Khoảng 17 giờ ngày 28.3, Lê Nguyễn Uyên My, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM trên đường đi học từ trường về ký túc xá khu B (ĐH Quốc gia TP.HCM). Khi đến đoạn đường gần ký túc xá khu A (ĐH Quốc gia TP.HCM), nữ sinh này bị dây diều quấn lên xe làm chao đảo, dây thả diều cắt vào tay khiến nữ sinh bị trầy xước khắp bàn tay.
Bàn tay khi giữ sợi dây đã bị sợi dây siết vào và cắt thành một vết thương sâu
NVCC
Uyên My kể: “Trên đường đi học về thì đến đoạn bùng binh gần ký túc xá khu A, đầu xe máy của mình bỗng dưng bị nghiêng rồi. Mình cảm thấy lúng túng khi thấy sợi dây và bắt đầu hoảng sợ vì nó bị buộc chặt vào đầu xe. Khi nhìn kỹ thì thấy có một sợi dây từ đâu xuất hiện quấn vào gương xe. Mình bị chao đảo nhưng cố giữ vững tay lái. Sợi dây tiếp tục kéo căng hơn và dần dần kéo ngược về hướng cổ mình. Ngay lập tức mình đã phải dừng xe, thả tay lái để kịp thời giựt sợi dây lại, sau đó người mình bị kéo ngược ra hẳn đằng sau. Nhưng chắc vì nó kéo ngược như vậy nên mình mới không bị ngã xe”.
Rồi Uyên My cho biết thêm: “Lúc bị dây diều quấn vào xe không có xe lớn nào đi qua chứ có xe lớn là mình gặp nguy hiểm tính mạng. Rất nhiều người thấy sự cản đường của mình cũng đã đi chậm lại, tránh bị dây quấn vào, và cũng may là có một anh đã dừng xe, cắt đứt sợi dây dài mắc từ trên cột điện và đang mắc vào mình. Sau đó, anh đã thâu hết đống dây, buộc lại vào cây và rời đi khi chắc chắn không còn một cọng dây nào đánh đu giữa đường nữa”.
Khi được hỏi lý do chia sẻ sự việc bị dây diều quấn vào xe và khiến tay bị thương, Uyên My nói: “Mình mong qua câu chuyện này sẽ giúp các bạn cẩn thận hơn khi chạy xe vì không biết được thứ gì có thể bất ngờ xuất hiện mang đến nguy hiểm cho bạn. Những người thả diều nên có trách nhiệm hơn với nó để không gây ra nguy hiểm cho sinh viên khi đi trên đường”.
Thả diều là thú vui giải trí thu hút nhiều người tham gia. Tuy thả diều là một trò dân gian rất lành mạnh với người chơi nhưng lại có tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với những người đi đường.
Ngay sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, bài viết đã thu hút rất nhiều bình luận của mọi người. Hầu hết mọi người đều cảm thấy cô gái này đã may mắn khi thoát một kiếp nạn. Bởi nếu lúc đấy cô đang đi nhanh thì rất có thể sợi dây diều đó sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Trao đổi với chúng tôi về cách xử dây thả diều quấn vào xe khi di chuyển trên đường, ông Nguyễn Tuấn, đang giảng dạy lái xe máy tại Trường Dạy lái xe TS, Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết khi người trẻ chạy xe trên đường nếu gặp dây thả diều thì cần phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết nhanh chóng. Khi muốn dừng xe để gỡ dây thả diều phải chú ý quan sát xung quanh.
“Người lái xe phải giảm tốc độ, xem gương chiếu hậu để coi có xe phía sau không, rồi bật xi nhan phải, dùng phanh chân để giảm tốc độ, tuyệt đối không dùng phanh đầu xe vì dễ bị ngã xe. Sau đó, hãy cho xe tấp sát vào lề để tìm cách tháo gỡ sợi dây ra khỏi xe máy, nếu tình trạng dây diều nhiều quá thì nên báo cho cơ quan chức năng để xử lý”, ông Tuấn chia sẻ.
Vị chuyên gia dạy lái xe máy này lưu ý khi di chuyển trên đường, người lái xe phải thật tập trung quan sát phía trước tay lái, không lơ là để có thể xử lý những trường hợp giao thông bất ngờ đặc biệt là dây thả diều. Người lái xe khi chú ý quan sát thì mới giúp bản thân an toàn khi di chuyển trên đường. Bên cạnh đó, người điều khiển xe máy cần chạy xe có tốc độ vừa phải, đúng quy định về tốc độ theo biển chỉ dẫn giao thông.
Thả diều để gây thương tích người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Ông Nguyễn Văn Thành (Phó chủ tịch Hội Luật gia Q.10, TP.HCM) từng trả lời trên Báo Thanh Niên về tại một số khu vực đặc biệt như gần sân bay, đường dây điện cao áp… pháp luật cấm thả diều. Còn nói chung, người dân được tự do vui chơi, lựa chọn thời gian, địa điểm thích hợp song phải đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Trong trường hợp để diều hoặc dây diều gây thương tích hoặc thậm chí tử vong cho người khác thì tùy theo tính chất, mức độ, người thả diều có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” hoặc “vô ý làm chết người” theo Điều 138, Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
"Nếu việc thả diều gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31%, người thả diều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại cho người đó theo quy định của pháp luật, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền”, ông Thành chia sẻ.
Bình luận (0)