“Chúng ta không được để xảy ra tình trạng Trung Quốc đồng ý cung cấp vắc xin cho chúng ta mà lại đâm chúng ta sau lưng về vấn đề biển Tây Philippines”, bà Hontiveros nhấn mạnh với giới phóng viên trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 25.1, theo báo Philippine Daily Inquirer. Biển Tây Philippines là tên Philippines gọi vùng biển nước này tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông.
Bà Hontiveros đưa ra lời kêu gọi trên sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22.1 ký sắc lệnh ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ khí chống tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Luật mới có hiệu lực từ ngày 1.2.2021.
“Trung Quốc thông qua loại luật này, giữa lúc quảng bá vắc xin (Covid-19) của họ như là hàng hóa công toàn cầu, nhưng họ lại từ bỏ hòa bình còn lại ở biển Tây Philippines. Làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng những vắc xin mà chúng ta mua và được tặng từ Trung Quốc sẽ không phải là thứ trao đổi”, bà Hontiveros phát biểu tại cuộc họp báo. Theo bà, Bộ Quốc phòng Philippines nên chuẩn bị một chiến lược đối phó sau khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh.
Ngoài ra, bà Hontiveros kêu gọi chính phủ Philippines đảm bảo nước này theo chính sách ngoại giao độc lập. "Không nên có mối quan hệ đặc biệt đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt đối với Trung Quốc vào lúc này, có thể là về vấn đề của biển Tây Philippines hay việc có được vắc xin”, thượng nghị sĩ Hontiveros nhấn mạnh.
“Thượng nghị sĩ Harry Roque gần đây có nói rằng Philippines và Trung Quốc là "bạn tốt nhất mãi mãi”, đến mức giá vắc xin cũng được giảm vì đây là "mối quan hệ đặc biệt". Họ cấm ngư dân đánh bắt ngay trong vùng biển của chính chúng ta, việc này vẫn được xem là "mối quan hệ đặc biệt" sao? Đó là cách họ đối xử bạn tốt nhất mãi mãi của họ sao?”, thượng nghị sĩ Hontiveros đặt nghi vấn.
Bình luận (0)