Trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt, tuy mới 14, 15 tuổi, nhưng các cô gái đã kiên gan trước họng súng và đòn roi của kẻ thù...
Những người phụ nữ một thời bên nắp hầm do họ góp sức đào gần 50 năm trước - Ảnh: An Dy
|
Nằm tại khối phố Đa Mặn (P.Bắc Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn), K20 là mật danh khu căn cứ lõm cách mạng, được hình thành ở vùng địch hậu từ giai đoạn 1964 và tồn tại cho đến ngày toàn thắng năm 1975. Nơi đây đã sản sinh ra một thế hệ anh hùng, trong đó có cả đội quân tóc dài hùng hậu.
“Hồi ấy chúng tôi mới 14,15 tuổi, lớn lên đã thấy giặc ngoài ngõ nên cũng làm cách mạng tự nhiên như hơi thở. Kể cả thói quen cảnh giới, canh gác, phân biệt Mỹ - ngụy và cả bọn chỉ điểm, thám báo bằng lòng sục sôi căm thù đã ăn vào tận trong máu”, bà Nguyễn Thị Thông (63 tuổi) nhớ lại một thời tuổi trẻ kiên gan. Bà Thông kể, vào những năm 1967-1968, giữa những trận càn ác liệt, công việc của bà và những chị em trong xóm là vừa làm đồng, vừa kết nối đưa cán bộ vào căn cứ. Rồi đến đêm lại chèo thuyền giả vờ đi vớt rong, để đưa cán bộ ra khu Hòa Xuân (nay thuộc Q.Cẩm Lệ) an toàn. Đi giữa tai mắt địch nên chỉ cần có động tĩnh là sẵn sàng dìm xuồng, ngụy trang tìm cách bảo vệ cán bộ. “Dân K20 anh hùng lắm. Sống giữa gọng kiềm của địch vẫn chiến đấu ngoan cường. Thậm chí, khi nghe tin Bác Hồ mất, người dân ở đây vẫn tổ chức được lễ viếng cho Bác ngay trước mắt kẻ thù”, bà Huỳnh Thị Thơ, năm nay 64 tuổi xúc động nói.
Khi ấy, để có thể qua mặt và đánh lạc hướng địch thì phải cậy nhờ vào những cô gái trẻ trung, lanh lợi và dũng cảm. Chính vì vậy, họ được tập hợp vào tổ chức Đoàn thanh niên và trở thành lực lượng hoạt động tích cực hiệu quả. “Chúng tôi tham gia trên tất cả các mặt trận. Cảnh giới, giao liên, qua mặt lính canh, thám báo, đưa dắt và bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở, đào hầm bí mật thậm chí cùng các mẹ, các chị lấy thân mình chặn xe địch”, bà Thông, khi ấy là Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh K20, sôi nổi cho biết.
Ngày 8.9.1969, khu vực chùa Khuê Bắc (P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn), ngay bên cạnh đồn chắn của địch, những cô gái trẻ vẫn làm nhiệm vụ cảnh giới để hướng dẫn người dân vào chùa tham gia lễ viếng Bác Hồ. Họ bí mật phát cho những người đến viếng một mảnh băng tang có 2 màu vàng và đen. “Giữa không khí đau thương và mất mát ấy, mọi người vẫn vô cùng tỉnh táo để tránh đòn đau của địch. Khi chúng tìm đến thì mọi người lật băng vàng và nhịp nhàng trong tiếng tụng kinh. Nhưng chúng đi một cái là băng tang đen lại được lật ra để tưởng nhớ Bác”, bà Thơ bồi hồi nhớ lại. Dù lễ viếng Bác chỉ diễn ra đúng một giờ đồng hồ, nhưng ở ngay giữa lòng địch nên sự kiện này đã đi vào truyền thống đấu tranh anh hùng của quân và dân K20, tiếp lửa cho phong trào “diệt ác phá kiềm” ở căn cứ lõm.
“Giai đoạn 1964-1972, ngày cũng như đêm, quân dân K20 kiên trì bám trụ xây dựng lực lượng và giữ vững căn cứ. Đó cũng là giai đoạn chúng tôi kiên trì với việc đào hầm. Trên diện tích chỉ hơn 3km2, giữa 3000 dân, chúng tôi có hệ thống hầm trú chằng chịt, có giai đoạn lên đến gần 160 hầm trú các cỡ. Hầu hết các gia đình ở Đa Mặn thời đó đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Ban ngày chúng tôi khảo sát, thậm chí đào trộm, nếu phải đào trong nhà dân thì phải làm công tác tư tưởng và vận động họ. Đến đêm thì chia nhau ra người đào, người gánh đất đi phi tang. Khi đào hầm thì phân công mỗi người một công đoạn theo kiểu mắc xích, để đảm bảo công tác bí mật, nhiều khi được điều đi gánh đất cũng không biết là từ hầm của nhà ai. Bí mật đến mức độ như thế”, bà Trần Thị Sinh, năm nay 61 tuổi cho biết. “Trong một lần tiếp nhận thư từ, tôi giấu vào trong áo ngực. Nhưng đi chưa được bao xa thì bị chiêu hồi chỉ điểm, địch chặn đường. Tôi sợ lộ nên lừa chúng, vất thư xuống dưới làn xe. Chuyến đó bị bắt đi, nhưng thư thì vẫn an toàn và được các đồng chí dõi theo lấy được. Chúng bắt tôi về và tra tấn kinh hoàng các kiểu, cả bằng roi điện, khiếp nhất là tra tấn bằng nước xà phòng và đạp lên người cho sặc bọt. Đó là lần thứ 7 tôi bị bắt, bị tra tấn và cũng là lần cuối cùng. Khoảng năm 1972, thấy tôi đã bị lộ, cấp trên đưa tôi đi thoát ly lên núi”, bà Hà cho biết.
Cứ như vậy, những người phụ nữ tóc đã hoa râm lại tranh nhau nhắc nhớ những câu chuyện của một thời trẻ trung, sôi nổi mang đầy khí thế bất khuất, kiên cường. Kể xong họ lại cùng nhau hát: “Ơi… e vừa 18 tròn, đẹp như xuân sang. Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn, đạp lên cái chết dáng em hiên ngang, ơi người con Xô Viết. Bom thù rơi nát đất này từng ngày, mà em đứng đó tóc xanh tung bay, em là chồi biếc, của mùa xuân Việt Nam” (*). Và những câu chuyện của họ, gần 50 năm về trước lại hiện về như những thước phim kí ức rõ mồn một, kể rằng họ đã từng là thế hệ trẻ anh hùng.
Bình luận (0)