được biên chế Hà Nội. Tôi chỉ biết cười thôi, dù đấy là mong muốn của cá nhân mình. Nghề thể thao, nếu không đam mê và cháy hết mình vì nó, nếu không khổ luyện, nếu không đổ mồ hôi thậm chí cả nước mắt, sẽ không bao giờ thành công. Tôi thầm tự hào với Tổ quốc, với chính mình, với gia đình và người thân, với thầy cô là tôi đã trở thành một VĐV tốt. Tôi chỉ ước giá như…”.
Một lãnh đạo ở Tổng cục thể dục thể thao nói với chúng tôi: “Dung và nhiều VĐV giỏi khác của Việt Nam không thể sống được bằng nghề. Nếu không có sự hậu thuẫn của gia đình, họ khó lòng theo đuổi được thể thao suốt một quãng thời gian quá dài như thế. Chúng tôi cũng cảm thấy rất xót xa”.
Còn Lệ Dung lại cười hiền: “Nhưng thôi, tạm gác lại nỗi lo đời thường, nhiệm vụ của tôi và các đồng đội là tập trung tối đa vào Olympic. Sau lần thi đấu này, tôi sẽ giải nghệ. Và hẳn nhiên rồi, dù giã từ sự nghiệp VĐV tôi sẽ không xa rời đấu kiếm vì chuyển sang làm HLV. Nhưng tôi sẽ rất nhớ những quãng ngày tôi được tung hoành cây kiếm với tư cách là một kiếm thủ quá đỗi yêu nghề”.
Dung chia sẻ thêm: “Thực ra tôi bị hai chấn thương ở đầu gối và tay. Chấn thương lồi cọc trong đầu gối khá nặng và tôi sẽ phải tiến hành phẫu thuật khi tôi trở về từ Olympic. Mổ xong chắc phong độ không thể tốt như trước nên có lẽ quyết định thôi nghiệp VĐV sẽ là đúng đắn. Chứ sao đấu được mãi. Phải không ạ?”, Dung lại cười hiền lành.
Bình luận (0)