Những ngày này, ngoài việc chờ đợi kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Nguyễn Mỹ Chi (18 tuổi) còn bận nhiều việc ở công ty start-up mình đang quản lý. Chi là nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM. Cũng như những bạn trẻ 10X thế hệ mình, Chi từng chỉ biết cả ngày đi học về, làm bài tập, đến trường… Cho tới một lần tham gia buổi thảo luận với một nhóm bạn trẻ, Chi đã thay đổi tư duy: “mình không thể ngồi yên và sống nhạt nhẽo như thế này được, mình phải sống khác, làm khác”.
15 lần thất bại
“Đó là mùa hè lớp 9, năm em 15 tuổi, câu nói của người dẫn chương trình tại buổi thảo luận nhóm đã thôi thúc trong em việc phải làm mới bản thân, thoát ra được vỏ ốc của mình. Nếu gặp em cách đây vài năm, chị sẽ không nhận ra em đâu, ngày đó em rất ít nói, sợ giao tiếp với người lạ, không biết phải bắt đầu câu chuyện ra sao, không biết mình thích gì và mục tiêu của đời mình là như thế nào”, Chi nhớ lại.
Chi bắt đầu đi nộp hồ sơ vào các tổ chức phi chính phủ sau sự kiện định mệnh đó, tuy nhiên vì quá ít tuổi, chưa có kinh nghiệm gì ngoài thành tích học tập 9 năm giỏi ở tiểu học và THCS, Chi bị thất bại không dưới 15 lần. “10 tổ chức từ chối em từ vòng hồ sơ, còn lại 5 tổ chức mời em đến buổi phỏng vấn, nhưng không có kinh nghiệm trả lời phỏng vấn, em lại tiếp tục bị loại. Nhiều lúc rất nản chí, định bỏ cuộc nhưng nghĩ lại, nếu mình bỏ bây giờ thì quá hèn nhát, nên lại tìm tòi những tổ chức, dự án tuyển tình nguyện viên, cộng tác viên và bắt đầu lại từ đầu”, Chi nhớ lại.
|
Hạnh phúc cũng tới với nữ sinh 15 tuổi, khi một dự án phi lợi nhuận về du lịch đầu tiên đồng ý nhận Chi trong vai trò trợ lý cho quản lý sự kiện. “Em vừa làm vừa quan sát, học việc, mọi người đều tò mò là tại sao tôi còn ít tuổi như thế đã tham gia các chương trình mà bình thường phần lớn là các anh chị sinh viên tham gia”, Chi chia sẻ.
Một trong những dự án cho Chi nhiều trải nghiệm thú vị nhất là dự án nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trẻ tự kỷ, từ những hoạt động vui chơi, chăm sóc các trẻ em tự kỷ tại các trung tâm cho Chi nhiều hơn những kiến thức, hiểu biết về tự kỷ.
Đến nay, ở tuổi 18, nữ sinh đã trải qua công việc tại hơn 10 tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, các dự án vì cộng đồng, trải nghiệm các vị trí từ tình nguyện viên, cộng tác viên, trợ lý quản lý, nhân viên truyền thông, đại sứ, diễn giả, quản lý dự án… Thành công lớn nhất mà những công việc mang lại, không phải thu nhập bằng tiền, mà là những kiến thức, hiểu biết, mối quan hệ xã hội rộng lớn và nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Vừa học vừa làm, nhất là trong những giai đoạn ôn thi căng thẳng, đòi hỏi khả năng sắp xếp thời gian khoa học, linh hoạt của Chi hơn.
“Từ một đứa bé chỉ biết học và học, sống thu mình trong vỏ ốc, không dám nói chính kiến của mình, em hoạt bát, năng nổ hơn, hiểu biết hơn, tự tin hơn để khám phá thế giới rộng lớn xung quanh. Những công việc không cho em tiền, nhưng cho những bài học về kiên trì, nhẫn nại, đoàn kết, làm việc nhóm, phát triển bản thân… điều đó bằng rất nhiều tiền chưa chắc đã mua được”, nữ sinh chia sẻ.
|
Không sợ thất nghiệp
Trong các môn học, Chi tự tin nhất về môn tiếng Anh. Không đi học thêm tại bất cứ trung tâm nào, Chi cho hay mình thích xem các chương trình trên truyền hình, đọc sách báo bằng tiếng Anh, từ đó thích thú với ngoại ngữ này lúc nào không hay. Tiếng Anh giúp Chi mở rộng các mối quan hệ với những bạn bè, đối tác, đồng thời cho cô nhiều kiến thức hơn nhờ tìm hiểu đa dạng các nguồn tài liệu.
Chi đang là quản lý dự án thuộc một công ty start-up lĩnh vực truyền thông, công việc này Chi bắt đầu hơn 1 năm nay. Thú vị hơn, sau nhiều nỗ lực, Chi được mời về làm tại dự án này mà không cần trải qua bất cứ vòng phỏng vấn hay nộp hồ sơ. Hơn nữa, nữ sinh được làm việc đúng sở trường của mình liên quan đến sách, blog, bởi thói quen viết blog nhiều năm nay đã sẵn có trong Chi. “Em bắt đầu nghĩ tới việc xuất bản một cuốn sách của mình”, Chi nói.
|
Nữ sinh 18 tuổi cho biết hiện tại chưa biết điểm thi THPT quốc gia, ngành Chi đăng ký là truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nếu “thành công bị trì hoãn”, Chi cũng nghĩ tới các cơ hội tại các trường ĐH giống như Fulbright Việt Nam.
“Em nói với bố mẹ là con không lo thất nghiệp, chỉ sợ thất học. Em có thể tự tin với khả năng tìm kiếm cơ hội, chinh phục các nhà tuyển dụng và không ngừng học hỏi, bỏ em ở đâu em cũng có thể kiếm sống được. Vấn đề bây giờ là hãy học, đừng bao giờ dừng lại”, nữ sinh bộc bạch.
Các tổ chức, dự án Nguyễn Mỹ Chi từng làm việc có thể kể đến như: The Jailbreak; dự án AUTISM; LIN Center for Community Development; Young Makers Vietnam; ISB Gavel Club; Vietnam Event Professionals Hub; YEA Vietnam; Authority - Cộng đồng tác giả chuyên sâu, Amazing Group….
|
Bình luận (0)