Huỳnh Như Mộng là học sinh lớp 12CB1, Trường THPT Lương Tâm (xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang). Nhà em nằm hiu quạnh trên con đê ngăn mặn, cách trường khoảng 8 km. Mỗi khi trời mưa, con đường đất trở nên lầy lội.
HÀNH TRÌNH THEO ĐUỔI CON CHỮ
Vùng sâu vùng xa, đa số bạn bè đồng trang lứa đã bỏ học đi làm thuê nên hành trình theo đuổi con chữ của Mộng được nhiều người trong xóm biết đến. "Con bé đó nhà nghèo nhưng chịu học và siêng năng lắm. Bốn chị em dễ thương, lễ phép. Ba đứa em của nó còn nhỏ xíu mà cũng biết đan lục bình hết trơn, đi học về là cất tập sách làm tiếp mẹ", một người hàng xóm chia sẻ khi chúng tôi hỏi thăm đường vào nhà Mộng.
Cuối buổi chiều, Mộng và mẹ vẫn còn cặm cụi bên khung đan. Xấp tài liệu ôn thi bỏ dở cạnh đống lục bình ngổn ngang. Mộng cho biết nhà chỉ có 1 công đất ruộng, nguồn thu nhập chính từ 1 công lục bình trồng dưới sông. Gia đình tự chặt, tự phơi, tự đan bán cho thương lái.
Cha Mộng làm phụ hồ. Ba người em của Mộng, đứa chuẩn bị vào lớp 9, hai đứa sắp lên lớp 5. Ở vùng nông thôn nên công việc phụ hồ của cha Mộng rất bấp bênh.
Tôi hỏi: "Nhà có 6 người nhưng có ngày thu nhập chỉ hơn 100.000 đồng thì xoay xở thế nào?", Mộng bộc bạch: "Số tiền đó chỉ đủ cho tụi em đi học. Việc mua đồ ăn trong nhà là điều xa xỉ. Nhất là khi đồng khô nước mặn, cha không kiếm được cá mắm và rau dại ngoài ruộng thì nhà em dùng toàn lục bình. Hết lục bình xào, luộc rồi tới nấu canh".
Nỗi lo "mẹ kiệt sức" vì lao lực
Mộng biết tương lai của mình đang phụ thuộc rất nhiều vào công việc đan lục bình. Phụ mẹ làm được nhiều sản phẩm bán cho thương lái đồng nghĩa với cơ hội vào đại học sẽ rộng mở hơn. Từ thứ hai đến thứ sáu, Mộng ôn thi 3 buổi sáng - chiều - tối ở trường. Thứ bảy và chủ nhật được nghỉ, em phụ mẹ đan lục bình.
Quen với nghề đan lục bình từ lúc học lớp 6, nên Mộng làm được hết mọi công đoạn để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Đôi tay thoăn thoắt đan, đôi mắt Mộng chợt buồn khi nghĩ tới thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT đang vào giai đoạn nước rút.
"Em cũng lo lắng lắm, nhưng cầm lòng không đặng khi thấy mẹ kiệt sức bên đống khung đan chất chồng. Công việc ăn theo sản phẩm nên mẹ ráng làm nhanh nhất có thể. Nhiều lần mẹ thức khuya đan rồi bị hạ canxi, tụt huyết áp. Tất cả cũng vì lo việc học của em bị đứt gánh giữa đường", Mộng bộc bạch.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Huỳnh Như Mộng, học sinh lớp 12CB1, Trường THPT Lương Tâm (xã Lương Tâm, H.Long Mỹ, Hậu Giang), quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Huỳnh Như Mộng; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển số tiền của bạn đọc đóng góp đến em Huỳnh Như Mộng trong thời gian sớm nhất.
Bà Ngô Thị Hằng (45 tuổi, mẹ của Mộng) cho biết vài tháng trước gia đình vẫn còn thuộc hộ nghèo, các khoản chi phí học tập của Mộng được miễn giảm nhiều. Tuy nhiên, sổ vừa bị thu lại vì hết hạn 5 năm. Hoàn cảnh nghèo khó nhưng Mộng có thành tích học tốt, suốt 12 năm liền đều là học sinh khá, giỏi. Thầy cô hay thăm hỏi, động viên nên gia đình không nỡ cho con nghỉ học. Việc học của Mộng không ít lần mấp mé bên bờ dở dang.
"Nếu không có sự giúp đỡ của thầy cô, họ hàng thì chắc gia đình còn gặp khó khăn bội phần. Cha mẹ nào cũng mong con trở thành sinh viên, nhưng con đậu rồi tôi biết lấy tiền đâu cho con đi học", bà Hằng chạnh lòng.
Càng khó khăn, Mộng tự nhủ phải cố gắng mạnh mẽ vượt qua, ráng học để sau này có việc làm ổn định, làm điểm tựa cho các em. Từ khi lên lớp 10, Mộng đã xác định luyện thi các môn thuộc khối tự nhiên. Ước mơ lớn nhất của em là đậu vào ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Cần Thơ. Những ngày này, sau giờ học và đan lục bình, Mộng ôn bài đến khuya.
Cô Nguyễn Ngọc Như, giáo viên chủ nhiệm lớp 12CB1, cho biết Mộng thuộc đối tượng ưu tiên khi có nhà hảo tâm giúp đỡ học bổng, gạo, tập sách. Mộng có thái độ nghiêm túc, nhiều cố gắng trong học tập và năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn. Vì khó khăn, gia đình không dám nuôi hy vọng cho Mộng học tiếp nhưng em luôn khát khao được bước vào giảng đường. Khi họp phụ huynh cuối học kỳ 1, Mộng xúc động chia sẻ hoàn cảnh của mình, mong giáo viên chủ nhiệm cùng em thuyết phục, động viên gia đình. Có điều kiện học đại học hay cao đẳng đối với Mộng đều rất trân quý. Hoàn cảnh của Mộng rất cần được nâng đỡ.
Bình luận (0)