Theo chân nhân vật từ mờ sáng đến tối muộn
Ngày đầu năm 2021, giữa tiết trời se lạnh, chúng tôi tìm đến sân Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để gặp Phạm Thị Huyền Trang, nhân vật chính trong Chương trình Chạm vào ước mơ số 14 do Báo Thanh Niên tổ chức tại tỉnh Quảng Nam năm 2018.
Cô nữ sinh lớp 11 Trường THPT Phạm Phú Thứ, Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam ngày nào từng phụ hồ, nhặt rác kiếm từng đồng giữ mạng sống cho mẹ cho biết, sau khi trở thành nhân vật Chương trình Chạm vào ước mơ, Trang được tiếp tục đến trường, đeo theo con chữ mà không phải nghĩ ngợi về cơm áo gạo tiền. Sau khi đậu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cánh cửa mới được mở ra, cuộc sống của Trang và gia đình giờ đây đã không còn lam lũ như trước.
|
“Khi được ngồi ở giảng đường đại học, nhìn thấy ba mẹ khỏe mạnh thì trong lòng em không một giây phút nào ngừng nhớ ơn bạn đọc Báo Thanh Niên, anh chị phóng viên. Còn nhớ ngày các anh chị theo chân em từ sáng sớm đến tối muộn. Đi từ trường học đến công trình rồi bãi rác để làm phóng sự, để là cầu nối đưa số phận của em đến với bạn đọc. Từ đó, em mới có cơ hội tiếp tục đến trường học…”, Trang nghẹn ngào nhớ lại.
Trang vẫn nhớ như in cái ngày Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Chạm vào ước mơ tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Và điều bất ngờ nhất đối với Trang đó là đến lúc chương trình bắt đầu Trang vẫn không hề hay biết trong buổi chào cờ, những điều ước bất ngờ đang chờ đợi Trang.
“Niềm hạnh phúc, vỡ òa niềm vui mà báo mang đến cho em trong thời điểm gia cảnh kiệt quệ khiến em và gia đình bất ngờ vô cùng. Những điều ước vốn với em chỉ có trong mơ thì Báo Thanh Niên đã biến nó thành sự thật. Giữa ngày hè nắng nóng, các anh chị trong ê kíp chương trình đã ước đẫm mồ hôi, em biết mọi người dốc hết sức trong thời gian dài để cùng bạn đọc của báo “xây ước mơ” cho em và gia đình. Những gương mặt đó em khắc ghi suốt đời… Thanh Niên thật sự đã thay đổi đời em”, Trang kể.
|
Sau giờ học vẫn đến công trình
Kể về gia đình mình ngày hôm nay, Trang cho biết, hiện tại hoàn cảnh gia đình Trang đã đỡ vất vả hơn trước. Bệnh tình của mẹ Trang vẫn đang được chữa trị nhưng gia đình không còn nặng gánh viện phí như trước; 2 anh trai của Trang cũng đã có công việc ổn định; bệnh thận của em gái cũng thuyên giảm… Sau 2 năm cố gắng lao động, khoản nợ nần lúc mẹ lâm bệnh phần nào được trả.
|
Sau giờ học nhóm, chúng tôi lại một lần nữa theo chân cô nữ sinh viên đến công trình, nơi Trang làm việc cách Trường ĐH Bách khoa chừng 15km. Vẫn tháo vác, vẫn siêng năng lao động, khi đến công trình không cần ai phân công công việc, cô gái 19 tuổi lao vào công việc như những người thợ lành nghề.
“Hai năm qua, sau giờ học ở giảng đường, em vẫn đến công trình xây dựng để lao động, phụ giúp anh trai. Từ đó kiếm tiền trang trải sinh hoạt ở TP.Đà Nẵng và gửi tiền về để mẹ lo cơm nước cho cả nhà. Và đó cũng là niềm đam mê đối với ngành xây dựng mà em đang theo học. Những vết thương do dị ứng xi măng đối với em dường như chỉ là thử thách nghề”, Trang cười nói.
|
|
Nhắc đến tình cảm, sự kỳ vọng mà bạn đọc Báo Thanh Niên gửi đến cô nữ sinh 17 tuổi đang ý định nghỉ học để vào miền Nam lao động kiếm tiền thuốc thang cho mẹ, nữ sinh viên Phạm Thị Huyền Trang xúc động tâm sự: “Ngay thời điểm này, nhắm mắt lại đối với em mọi thứ em đều không thể tin, tấm lòng các cô chú, anh chị ngày trước em mãi khắc ghi và dặn lòng sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng những mạnh thường quân. Và hơn nữa, em lại mơ rằng một ngày nào đó em cũng có thể giúp đỡ được những người có hoàn cảnh như em”, Trang nghẹn ngào.
Theo lời Trang kể, tấm lòng của bạn đọc Báo Thanh Niên thật khó nói hết bằng lời. Đến thời điểm hiện tại vẫn có những mạnh thường quân thông qua Chương trình Chạm vào ước mơ đã biết đến em và vẫn còn thường xuyên gửi tiền vào tài khoản của Trang với lời nhắn nhủ: “Con gái cố gắng học hành, khoản tiền không lớn nhưng sẽ đều đặn để con có thể trang trải đời sống sinh viên. Chờ đợi ngày con tốt nghiệp, cô chú sẽ xuất hiện để chung vui cùng nữ kỹ sư và hướng con đến một công việc ổn định”.
Bình luận (0)