Nữ kỹ sư thu tiền tỉ từ nuôi đông trùng hạ thảo

Mạnh Cường
Mạnh Cường
03/02/2023 07:00 GMT+7

Một nữ kỹ sư trẻ tiếp cận với công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo một cách bài bản đã đem lại doanh thu tiền tỉ.

Sinh ra ở vùng quê nghèo, bố mẹ làm nông, từ nhỏ Võ Thu Thủy (30 tuổi, ở thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam, H.Núi Thành, Quảng Nam) đã ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Nữ kỹ sư thu tiền tỉ từ nuôi đông trùng hạ thảo - Ảnh 1.

Võ Thu Thủy thu được tiền tỉ mỗi năm nhờ nuôi đông trùng hạ thảo

MẠNH CƯỜNG

Tốt nghiệp ĐH năm 2016, Thủy xin vào làm ở Công ty nông - lâm nghiệp và môi trường VN ở tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, nữ kỹ sư được tiếp cận với công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo một cách bài bản, hiện đại. Sau 2 năm làm việc, Thủy trở về Quảng Nam hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính quê hương.

"Thời gian đầu khi về quê, tôi lấy sản phẩm đông trùng hạ thảo ngoài Thái Nguyên về bán và thấy nhu cầu thị trường lớn. Tôi nghĩ mình có thể sản xuất được mà tại sao không tự chủ động. Với suy nghĩ đó, tôi quyết tâm khởi nghiệp với loại dược liệu quý này", Thủy chia sẻ.

Với số vốn vay mượn từ bạn bè và người thân, đầu năm 2019, Thủy đầu tư mua máy móc, lắp đặt phòng nuôi cấy, liên hệ các nguồn nguyên liệu để bắt tay vào thành lập riêng một cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo mang tên Duy Lợi với tổng diện tích hơn 100 m2 tại mảnh đất của gia đình. Trong đó có một phòng làm giống, hai phòng nuôi cấy, một khu chuẩn bị môi trường và một khu đóng gói.

Theo Thủy, ban đầu khởi nghiệp gặp khá nhiều khó khăn. Để sản xuất sản phẩm, cần nhiều máy móc hiện đại, nhiều tiền nên nguồn vốn rất nặng. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế tại địa phương, dù đã thiết lập phòng theo đúng chuẩn, nhưng lúc đầu thành quả chưa đạt. Phải mất 2, 3 lần thu mới thuần được giống.

Thủy cho biết cơ sở của chị sử dụng nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa... để nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trong khoảng 5 - 7 ngày. Sau khi sợi tơ lên đầy hộp sẽ bắt đầu vào phòng nuôi sáng. Tại phòng nuôi sáng, sẽ nuôi ở nhiệt độ khoảng 18 - 20 độ C, độ ẩm tầm 85 - 88%. Sau khoảng 80 - 85 ngày sẽ thu hoạch sản phẩm. Trong suốt thời gian đó, phải đảm bảo cho phòng nuôi luôn ở trạng thái vô trùng để nấm không nhiễm bệnh và thường xuyên theo dõi để kịp thời tách, xử lý hũ bị hư hại, tránh lây lan sang các hũ nấm khác.

Sắp tới, cơ sở sẽ chủ động nguồn tảo vì hiện tại tảo phải mua về, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Đồng thời, sẽ sản xuất tảo xoắn spirulina, vừa làm đông trùng hạ thảo vừa xây dựng sản phẩm kinh doanh trên thị trường. Các sản phẩm đưa ra thị trường ngoài sấy khô thì còn đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, ngâm rượu và nước thảo dược đông trùng hạ thảo táo đỏ.

"Hiện nay, cơ sở của tôi có 2 dòng sản phẩm chính là nuôi trên giá thể nhộng tằm và nuôi trên giá thể tảo xoắn spirulina. Sắp tới, sẽ mở rộng quy mô thêm 2 phòng nuôi và chế biến sâu đông trùng hạ thảo thành sản phẩm như bánh đông trùng hạ thảo, nước... để bán ra thị trường", Thủy cho biết thêm.

Hiện mô hình của cô kỹ sư sinh học nuôi đông trùng hạ thảo đem lại doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho 5 lao động địa phương, với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện Thủy đang tập trung cho việc bán hàng, xây dựng thương hiệu. Thời gian tới sẽ cơ cấu lại danh mục sản phẩm, khách hàng và đa dạng kênh bán hàng hơn để thu hút đầu ra.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.