Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh ‘trong trắng lầu lầu gương nữ sĩ’

03/02/2023 11:26 GMT+7

Là người phụ nữ có học thức, thông thạo Hán Nôm, có tiếng là văn chương tao nhã, nên Sương Nguyệt Anh nhận được sự tín nhiệm của những người "chọn mặt gửi vàng" khi mời bà làm Chủ bút tờ báo nữ giới đầu tiên của phụ nữ Việt Nam.

Bà là gương mặt ghi dấu ấn lớn trong địa hạt báo chí khi đứng chân Chủ bút tờ Nữ giới chung. Ở vai đứng chủ tờ báo như Sương Nguyệt Anh, sau này còn có trường hợp Thụy An với hai tờ báo Đàn bà mới Đàn bà...

Ghi dấu ấn lớn trong làng báo

Thời điểm ra đời Nữ giới chung là ngày 1.2.1918. Sự ra đời của báo, trong sách Báo chí ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có liên quan đến Toàn quyền A. Sarraut. Bởi vị Toàn quyền "đặc biệt chú ý đến giới trí thức nữ mà từ lâu bị bỏ quên". Khi đặt chân đến đất Sài Gòn, ông đã cho phép xuất bản một tờ báo dành cho nữ giới, và Nữ giới chung ra đời. Chứng cứ cho việc này cũng được nghiên cứu Làng báo Sài Gòn 1916 - 1930 ghi lại.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh ‘trong trắng lầu lầu gương nữ sĩ’ - Ảnh 1.

Sách Nguyễn Đình Chiểu của Thái Bạch khen Sương Nguyệt Anh là "có Nho học uyên thâm và văn chương xuất chúng"

Đình Ba

Tiêu chí của tờ báo được biết đến là: "Vậy nên tiếng chuông này, dường than thở, dường khuyên lơn, dường khiêu khích. Than là than chị em ta, bấy lâu ẩn chốn khuê môn, nhọc nhằn thân sản dục, ghe phen khổ cực với nhân quần luống công hưởng chút công tấm mẳn, khuyên là khuyên chị em ta, đem phấn son mà trang điểm tài nghề, đem đức hạnh mà trau dồi nhan sắc. Khích là khích chị em ta; tua biết gái lành thi duyên toại, chớ nói rằng chồng quý thì ắt vợ sang. Dầu cho giá đúc nhà vàng mà không (dung), hạnh, công, ngôn thì cũng hổ".

Ở số đầu tiên ra mắt, báo chia làm 6 mục (thực tế là 5 mục). Ngoài Mấy lời kính tỏ, Lời tựa đầu, thì mục I là Xã thuyết với bài Thế lực người đờn bà; mục II Học nghề có bài Nghề đặt dầu thơm; Mục III Gia chánh có ba bài: Nghề làm bánh, Việc cần nên biết, Cách nuôi con; Mục IV Văn uyển có Tiếng chuông Nữ giới, Thơ, Văn thơ cũ, Băng thuyết nhơn duyên, Truyện một ngàn và một ngày; Mục VI Tạp trở (thực ra là Mục V) có 6 bài là Mấy lời ngỏ với chị em, Cách ngôn, Tướng nảo cốt, Hài đàm, Cuộc đố chơi, Mẹ con nói chuyện. Báo ra ngày thứ sáu hằng tuần. Tòa soạn đặt tại số 15 đường Taberd, Sài Gòn (Nay là đường Nguyễn Du, Quận 1). Tổng lý của báo là Trần Văn Chim. Chủ báo là Henri Blaquière, cũng là chủ báo tờ Le Courrier Saigonnais.

Tác giả Philippe M.F.Peycam khi nghiên cứu Làng báo Sài Gòn 1916 - 1930 có nhắc đến việc bà Sương Nguyệt Anh vạch ra các mục tiêu cho tuần báo này là nâng cao vai trò của nữ giới, thông qua việc khuyến khích phát triển văn học quốc ngữ để giáo dục chị em, lại ủng hộ thương mại và kỹ nghệ, dạy chị em biết ứng xử "tân thời". Tuy nhiên, sách này cũng cho rằng chủ trương của báo còn bảo thủ, khi chưa vươn tới mức cổ súy "nữ quyền" hoặc "nam nữ bình quyền" như các tờ báo của nữ giới sau này. Điều này, cũng có thể hiểu ở vai trò tiên phong của báo thuở ban đầu trên đường công luận, chưa thể làm cuộc cách mạng "nữ quyền" giữa một xã hội mà lề lối Nho gia còn sâu đậm, cũng như bà chủ bút dù có tư tưởng tiến bộ, thì cũng chưa thể vượt qua được những định chế xã hội bấy giờ.

Dẫn dắt tờ báo được một thời gian, bà Sương Nguyệt Anh bị đau mắt, phải về quê nghỉ ngơi, tờ báo này tồn tại 22 số thì đình bản. Nhận định về bà, trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, Thái Bạch đã khen ngợi người con gái của cụ Đồ Chiểu là: "Bà là một người phụ nữ đầu tiên làm chủ bút một tờ báo ở nước ta, đồng thời là một người đàn bà có Nho học uyên thâm và văn chương xuất chúng cuối cùng của đất nước trong thời đại bút lông đã phải thay vào bằng bút sắt, bút chì".

Trước tác để lại

Nhận định về bà, sách Nữ thi hào Việt Nam (Phạm Xuân Độ, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1970) tôn bà là bậc nữ lưu đất Việt thời cận đại. Trước khi những Anh Thơ, Vân Đài, Manh Manh nữ sĩ… nổi danh trên văn đàn và báo chí, thì hẳn Sương Nguyệt Anh, là người phụ nữ đất Nam kỳ tiên phong trên thi đàn nước Việt nơi báo chí.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh ‘trong trắng lầu lầu gương nữ sĩ’ - Ảnh 2.

Mộ bà Sương Nguyệt Anh (bên trái), bên cạnh mộ cha mẹ

T.L

Thế nên, sách này ghi: "Mỗi lần nói đến văn học sử Nam phần, người ta lại nghĩ đến bà, ngâm những câu thơ tế nhị của bà, nhớ đến tinh thần và chí khí thanh cao, mà bà đã nêu gương cho hậu thế. Bà là nữ sĩ Thanh quan của miền Nam".

Về tác phẩm của bà, Văn học từ điển (Thanh Tùng, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1973) khi thống kê những tác phẩm của bà, có viết "nữ sĩ làm thơ rất nhiều, nhưng không xuất bản thành tập, còn lưu lại những bài nổi tiếng". Những bài ấy, được biết đến là Chinh phụ thi, Điếu Khuất Nguyên (thơ chữ Hán); Tức cảnh hoa mai trắng ở chùa Bà Đen, Tặng ni cô, Tiễn ông kinh lịch Trần Khải Sơ từ Bến Tre đổi về Sa Đéc, Thơ gửi cho con rể góa vợ 8 năm, Tức sự trong dịp vua Thành Thái vào Sài Gòn ngự yến 1899 (thơ Nôm)…

Một điểm lưu ý thêm là, sinh thời, bà Nguyệt Anh kết duyên cùng ông Phó tổng góa vợ, sau sinh được người con gái tên Vinh. Cô Vinh về sau lấy Mai Lương Ngọc, sinh ra Mai Huyền Hoa, còn được biết đến với tên Kim Ba. Kim Ba là vợ của Phan Văn Hùm, tác giả hồi ký Ngồi tù Khám Lớn.

Sau này, khi viết về người cô ruột của mình, bà Âu Dương Lâm đã gói trong hai câu thơ:

"Trong trắng lầu lầu gương nữ sĩ,

Trăm năm danh rọi chói vừng ô".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.