Nữ nhà báo Việt ở trời Tây: Một ngày bạc mặt giữa Genève vì một bó hoa

Thục Minh
Thục Minh
20/01/2020 12:12 GMT+7

Chỉ để mua một bó hoa mang đến nhà người được phỏng vấn mà nó phải chạy bạc mặt giữa Genève với bao tình huống quái gở như trong phim.

Chủ nhật, 12.1.2020,
Theo kế hoạch, nó sẽ đi tàu từ thị trấn Vevey lên thủ đô Pháp ngữ của Liên bang Thụy Sĩ, từ sáng để tham gia gói bánh chưng đón Tết Canh Tý. Đầu giờ chiều, nó sẽ có cuộc phỏng vấn một quý bà đặc biệt.
Đi gói bánh chưng với đám thanh niên thì không cần chuẩn bị gì. Nhưng đi phỏng vấn một quý bà chưa quen biết theo sự sắp xếp của chồng bà, một luật sư tiếng tăm, thì hơi đau đầu tí. Ngoài chuẩn bị về chuyên môn kỹ thuật, cầm quà gì đến nhà người ta như phép lịch sự tối thiểu là điều phải cân nhắc.
Cuối cùng, nó quyết định bắt chước nhà báo Chin Kah Chong của Singapore mà nó vốn thân thiết từ hồi làm phóng viên thường trú ở đảo quốc đó. Ông Chin là người lịch thiệp vô cùng. Đầu năm 1963, khi được “bà cố vấn” Ngô Đình Nhu đồng ý cho phỏng vấn lần thứ hai, tại biệt điện của bà ở Đà Lạt, ông Chin bay từ Hồng Kông sang Sài Gòn, rồi bay tiếp lên sân bay Liên Khương. Bà Nhu cho người đem chiếc Citroen màu trắng mang biển số 4711 ra sân bay đón. Trước khi đến thẳng biệt điện, ông Chin bảo tài xế ghé chợ Đà Lạt để ông mua cho bà Nhu một bó hoa.
Đúng, một bó hoa. Vừa đơn giản, vừa được tiếng lãng mạn, nữ tính nữa!
Nhưng chủ nhật thì hàng quán đóng cửa hết. Nó dò trên mạng và thấy ga Cornavin ở trung tâm Genève ngoài siêu thị Coop phục vụ 24/7 có thể có hoa thì còn có shop hoa Fleuriot nổi tiếng mở cửa cả ngày chủ nhật từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Vậy là yên tâm.
Sáng đó, sau bữa điểm tâm với chồng con, nó vội vàng soạn sửa chạy ra ga, không kịp phết lấy chút son. Tàu tốc hành liên tỉnh RE18424 rời ga Vevey lúc 9:03. Nó ngồi trên tầng 2, một mình một toa. Nhìn qua cửa sổ bên trái, hồ Léman phủ một lớp sương mờ, lặng lẽ và kiều diễm trong cái lạnh của một ngày mùa đông đầy nắng.
Yên vị, nó mở ví phết chút son lên môi, rồi mở điện thoại nhắn cái đứa ở Lausanne: “Đang đâu đấy? Chị trên tàu rồi. Sắp dừng Lausanne đây, 9:18.” “Em đang ra ga. Không kịp đâu. Em lên tàu 9:42.” “Thế thì gặp nhau ở Cornavin. Tàu chị đến 10:10. Chị sẽ chờ em.” “Không, em xuống ga sân bay. Nhóm kia chờ mình ở đó. Gần Grand-Saconnex hơn.” “Không sao. Chị sẽ xuống tàu ở Cornavin, mua vé nội đô rồi nhảy lên tàu em đi tiếp. Tàu em có dừng Cornavin 10:18, khởi hành 10:20, đường ray số 3. Chị có 10 phút để mua vé. Hẹn em ở đường ray số 3 nhé”.
Tàu đỗ. Nó phóng như tên vào nhà ga, tìm cái máy bán vé nội đô. Nhoằng, 30 giây, mua xong vé. Còn nhiều phút quá. Nó chạy nhanh vào Coop, đến quầy hoa. Ít lựa chọn, ít đẹp, cũng không tươi lắm. Nó lao khỏi Coop, chạy tìm Fleuriot. Shop này hoa đẹp, có rất nhiều lựa chọn, nhưng đắt quá. Một bó tulip 10 bông có lẽ là lựa chọn hợp lý. Giá hơn gấp 3 lần trong Coop. Kệ, cũng được. Nó thích tulip. Nhưng để chiều quay lại nhé!
Ra khỏi Fleuriot, đồng hồ chỉ 10:19. Nó lao như điên đến đường ray số 3, nhảy tọt vào toa tàu gần nhất. Tàu đóng sập cửa và chuyển bánh. Nó mở điện thoại, thấy tin nhắn: “Em ngồi ghế 126, tầng 2, hình như toa E chị ạ”. Nó đi lên tầng 2. Ối, khu Hạng I. Tìm ra cái đứa ghế 126 Hạng II thì tàu cũng gần đến ga sân bay. Hai đứa khác, một từ Neuchâtel, một từ Lausanne, đã chờ sẵn.
Ga sân bay có cái siêu thị Migros to. Trong lúc 3 đứa kia mua đồ ăn trưa, nó đến chỗ hoa tươi. Hoa ổn, khá nhiều lựa chọn, giá thì ngang Coop. Có nhiều bó giảm giá nữa. Được. Nhưng để chiều quay lại nhé!
Mua thức ăn xong, 4 đứa bàn một hồi lâu thì quyết định cuốc bộ đến chỗ gói bánh cách nhà ga hơn cây số, thay vì gọi Uber.
Phờ phạc vì một ngày lên tàu xuống xe

Người viết phờ phạc vì một ngày lên tàu xuống xe

Vừa đi vừa dò đường, hơn 11:00, cả bọn cũng đến được nơi cần đến, một căn hộ chung cư.
Chơi được tý, vừa kịp thưởng thức đủ các món đứa nọ đứa kia mang tới cho bữa trưa góp gạo thì đã 13:30, nó phải chạy. Bỏ lại sau lưng những nếp, đậu, thịt heo, lá dong… mà nó chưa kịp sờ tới. Cuộc hẹn phỏng vấn lúc 14:15.
Không ngờ, từ chỗ này không có buýt ra nhà ga sân bay. Còn để vào trung tâm, chỉ có xe buýt số 3 đi ngang ga Cornavin. Nó hối hận vì đã không mua luôn một bó hoa ở Fleuriot hay Migros hồi sáng. Vậy nó chỉ có 45 phút để ra bến bắt buýt 3 chạy qua ga Cornavin (thời gian đi buýt là 21 phút), mua một bó hoa, rồi bắt xe điện 15 đến bến Maison de la Paix (xe đi 5 phút nữa), tư gia phỏng vấn ở gần đó.
Thời gian sát sàn sạt là vậy. Nhưng buýt 3 vừa chạy được khoảng 2 phút thì trước mắt nó là một vụ tai nạn. Một chiếc xe máy ngã lăn giữa đường. Chủ xe là một phụ nữ nằm ngửa bất tỉnh cạnh xe. Vài người đi đường dừng lại chăm sóc và gọi cảnh sát.
Bất giác, nó rùng mình nhớ đến cái chết của con gái út ông bà Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Lệ Quyên tại thủ đô nước Ý vào ngày 16.4.2012, đúng ngày sinh nhật nó. Bà Lệ Quyên đang đi xe máy đến chỗ làm thì bị ngã giữa đường, xe tải không thắng kịp đã tông vào bà.
Tài xế buýt 3 dừng lại, mở cửa chạy đến quan sát nạn nhân và hiện trường, xong quay lại thông báo: “Xin bà con cảm phiền xuống xe, đi về bến phía trước và bắt buýt 22 để tiếp tục vào nội thành”. Nó méo mặt. Trời ơi, cuộc hẹn lúc 14:15!

Lần đầu tiên chứng kiến tại nạn giao thông trong 2 năm sống ở Thụy Sĩ

Đang chờ buýt 22 thì có một buýt số 3 khác chạy đến. Chắc xe này đã được thông báo kịp thời về vụ tại nạn và rẽ vào hẻm nào đó mà đến được bến này một cách trơn tru.
Bị dồn khách, xe đầy người, không còn cái ghế nào trống, nó phải đứng. Xe chạy, nó móc điện thoại gọi ông luật sư để thông báo xin lỗi đến muộn tầm 10-15 phút. Tổng đài thông báo không liên lạc được vì lý do gì đó mà trên xe ồn quá nó không nghe ra. Nó chuyển sang nhắn tin. Không tìm thấy ông trên Whatsapp, ứng dụng nhắn tin online mà ở Thụy Sĩ già trẻ đều dùng, nó đành gửi tin nhắn truyền thống và không biết tin có đến không. Trước giờ nó toàn liên lạc với ông qua email và số điện thoại văn phòng.
Đoạn xe buýt dừng, nhiều người xuống xe, nó bối rối vì thấy chỗ này lạ hoắc. May có hành khách cho hay đã đến ga Cornavin và nó kịp xuống xe trước khi quá muộn.
Do chủ quan sẽ có thổ địa ở Grand-Saconnex chỉ đường mà nó không tìm hiểu hành trình này trước. Hóa ra, mang tiếng đi qua Cornavin nhưng bến dừng là Coutance nằm ở mặt sau và cách nhà ga gần 400m, phải băng qua đường 4 lần mới vào nhà ga được. Do vội, nó bạt mạng vượt đèn đỏ đến 2 lần khi đường vắng xe.
Vào Fleuriot, nó lao ngay đến cái xô chứa hoa tulip. Những bó hoa đẹp nhất khi sáng đã không còn. Chỉ còn 1 bó màu cam duy nhất và mấy bó hoa trắng, nụ nhỏ xíu. Nó chộp vội bó màu cam, đến quầy tính tiền và nhờ gói lại. Tổng cộng mất chừng phút rưỡi. Xong nó ôm bó hoa lao ngay ra bến xe điện trước mặt tiền nhà ga.
Mong người bị nạn qua được lưỡi hái tử thần

Mong người bị nạn qua được lưỡi hái tử thần

Trong lúc đợi xe điện 15, nó gọi lại cho ông luật sư. Tổng đài trả lời số điện thoại sai. Nó gọi tiếp vào số văn phòng của ông ấy để cầu may biết đâu có ai đang ở đó, hay máy văn phòng có chuyển tiếp vào điện thoại di động của ông. Nhưng đầu dây bên kia tự động trả lời: “Vui lòng gọi lại vào ngày làm việc”.
Bế tắc. Đồng hồ chỉ 14:16, đã quá giờ hẹn. Nó vẫn đang đứng chờ xe, lòng như lửa đốt.
Ở Thụy Sĩ, trễ hẹn hơn 5 phút, đặc biệt là cho công việc, mà không có thông báo với lý do chính đáng, có thể bị coi là người mất lịch sự, thiếu tin cậy.
Nó cố vớt vát bằng cách gửi một email ngắn. Biết đâu, có thể ông ấy đọc được ngay!
Chiếc xe 15 dài ngoằng bám đường ray từ từ dừng lại trước mặt. Nó leo lên. Nhưng xe chưa đi hết một bến thì nó nhận ra nó đang đi ngược chiều cần đến.
Khổ thật, sao nó lại có thể nhầm lẫn vào lúc này chứ?
Nó xuống xe, nhìn phía trước bên kia đường, không thấy cái bến để bắt xe chiều ngược lại. Nó quyết định đi nhanh về lại bến trước nhà ga. Trời ơi, vào lúc này, nhìn cái đèn đỏ sao nó thấy giống kẻ thù. Mỗi giây trôi qua như một thế kỷ!
Cuối cùng thì nó cũng lên đúng xe, xuống bến Maison de la Paix. Không quá khó để tìm ra tòa chung cư ở phố Avenue de France.
Căn hộ của ông bà ấy ở tầng 4. Nó nhấn chuông nhưng không nghe thấy tín hiệu gì. Nó bấm mã số, mở cửa tòa nhà và lao lên thang bộ, không thèm nhìn cái thang máy. Bởi nó không có đủ kiên nhẫn để chờ thang máy mở cửa!
Nó hồng hộc leo được đến tầng 4 thì thang máy cũng chợt mở cửa, ông luật sư bước ra. Thì ra, nghe chuông, ông ấy đã đi xuống sảnh đón nó mà không thấy, nên đi lên lại.
Thiệt là khôi hài và ngu ngốc, cái đứa nó!
Đồng hồ chỉ 14:37. Nó trễ hẹn hơn 20 phút. Mặt mày phờ phạc, tóc tai chỉa 8 hướng.
Nó rối rít xin lỗi và trao bó hoa cho người phụ nữ đẹp, tuổi gần 80 mà nhìn cứ như mới ngoài 60.
Nó thắc mắc với ông luật sư vì đâu mà nhà đài bảo nó gọi sai số. Hai bên kiểm tra. Số ông ấy là 078 654…; số nó lưu trong máy là 078 564… Thiệt tình!
Rồi cuộc phỏng vấn cũng diễn ra vui vẻ.
Nó trở lại ga Cornavin lúc 17:06. Còn hơn 30 phút mới đến giờ chuyến tàu của nó chạy về Vevey. Nó tính vào ga tìm chỗ ngồi thở dốc một tý trước khi lên tàu.
Nhưng vừa mở cái ứng dụng mua vé tàu, một thông báo đỏ lè hiện ra: Tàu TGV9775 khởi hành từ nước Pháp của nó sẽ hủy chuyến từ đoạn Genève trở đi.

Tưởng chừng nghịch lý: Huỷ tàu lại là tin vui!

Cũng không có gì lạ. Trong những ngày giới công nhân vận tải Pháp đình công ì xèo, chuyện tàu TGV hủy chuyến là thường như cơm bữa.
Và thế là may mắn! Nó được phép thay thế bởi bất cứ chuyến tàu nào khác có ghé ga Vevey, mà phần lớn có giá vé “siêu tiết kiệm” đắt hơn chuyến TGV đã bị hủy.
Nó chạy lên đường ray số 6, đoàn tàu liên vùng IR90 đang chờ sẵn, chuẩn bị lăn bánh lúc 17:12.
Ngồi xuống ghế, nó thở phào: Tàu ít khách, mà cũng không phải đổi qua tàu khác ở Lausanne, lại được về với chồng con sớm hơn nửa tiếng.
Có phải đó là một sự bù đắp cho một ngày bạc mặt giữa Genève?
Nó lim dim mắt, mỉm cười, rồi lấy sổ tay ra ghi:
“Lần sau, nếu:
1. Lưu số di động của ai mà kiểm tra không thấy họ trên bất kì ứng dụng nhắn tin online nào, thì khả năng số sai là rất lớn.
2. Thấy cái gì được là quyết ngay. Không có chuyện: “Được. Nhưng để chiều quay lại nhé!””
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.