Nữ sinh ngành y sợ ế

19/09/2017 15:06 GMT+7

Lướt một vòng quanh các trang Confessions của các trường ĐH y dược, dễ dàng nhận thấy những dòng trạng thái chia sẻ có nội dung như: 'Nỗi lòng nữ sinh viên học y', 'ế là chắc rồi mọi người ơi'…

Học đến bệnh, thời gian đâu mà yêu

Trên trang confessions của Trường ĐH Y dược Huế có dòng trạng thái của một sinh viên nữ giấu tên cũng về chủ đề muôn thuở này và đã nhận được nhiều chia sẻ đồng cảm của các nữ sinh khác. Nữ sinh này đăng: “TÌM NGƯỜI YÊU THẤT LẠC. Chào mọi người! Chẳng là có chuyện hơi khó nói nên hôm nay đăng lên để nhờ anh chị em trong và ngoài trường giúp đỡ. Tình hình là 24 mùa xuân mà vẫn lẻ bóng một mình nên mạo muội đăng lên để tìm thêm bóng nữa đi cùng. Xin giới thiệu qua của đứa chưa một lần được yêu: mình là nữ, sinh viên Y6 (chắc cũng vì học y nên mà ế) chiều cao 1,58 m, số đo 3 vòng đủ để gọi là gần chuẩn, khuôn mặt không được xinh đẹp như hoa hậu nhưng được xếp top ưa nhìn của lớp,…”.

Đồng cảm với dòng trạng thái, cô gái với nick Facebook Vo Trang Nhung bình luận: “em ơi! Chị ra trường 2 năm rồi mà giờ vẫn lẻ bóng đây em. Chắc có lẽ quá tuổi xuân thì. Thôi chấp nhận đi em, chờ duyên vậy”.

Nữ sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM Nữ Vương

Thành viên Lan Thi bình luận: “Tìm được rồi thì người ta cũng bỏ mình đi thôi em. Hết 6 năm mình lại học tiếp nữa, ai mà chờ mình được chứ”.

“Trời ơi! Nỗi lòng nữ sinh viên y luôn chị ơi! Suốt ngày chỉ có học, mở mắt ra là học. Học trên giảng đường, học ở bệnh viện rồi về nhà học. Đến mùa thi thì học đến muốn bệnh thì thời gian đâu còn để nghĩ đến chuyện yêu đương”, Đ.K.V.A (sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM), giải bày.

Nghe nói gái học y, con trai chạy hết rồi!

Sinh viên y luôn là thần tượng của rất nhiều người trẻ, bởi độ giỏi giang và cả tinh thần học tập. Thế nhưng khi tiếp xúc với những cô gái đang theo học ngành này, đa phần đều chia sẻ, con trai mà nghe nói gái học y là bỏ chạy hết.

“Vì sao ư? Học đến gần 10 năm mới mong đi làm được thì ai mà chịu khó chờ mình. Rồi trong đầu chỉ có chuyện học thì làm sao có thời gian dành cho người yêu. Còn con trai nào mà chẳng thích gái đẹp, tụi mình thì toàn lo học là chính, rồi thức khuya học bài nhiều quá nhan sắc ngày càng tàn. Thế đấy, con trai thường có suy nghĩ vậy nên trước khi muốn tìm hiểu một sinh viên học y họ luôn dè chừng, hoặc thậm chí bỏ chạy hết”. Tú Anh (sinh viên Trường ĐH Y dược Huế) chia sẻ.

Còn sinh viên M.H (sinh viên năm 3, Trường ĐH Y dược TP.HCM) thì hài hước chia sẻ: “Học nhiều quá rồi ám ảnh hay sao mà nói chuyện cứ lảm nhảm hay “trớt quớt” vì thế mà trò chuyện với con trai là tụi nó bỏ chạy hết”.

Lê Thị Kiều Nhi (sinh viên năm 2, Trường ĐH Y dược TP.HCM) thì cho rằng: “Môi trường học tập của tụi mình bị thu hẹp, ít giao du bên ngoài với các trường khác nên có tìm hiểu cũng chỉ là trong phạm vi cùng học y. Thứ 2 là các bạn nữ học y thường ít chú trọng vẻ bề ngoài, không hay chưng diện, suốt ngày lo học ròi tự ti nên nhiều khi muốn có người yêu nhưng chẳng biết bắt đầu thế nào. Bên cạnh đó, thông thường cũng vì học nhiều nên có tiêu chuẩn thường là xem trọng những người học giỏi hơn mình, vì thế càng khó kiếm người yêu”.

tin liên quan

Sinh viên y phải thi lấy chứng chỉ hành nghề?
Nhiều khả năng sinh viên tốt nghiệp ĐH ngành y dù học ở trường nào, đều phải trải qua một kỳ thi sát hạch có tính chất quốc gia do Bộ Y tế chủ trì mới được hành nghề.

Có bạn trai rồi cũng sợ bỏ

Trò chuyện với các cô gái đang học y mới thấy được họ có rất nhiều tâm tư về vấn đề này. Và mỗi người lại có một lý do khác nhau cho việc sợ ế của mình.

Khẳng định như đinh đóng cột, Trần Thị Trúc Thu (sinh viên Trường ĐH Y dược Huế) cho rằng: “80% sinh viên y là sợ ế và ế bền vững luôn. Ngoài việc học nhiều nhan sắc đi xuống, không có thời gian yêu đương thì bên cạnh đó, khi học và đi lâm sàng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân. Nhất là bên sản phụ khoa và nam khoa. Tiếp xúc và chứng kiến nhiều nên việc tò mò về cơ thể của người khác giới sẽ không còn nữa. Nên không cảm thấy hứng thú với việc yêu đương. Thế là cũng ế”.

Đ.T.N (cựu sinh viên Trường ĐH Y dược Huế), học 6 năm ra trường và đi làm được 2 năm nhưng vẫn chưa có người yêu, giờ lại tiếp tục học chuyên khoa sản thêm 2 năm nữa. N. chia sẻ: “Lúc xưa gia đình nghèo nên khi đi học cũng chỉ lo học, sợ sau này không tốt nghiệp được, mà học y đã tốn biết bao tiền bạc của gia đình. Nếu học không ra gì, ra trường không được hay không có việc làm thì khổ cho ba mẹ. Thế đó, rồi mình chúi đầu vào học chẳng lo nghĩ gì đến chuyện có người yêu. Rồi ra trường áp lực công việc, giờ lại học tiếp thêm chuyên khoa nữa, chắc là chấp nhận ế luôn hay sao chứ giờ qua tuổi yêu đương rồi tự nhiên thấy không còn muốn yêu nữa”.

Thế nhưng cũng có những trường hợp sợ người yêu bỏ vì thiếu kiên nhẫn.

H.M.H, đang học chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM sau 6 năm học chuyên ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược Huế. H. có người yêu từ lúc còn học phổ thông và yêu đến giờ. Tưởng rất bền vững nhưng cô gái này luôn lo sợ. “Bạn trai cứ nghĩ học ra trường sẽ cưới nhưng mình muốn học chuyên khoa để được về làm đúng khoa mình thích thế là bạn trai lại phải đợi. Học thêm 3 năm nữa nhưng mình rất lo. Thứ nhất không biết bạn ấy có đủ kiên nhẫn đợi mình không. Rồi môi trường làm việc trong ngân hàng của bạn ấy toàn gái đẹp nên mình cũng rất sợ”.

tin liên quan

Nữ sinh 29,1 điểm ước mơ làm bác sĩ khi đường đến giảng đường rất xa
Dù đạt 29,1 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, nhưng cánh cửa vào đại học để nuôi ước mơ trở thành bác sĩ của cô học trò nghèo Lương Thị Phương Thanh (học lớp 12/1 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) dường như rất xa, vì điều kiện gia đình quá khó khăn.
Để thoát nỗi lo sợ ế

Giảng đường, bệnh viện,... riêng những nơi này đã là một chân trời rộng mở cho việc mở rộng mối quan hệ rồi. Vấn đề nằm ở chỗ bạn có mạnh dạn thực hiện hay không. Trong công việc hay trong mối quan hệ, không thể chỉ nằm há miệng chờ sung, đợi chờ cái gì đến sẽ đến mà cần chủ động. Chủ động hoàn thiện bản thân cả về tâm hồn lẫn ngoại hình. Chủ động mở rộng và tìm kiếm mối quan hệ cho bản than. Chủ động hình thành những thói quen tích cực, sắp xếp và dành thời gian dù ít ỏi để chăm sóc bản thân, không tự ti hoặc chây lười. Và luôn nhớ rằng, ai rồi cũng có cách để tỏa sáng, vẻ đẹp tri thức cũng là một vũ khí để thu hút mọi người. Nhưng nhớ phải hài hòa giữa "gỗ” và “sơn”.

Chuyên viên tâm lý, thạc sĩ giáo dục Chế Dạ Thảo 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.