Nữ lưu nước Việt - Kỳ 3: Người phụ nữ vàng của Tuần lễ vàng

21/10/2015 04:57 GMT+7

“Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”. Đây là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người đã đóng góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng (1945): 109 lạng vàng cho ngân sách quốc gia.

“Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh”. Đây là lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho người đã đóng góp nhiều nhất trong Tuần lễ vàng (1945): 109 lạng vàng cho ngân sách quốc gia.

Bà Vương Thị Lai (ngồi) và con cháu  
- Ảnh: tư liệu gia đình 
do GS Mai Thế Trạch cung cấpBà Vương Thị Lai (ngồi) và con cháu - Ảnh: tư liệu gia đình do GS Mai Thế Trạch cung cấp
Nhìn vào tấm ảnh bà Vương Thị Lai do con của bà là GS Mai Thế Trạch gửi, tôi nhủ thầm: một người phụ nữ áo nâu, khăn vấn, ăn trầu, góa bụa sớm, đã bước chân vào thương trường như thế nào để lập ra hiệu buôn lớn nức tiếng ở 27 phố Hàng Ngang, Hà Nội?
Ký ức về người mẹ
Trong ký ức của GS Mai Thế Trạch, đầu phố Hàng Ngang (tên thời Pháp thuộc là Rue des Cantonais) nối với Hàng Đường, cuối phố nối với Hàng Đào. Lòng đường rộng khoảng 6 - 8 m, ở giữa có đường tàu điện, hai làn đường còn lại vì thế khá hẹp; khi có tàu điện đi ngang thì xe ô tô lưu thông rất khó khăn. Tuy vậy, hai bên phố vẫn có vỉa hè khá rộng cho người đi bộ. Ngày trước tuyệt đối không được “vô tư” lấn chiếm vỉa hè như ngày nay. Mọi hành vi xâm phạm vỉa hè đều bị “cẩm” (đội xếp) phạt rất nặng.
Phố Hàng Ngang buôn bán mấy mặt hàng chính là vải, lụa; trà Tàu; hiệu thuốc đông y. Các hiệu vải tơ lụa, bên số lẻ thì có Trịnh Phúc Lợi số 7, Phát Đạt số 13, hiệu Lợi Quyền số 27 - người chủ ban đầu là ông Mai Bá Lân - chồng bà Vương Thị Lai, khi ông mất thì bà tiếp quản cửa hàng.
“Mẹ tôi cũng như mọi người phụ nữ VN bình thường khác”, GS Mai Thế Trạch chia sẻ. Với con cái trong nhà, cụ răn dạy, điều cần nhất là phải biết thương người. Thấy người nghèo khó, mình có điều kiện thì san sẻ, giúp đỡ, chứ không được khinh rẻ, hắt hủi. Trong nhà có người giúp việc thì coi như con cháu, chứ cụ không coi đó là kẻ hầu người hạ. Vì thế, người giúp việc và chủ nhà cùng ăn chung mâm cơm mỗi khi đến bữa, chứ không có sự phân biệt ăn riêng mâm.
Khi còn buôn bán, kinh tế khá giả, cụ vẫn giữ nếp sống giản dị, không ăn uống cao sang. Về sau này, qua cuộc cải tạo công thương nghiệp, đời sống có lúc khó khăn, gia đình phải bán từng cái đĩa, bát cổ, cụ vẫn giữ nền nếp giản dị như xưa.
GS Mai Thế Trạch chia sẻ: “Mẹ tôi chịu ảnh hưởng từ bà ngoại, cụ theo đạo thờ Mẫu, chăm đi lễ chùa, Hà Nội đi chùa Trấn Võ, xa hơn thì lễ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)... Mẹ tôi bao giờ cũng dạy con cái lấy nếp sống lấy điều nhân đức làm đầu. Với mọi người, dù họ hàng hay người xa lạ, nếu có điều kiện giúp đỡ khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn, đều phải gắng hết sức”.
Một phụ nữ ái quốc
Chồng mất khi mới 28 tuổi, một tay cáng đáng việc cửa hiệu, một tay lo chăm 5 người con, nhưng bà Vương Thị Lai vẫn tìm hướng phát triển công việc kinh doanh. Nhận thấy buôn bán tơ lụa đang khởi sắc, bà đã lao động không biết mệt mỏi, gây dựng thành công cửa hàng tơ lụa Lợi Quyền ở nhà số 27 Hàng Ngang, nói như ngôn ngữ ngày nay là tạo uy tín thương hiệu riêng.
Ngay sau Cách mạng Tháng 8.1945, nhiều gia đình người Hàng Ngang cũ đã ủng hộ tài sản cho Chính phủ. Đặc biệt, vào ngày 17.9.1945, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chính phủ phát động Tuần lễ vàng. Nhân dân thủ đô đem dây chuyền, nhẫn cưới, hoa tai, vòng, xuyến... ủng hộ Chính phủ. Tổng kết Tuần lễ vàng, bà Vương Thị Lai tức Lợi Quyền, nhà số 27 phố Hàng Ngang, đã góp 109 lạng.
Hơn một tháng sau, ngày 10.11.1945, Hội Phụ nữ tổ chức Ngày Phụ nữ ủng hộ Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và mang theo tấm huy chương bằng vàng hình ngôi sao năm cánh, giữa có chữ V.M (Việt Minh - PV). Khai mạc ngày lễ, Hồ Chủ tịch đã tự tay gắn huy chương cho bà Vương Thị Lai. Đó là tấm huy chương đầu tiên mà Chủ tịch Chính phủ tặng cho một phụ nữ ái quốc, công dân của nước VN Dân chủ Cộng hòa. Đó cũng là tấm huy chương độc nhất vô nhị, vì đây là món quà của một Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi về biếu Hồ Chủ tịch. “Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh cho phụ nữ VN”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.
Sau Tuần lễ vàng, bà Vương Thị Lai tiếp tục lặng lẽ đem vàng, tiền mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, gây Quỹ Ngân hàng Quốc gia VN, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành Hà Nội trong những ngày chuẩn bị và chiến đấu bảo vệ thủ đô cuối năm 1946. Có lúc bà còn gửi giúp quỹ kháng chiến hàng vạn đồng Đông Dương. Sau 1954, bà tiếp tục góp tiền ủng hộ xây dựng Nhà máy da Thụy Khê, nhà máy dệt khăn mặt. Bà còn ủng hộ cách mạng một khối tài sản khổng lồ. Đó là hai ngôi nhà 156A và 156B phố Quán Thánh, Hà Nội. Tổng diện tích hai ngôi nhà này là 1.105 m2. Và ngôi nhà số 1 phố Lê Hồng Phong (rộng 1.108 m2), hai lô đất ở Bến xe Kim Liên (rộng 1.035 m2).
Không chỉ ủng hộ bằng tiền bạc, tài sản, bà Vương Thị Lai còn có công sinh thành, nuôi dưỡng hai người con trai có những đóng góp trí tuệ cho đất nước. Người con trai cả là GS Mai Thế Trạch, du học Pháp về nước cống hiến tâm và tài trong ngành y, chuyên gia đầu ngành về nội khoa. Người con trai thứ hai là KTS Mai Thế Nguyên, người thiết kế Hoàng cung Na Uy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.