Nữ sinh viên phải làm mẹ - Kỳ 3: Tình chỉ đẹp đến khi... thử thai 2 vạch

Lưu Trân
Lưu Trân
02/11/2018 09:39 GMT+7

Đang là hoa khôi của trường, cô sinh viên tên Linh bị "đẩy" vào ngã rẽ mới của cuộc đời khi thử thai 2 vạch. Cô nhận được câu hỏi phũ phàng: "Có chắc chắn là anh làm ra không?” khi thông báo cho người yêu.

“Nó xinh lắm, cũng thuộc dạng hoa khôi của trường chứ không ít đâu. Mà đúng như ông bà ngày xưa nói, hồng nhan thì bạc phận. Đang học hành giỏi giang, xinh xắn, bao nhiêu người mê tự dưng ưa phải thằng sở khanh, có bầu rồi nó bỏ trốn luôn để con nhỏ ôm cái bụng chà bá”… là những gì nhiều người nói về Thùy Linh (22 tuổi, quê Cà Mau).
Đứa con may mắn nhất trong gia đình
Tôi tìm gặp Thùy Linh tại một phòng trọ nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
Nhiều cô gái không đủ dũng cảm để giữ lại giọt máu của mình Lê Ái
Có lẽ lý do cho buổi gặp gỡ hôm nay cũng như việc chia sẻ mọi thứ về bản thân mình cho một người xa lạ như tôi khiến Linh ngại ngùng và thoáng chút bối rối. Phải mất một lúc lâu để thuyết phục, tôi mới được nghe cô gái này chia sẻ về cuộc đời đầy biến cố của mình.
Linh cho biết: “Em có anh trai với một em gái nữa, nhưng trong nhà thì em là đứa con may mắn nhất rồi. Em gái em bị bại liệt bẩm sinh, còn anh của em học đến hết lớp 9 thì nghỉ vì ngày xưa nhà nghèo quá, không có tiền lo cho anh đi học. Đến khi sinh ra em thì kinh tế gia đình khá hơn nên ba mẹ quyết tâm cho em ăn học tới nơi tới chốn, không để em thiệt thòi với bạn bè. Vậy mà cuối cùng em lại là đứa làm ba mẹ buồn nhiều nhất”.
Xuôi dòng ký ức của Linh trở về 2 năm trước, Linh lúc đó là cô sinh viên năm nhất từ tỉnh lẻ lên Sài Gòn. Đang giai đoạn bị choáng ngợp và có phần khó bắt nhịp được với cuộc sống mới thì Linh gặp Xuân Hoàng (25 tuổi, quê Long An). Với Linh, đây là người cho cô cảm nhận được “như thế nào là hạnh phúc và đau khổ tột cùng trong tình yêu”.
“Sinh viên năm nhất tụi em được các anh chị khóa trên hướng dẫn và quan tâm nhiều lắm. Trong số đó thì em ấn tượng nhất với anh Hoàng, học trên em 2 khóa. Ảnh tâm lý cực kỳ, có lần em bệnh nên ảnh mua thuốc rồi tự nấu cháo đem qua cho em ăn. Đến cuối học kỳ 1 thì em nhận lời yêu anh, nhưng tình yêu của tụi em lúc đó chưa mặn nồng lắm nên đến cuối năm nhất thì đường ai nấy đi rồi”, Thùy Linh nhớ lại.
Linh kể, mối tình đầu dang dở khiến Linh “sợ yêu” và chỉ muốn tập trung cho việc học tập. Cũng nhờ có nhan sắc nổi bật cùng thành tích học tập khá, cô sinh viên miền Tây nhanh chóng trở thành "đối tượng" của nhiều anh si tình học cùng trường.
“Vậy mà chắc do tụi em chưa hết duyên nên đến gần cuối năm 2 thì em với anh ấy lại có dịp làm việc chung với nhau khi cùng tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ cho khoa. Khi đối mặt với anh thì em thấy bản thân vẫn còn nhiều tình cảm lắm, anh cũng nói muốn quay lại nên em đồng ý và tụi em bắt đầu xây dựng lại từ đầu”, nữ sinh viên tâm sự.
Làm mẹ đơn thân là một thử thách lớn với những nữ sinh viên trót mang bầu Lê Ái
Người yêu trở mặt khi biết tin về cái thai
Mọi thứ vẫn tốt đẹp, cả hai vẫn rất hạnh phúc cho đến một ngày Linh cảm thấy cơ thể khác lạ, cô bộc bạch: “Tự dưng em cứ thấy người mệt mỏi, mỗi lúc nghe mùi đồ ăn lại buồn nôn và rất thèm đồ chua. Em lén đi mua que thử thai, kết quả ra 2 vạch. Lúc đó em sợ lắm, em nghĩ đến cảnh về quê bị dè bỉu, bị cha mẹ la rầy nên em nói với anh để xin gia đình hai bên cho làm đám cưới”.
Thế nhưng, tất cả không hề giống như những lời người yêu hứa hẹn với Linh lúc trước, ngay khi biết tin cô có thai, Hoàng lập tức trở mặt và phủi bỏ mọi trách nhiệm. Anh ấy nói: “Không được đâu em ơi, mình còn trẻ, tương lai còn ở phía trước mà giờ có con rồi đám cưới nữa thì ràng buộc nhau lắm. Với lại em kiểm tra hoặc nghĩ kỹ lại xem, anh với em cẩn thận lắm rồi làm sao mà có bầu được, có chắc chắn là anh làm ra không?”.
Ngay sau câu nói vô tình của người yêu, Linh như chết đứng không nói được câu gì. Cô mới chỉ là cô sinh viên năm 2 đại học, chỉ vì quá yêu và tin Hoàng là một người đàn ông có trách nhiệm để rồi bây giờ phải rơi vào bế tắc.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng nhiều nữ sinh viên vẫn dũng cảm đi con đường mình đã chọn Ảnh minh họa: Shutterstock
“Em không nghĩ được gì ngoài cảm giác tuyệt vọng và mất niềm tin kinh khủng. Em có thể hiểu và chịu được việc ảnh bất ngờ hoặc sợ hãi khi có con, nhưng chính câu nói có “chắc chắn là anh làm ra không” của ảnh khiến em quyết định chấm dứt mọi thứ”, Linh nói.
Cô cho biết, bản thân mình đã nghĩ rất nhiều về tương lai, về gia đình, về tất cả những khó khăn mà cô phải đối mặt sắp tới. Cuối cùng Linh chọn… phá thai. “Nhưng không hiểu sao lúc bước chân tới cửa phòng khám thì tay chân em cứ bủn rủn, em không có đủ can đảm để giết chết con của mình”, Linh vừa dứt lời thì đứa nhỏ nãy giờ ngủ say trên nệm cựa mình rồi khóc. Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm gián đoạn để bà mẹ trẻ dỗ dành con nhỏ.
Nhìn Linh thành thạo trong vai trò một bà mẹ bỉm sữa, tôi cứ thắc mắc không biết Linh đã đấu tranh tư tưởng như thế nào, và cô sẽ làm gì cho những tháng ngày tiếp theo? Đáp lại tôi bằng một nụ cười nhẹ, cô gái trẻ nói: “Em đã mất cả tuần trời chỉ để nằm khóc và phân vân giữa việc giữ lại hay phá bỏ cái thai. Cuối cùng em quyết định xin bảo lưu kết quả học tập và đi làm lấy tiền chờ tới ngày sinh. Sinh xong em mới về tạ lỗi với ba mẹ, chứ lúc đó đâu dám nói ra, chắc chắn ba mẹ bắt phá thai ngay vì tiếc cho tương lai của con cái mà”.
Tránh gặp mặt ba mẹ vì sợ bị phát hiện
“Lúc mới có thai thì em vẫn về thăm nhà định kỳ mỗi tháng 1 lần, nhưng khi bụng lớn thấy rõ thì em không dám về nữa. Em nói với ba mẹ là dạo này đi học nâng cao nên bận lắm. Mỗi lần điện thoại về nhà nghe giọng ba mẹ mà nước mắt em cứ chảy không tài nào ngăn lại được. Em nhớ nhà, em thấy có lỗi với ba mẹ nhiều lắm”, giọng Linh nghèn nghẹn.
Vẫn luôn có những tấm lòng dành cho các đứa trẻ sinh ra không có cha bên cạnh Lê Ái
Để có tiền trang trải cuộc sống và dành dụm cho ngày sinh con, Linh xin làm thêm rất nhiều việc từ gia sư tại nhà cho đến bưng bê, rửa chén bát cho quán ăn, thậm chí làm giúp việc theo giờ cho các gia đình có nhu cầu. Không ít lần vì có bầu hay đói và thèm ăn, Linh phải “vừa rửa chén cho quán vừa lén ăn vội tô cơm với ít đồ ăn dư của buổi bán trước”.
Như được đà để trút bầu tâm sự, bà mẹ trẻ kể liên tiếp những lần ba mẹ lên thành phố thăm mà cô phải bỏ trốn: “Em đang bụng bầu vượt mặt, mẹ em nhớ quá nên đem bao nhiêu đồ ăn, trái cây lên thăm mà lại không báo trước. Mẹ lên tới trường thì gọi em, em hoảng quá phải nhờ bạn ra đón mẹ rồi nói dối là em đi thực tập ở xa rồi. Lúc bạn em đưa mẹ ra bến xe, em có lén đi theo để nhìn mẹ một cái, nhìn mặt mẹ buồn buồn mà em cứ cảm thấy bản thân em là một đứa con bất hiếu”.
Nghe Linh kể, không hiểu sao tôi cứ mong thật nhanh đến đoạn cô chuyển dạ sinh con, chắc do câu chuyện đời Linh buồn quá, khổ quá, cũng có thể do tôi cảm nhận được ở Linh sự mạnh mẽ vô cùng nên rất mong được nghe cô nói về cái cách vượt qua khó khăn của mình.
Sẽ gởi con về quê để tiếp tục đi học
Bà mẹ trẻ tâm sự: “Người ta có bầu thì được chồng yêu thương, chiều chuộng, được mọi người chúc mừng. Em có bầu thì phải che giấu, lúc nào cũng chỉ có một mình. Hôm em sinh con cũng phải tự bắt taxi vào viện nằm chờ. Em tủi thân kinh khủng, cái cảm giác ngày hôm đó có lẽ cả cuộc đời này em cũng không bao giờ quên đi được”.
Đã rất lâu rồi cô chẳng biết đến những cuộc vui chơi, sinh nhật bạn bè hay tham gia hoạt động ngoại khóa, cứ sáng đi làm đến tối về phòng “nằm mà chảy nước mắt”. Bạn bè thấy Linh nghỉ học thì bàn tán xôn xao, cô cười buồn: “Em biết nhiều người đoán già đoán non rồi mỉa mai này kia, nhưng em quyết rồi, đã chọn hướng này để đi thì phải đi tới cùng, quay đầu lại chỉ thấy xót xa hơn thôi”.
Cô cũng chia sẻ thêm, suốt từ ngày biết tin có thai đến nay, khi đứa bé đã được gần 3 tháng tuổi “chưa một lần anh ấy gọi điện hay gửi một tin nhắn hỏi thăm mẹ con em, mà thực lòng em cũng chẳng còn tha thiết hay mong chờ gì ở con người sở khanh, tệ bạc đó nữa rồi”.
Với Linh, những tháng ngày sắp tới chỉ mong công việc được ổn định, “đợi khi con lớn hơn chút em sẽ gửi về quê cho ba mẹ chăm rồi quay trở lại trường học, lấy cái bằng tốt nghiệp mà đi làm, nuôi con, báo hiếu ba mẹ thôi”.
Không có con đường nào gọi là đường cùng!
Được biết đến là một "bà mẹ của những bà mẹ đơn thân" tại TP.HCM, sư cô Chúc Từ (40 tuổi) chia sẻ quan điểm của bản thân về tình trạng nữ sinh viên làm mẹ khi còn trên ghế nhà trường: "Đây vốn không phải chuyện hiếm có nữa, các em khi tuổi còn trẻ, bản thân chưa có việc làm, mọi chi phí ăn học, nuôi con phải phụ thuộc vào gia đình khiến họ khó khăn trăm bề. Để các sinh viên tiếp tục trụ lại giảng đường là một sự quyết tâm lớn, họ rất cần nhận được sự cảm thông và sẻ chia của nhà trường cũng như toàn xã hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết rõ một điều là không phải ai có thai ngoài ý muốn cũng may mắn được gia đình chấp nhận, rất nhiều người khi rơi vào hoàn cảnh đó sẽ thấy cuộc sống bế tắc và suy nghĩ tiêu cực. Vậy nên tôi rất mong các bạn trẻ hay thật thận trọng, phải sống có trách nhiệm với chính tương lai của mình và gia đình mình. Một khi đã lầm đường lỡ bước thì cũng đừng từ bỏ giọt máu của mình, chỉ cần các em tìm đến thì tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ. Tôi luôn tâm niệm rằng, không có con đường nào gọi là đường cùng, quan trọng là bản thân mỗi chúng ta có tự cho chính mình cơ hội để đi tiếp hay không mà thôi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.