Nữ lưu nước Việt: Cụ bà đa thọ đa phúc

19/10/2015 09:00 GMT+7

Bên cạnh những người phụ nữ anh hùng xông pha nơi mũi tên hòn đạn đã được lịch sử ghi nhận, còn rất nhiều người phụ nữ ở hậu phương đã có những đóng góp to lớn mà thầm lặng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Bên cạnh những người phụ nữ anh hùng xông pha nơi mũi tên hòn đạn đã được lịch sử ghi nhận, còn rất nhiều người phụ nữ ở hậu phương đã có những đóng góp to lớn mà thầm lặng cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (9.2015) - Ảnh: Linh TâmCụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (9.2015) - Ảnh: Linh Tâm
Năm nay, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ 102 tuổi nhưng cụ còn mẫn tiệp. Người đa thọ đa phúc là cụ, với một đại gia đình ngũ đại đồng đường gần 50 người sống quây quần, đầm ấm.
Tâm từ mẫu
Khi tôi hỏi cụ bí quyết để giữ gìn sức khỏe, sống trường thọ mà trí nhớ vẫn minh mẫn, cụ Hoàng Thị Minh Hồ nhẹ nhàng nói: “Bà chả có bí quyết gì đâu, có lẽ nhờ bà ăn ở nhân hậu”.
Người con gái làng Lủ (nay là P.Kim Giang, Hà Nội) sinh trưởng trong gia đình thương gia giàu có. Năm 1932 bà lập gia đình với thương gia Trịnh Văn Bô và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển công việc kinh doanh của gia đình. Năm 1936, người Pháp dọn nghĩa trang Hợp Thiện, hàng vạn hài cốt phải chuyển. Thành phố đi quyên tiểu sành, bà ủng hộ 100 chiếc. Năm 1937 hai huyện Đông Khê, Thất Khê (tỉnh Lạng Sơn) bị ném bom, bà ủng hộ 2.000 tiền Đông Dương . Năm 1939 lụt, 2 huyện tỉnh Hưng Yên bị lụt, nhân dân mất cửa mất nhà, bà cũng ủng hộ 2.000 đồng (giá gạo 3 đồng/tạ).
“Ngày xưa làm từ thiện, lá lành đùm lá rách, tự tay người giúp đỡ phải đem đến cho các gia đình bất hạnh, chứ không phải như bây giờ cứ giao cho nhà nước”, cụ Minh Hồ kể.
Khi đưa mấy chục tấn gạo xuống Hưng Yên, Tổng đốc đứng đầu tỉnh là cụ Từ Đạm nhà ở phố Hàng Đào ra tiếp. Bà cùng các cụ hằng tâm hằng sản xuống đã thấy dân hai huyện ngồi chật ở cửa dinh, có danh sách nhà nào nhiều thì đong gạo nhiều, nhà nào ít thì đong gạo ít, còn tiền thì phát. Nghỉ trưa, Tổng đốc mời cơm các cụ các bà. Sau đó là 4 giờ rưỡi chiều lại ở Hưng Yên về Hà Nội, sau khi đã phát chẩn hết số gạo, chứ không giao khoán chính quyền địa phương.
Đến năm 1942 cháy bãi Nghĩa Dũng, bà ủng hộ 100 cái bánh chưng, nửa cân gạo phát ngay. Nạn đói năm 1945, bà mua 1.000 cái vé cháo phát cho người đói. Nhờ vậy, nhiều người thoát chết chỉ trong tấc gang. Với người thiệt phận, bà xuất tiền túi 270 đồng mua được 100 đôi chiếu, 100 đôi thừng để bó những xác chết.
Mùa đông năm 1956, đi sang Đình Bảng - Chợ Giầu, thấy mình thì áo bông áo len, mà trẻ con hơn một tuổi, có mỗi một manh áo, quần chẳng có, tái tê chịu rét, trở về bà mua mấy nghìn thước vải, để may chăn, rồi cán bông may áo.
Không để đoàn thể xấu mặt
Ít người biết rằng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ là một trong những người sáng lập Hội LHPN VN và Hội LHPN Hà Nội. Trong đó, 10 năm bà tham gia BCH T.Ư Hội, 24 năm tham gia BCH thành Hội.
Trước đó, thời kỳ 1944 - 1945, mà bà gọi là “còn trong bóng tối”, bà đã ủng hộ 15.000 Đông Dương (trị giá gần 40 lạng vàng) để ra tờ báo của nữ giới - ngày ấy gọi báo “Đàn bà”. Đấy là khi ông Khuất Duy Tiến đưa hai bà Tâm Kính và chị Nguyễn Thị Thảo (chủ bút) đến vận động bà quyên góp.
Câu chuyện bà ủng hộ nhà nước hơn 5.000 lạng vàng trong Cách mạng tháng Tám đã có hàng trăm bài báo viết từ nhiều năm nay. Có điều, giữa lúc độc lập còn quý hơn vàng thì bà tâm sự rằng chẳng tiếc của. Không chỉ góp tiền của, bà còn góp vào sự lịch thiệp kín đáo của người thủ đô.
Năm 1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cử bà Trịnh Đình Thảo và bà Nguyễn Đình Chi ra Hà Nội. Theo lời cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: Bà Trịnh Đình Thảo là nhà tư sản lớn; còn bà giáo Nguyễn Đình Chi là người trí thức ở Huế. Đất nước có chiến tranh, đoàn thể còn thiếu thốn, mọi sự tiếp đón ban đầu dự kiến rất sơ sài.
“Bà nghĩ là nếu không tiếp đón hai bà đại diện phụ nữ miền Nam lịch sự, trang trọng, thì mang tiếng phụ nữ thủ đô mà lùi xùi, như thế đoàn thể không đẹp mặt”, bà Minh Hồ kể.
Vậy là, bà đặt mua chè mạn sen, làm những thứ bánh cổ truyền dân tộc, các thứ bánh của người Hà Nội: bánh bao, bánh bẻ, bánh bò, bánh dày… cùng đồ uống phong vị quê hương tiếp đón.
Đoàn thể không đòi hỏi nhưng bà tự nhủ thầm, phụ nữ thủ đô thì phải lịch lãm, tiếp đón bạn từ miền Nam ra cũng phải thể hiện đúng cái sang của người Hà Nội cùng tình cảm gần gũi, thương yêu.
Qua những mẩu chuyện, tôi hiểu ra rằng, bà là người tế nhị, đoàn thể cần gì về kinh tế tài chính thì bà giúp đỡ, còn các nhiệm vụ chính trị đã có hai bà hội trưởng, hội phó. “Bà chỉ là một người hảo tâm, vậy thôi con ạ”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.