Chúng tôi gặp Kiều tại trụ sở UBND xã Vị Tân (TP Vị Thanh) - một xã nông thôn mới ở Hậu Giang - trong lúc cô kỹ sư trẻ đang khá bận rộn với công việc lên kế hoạch chuẩn bị mở các lớp tập huấn ngắn hạn chuyển giao kỹ thuật trồng rau màu, cách phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa, mía; cách nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm... cho bà con nông dân. Một cán bộ tổ kỹ thuật nông nghiệp xã cho biết dù là dân học chuyên ngành trồng trọt nhưng Kiều còn “lấn sân” sang lĩnh vực chăn nuôi, và lĩnh vực nào Kiều cũng đảm nhiệm rất tốt.
|
Gắn cuộc đời với nông dân
Nguyễn Thị Thúy Kiều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo. Cha mất sớm, hai mẹ con bám ít ruộng vườn sống lây lất cùng người bà là thương binh, cùng với người dì thường xuyên bị bệnh tật do di chứng chất độc da cam.
|
Lớn lên dựa vào cây lúa, mảnh vườn nên hơn ai hết, Kiều hiểu được bao vất vả, khó nhọc của bà con nông dân miền sông nước. Và đó là lý do cô quyết theo ngành trồng trọt, quyết gắn cuộc đời mình với đất, với người nông dân. Để theo đuổi đến cùng ước mơ trở thành một kỹ sư trồng trọt mà không phụ thuộc đến gia đình vốn rất nghèo, Kiều không ngại ngần làm mọi việc như đi phát tờ rơi, chạy bàn, rửa chén ở quán ăn để kiếm thêm thu nhập trang trải mọi chi phí cho bốn năm ngồi ghế giảng đường đại học.
Đến khi là sinh viên năm cuối, trong những chuyến đi thực tế dài ngày cùng ăn cùng ở với bà con, Kiều nhận ra một thực tế phần lớn người nông dân do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu kinh nghiệm, ít ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất làm ra thường không cao. Đã vậy nông dân lại là những người chịu thiệt thòi khi trực tiếp đứng ra sản xuất, chịu thương chịu khó tạo ra sản phẩm nhưng hưởng lợi trên sản phẩm không nhiều, đầu ra lại bấp bênh và chịu nhiều sức ép từ thương lái, thị trường... Từ những trăn trở đó, năm 2008 sau khi tốt nghiệp đại học, Kiều xin về vùng đất Hậu Giang mới chia tách được bốn năm để lập thân, lập nghiệp, gắn bó lâu dài cùng bà con, bỏ qua lời đề nghị cũng rất hấp dẫn từ các thầy: ở lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Thậm chí cô còn gắn chặt cuộc đời mình với mảnh đất Hậu Giang khi xây dựng hạnh phúc cùng một chàng nông dân miệt vườn chính hiệu.
|
Suốt ngày trên đồng ruộng
Đơn xin việc của Kiều chuyển đến đất Hậu Giang nhanh chóng được lãnh đạo cơ quan chuyên môn đón nhận. Cô kỹ sư trẻ được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang tăng cường về tổ kỹ thuật nông nghiệp xã Vị Tân để thử sức. Tại đây Kiều được giao công việc không dễ xơi, đòi hỏi người có nhiều kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên môn vững mới có thể đứng ra gánh vác, đó là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế địa phương, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân tăng năng suất, lợi nhuận trên cơ sở chi phí bỏ ra thấp nhất.
Kiều tâm sự: “Những lần đầu xuống tận xóm ấp tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con, nhiều nông dân còn e dè, ngại trao đổi khi thấy mình nhỏ tuổi, yếu đuối lại non kinh nghiệm. Vì vậy, mình phải chịu khó gần gũi, thường xuyên xuống tận xóm ấp tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những lợi ích thiết thực của việc ứng dụng tiến bộ mới vào sản xuất, khi ấy người cán bộ khuyến nông mới dần lấy được cảm tình của bà con”.
Không chỉ làm tốt việc được giao, Kiều còn chủ động lên kế hoạch làm việc theo giờ giấc của người dân. Nhiều bà con vẫn thường thấy Kiều thu xếp việc nhà và đi làm từ hơn 5g sáng. Kiều vui vẻ giải thích: “Đi làm sớm để dễ dàng cùng bà con phát hiện sâu bệnh gây hại trên cây lúa, rau màu, sẵn tiện hướng dẫn, khuyến cáo người dân cách điều trị thích hợp. Vả lại khi bám vườn, lội ruộng mới dễ tiếp thu ý kiến, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân để kiến nghị các cấp chính quyền đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn”.
Anh Trần Ngọc Hưởng, nông dân ấp 3, xã Vị Tân, cho biết: “Thương lắm là những lúc Kiều đang mang thai, thường xuyên bị hạ canxi, mấy lần bị ngất giữa đường nhưng cô kỹ sư vẫn giữ thói quen đi thăm đồng sớm cùng nông dân. Kiều còn có thói quen xuống địa bàn từ sáng sớm và chiều tối mới về tới nhà. Mỗi lần như thế Kiều thường mang cơm theo ăn và tá túc nhà bà con để chia sẻ chuyện đồng áng”.
Ông Cao Hoàng Châu, chủ tịch Hội nông dân xã, cho biết hiện tại Kiều còn tham gia hướng người dân trong xã phát triển mô hình kinh tế tập thể thông qua hình thức tổ chức các buổi sinh hoạt CLB định kỳ hằng tháng rải đều ở các ấp trong xã. Cũng từ đó, nhiều CLB điển hình đã ra đời, tập hợp được nhiều nông dân chí thú làm ăn tham gia phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng như CLB giảm nghèo ấp 7, CLB mía ấp 1, 2; CLB phụ nữ trồng mía ấp 2, CLB lúa chất lượng cao ấp 6, CLB lúa Hàng Tràm, CLB rau an toàn, CLB khuyến nông...
Trong mắt mọi người
* Cô kỹ sư trẻ đáng trân trọng “Trước đây khi trực tiếp hướng dẫn Kiều làm đề tài luận văn tốt nghiệp, tôi nhận thấy ở em tinh thần chịu khó, chủ động, sáng tạo trong công việc. Kiều có năng lực chuyên môn tốt lại đam mê nghiên cứu khoa học, thích tìm tòi, khám phá cái mới và không bao giờ tự mãn với những gì mình đạt được. Điều đó hội đủ tố chất của người làm công tác nghiên cứu khoa học nên sau khi em tốt nghiệp ra trường, tôi quyết định giữ em lại làm cộng sự để thầy trò cùng nghiên cứu khoa học, giúp em học tiếp cao học và tham gia giảng dạy. Dù làm cán bộ nghiên cứu khoa học vẫn có nhiều điều kiện giúp nông dân, nhưng do bản thân Kiều xuất thân từ nông dân và trong người em có một tình yêu nông dân nên tôi tôn trọng quyết định của em khi xin về vùng đất mới làm công tác khuyến nông để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế, giúp bà con tiếp cận và ứng dụng một cách tốt hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mỗi khi hay tin tôi đến Hậu Giang công tác, Kiều đều chủ động liên hệ để trực tiếp trao đổi nhiều công việc chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những việc làm của những người như kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Thúy Kiều đáng được biểu dương, trân trọng” - PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ (nguyên trưởng khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ). * Nhiều mô hình rất hiệu quả “Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cô kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Thúy Kiều mà nhiều mô hình đưa ra đã được nông dân trong xã triển khai ứng dụng rất hiệu quả, như nhân giống lúa chất lượng cao nhờ áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng”; sử dụng nấm xanh trên lúa để phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá; trồng thâm canh các giống mía mới cho năng suất cao kết hợp trồng rau màu, nuôi cá, nuôi gà theo kiểu lấy ngắn nuôi dài... Cô Kiều còn đảm nhiệm, điều phối rất tốt các buổi tập huấn giúp bà con nông dân làm kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường, khảo sát đầu ra sản phẩm” - ông Cao Hoàng Châu, chủ tịch Hội Nông dân xã Vị Tân. * Có những người như Kiều, nông dân tụi tui yên tâm “Do xuất thân từ nông dân nên Kiều rất gần gũi, am hiểu và sâu sắc với người dân. Nhờ được kỹ sư Kiều hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật mới và “bắt mạch” được nhiều chứng bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi mà nhiều nông dân ở xã Vị Tân ngày càng an tâm sản xuất, không lo bị thất thoát hay tổn thất. Có những người như cô Kiều, nông dân tụi tui yên tâm lắm” - chị Đỗ Thị Toán, nông dân thuộc CLB trồng mía ấp 2, xã Vị Tân. |
Theo Thanh Xuân / Tuổi Trẻ
>> Lenovo tài trợ cho truyền hình trực tuyến toàn cầu để khuyến khích các nữ kỹ sư
>> Lê Duy Loan - Nữ kỹ sư tài năng và sứ mệnh Hoa Hướng Dương
Bình luận (0)