(TNO) Mặc dù cha mẹ mất, em gái mới học lớp 2, phải nghỉ học để đi làm, nhưng Nguyễn Thu Hà đã quay trở lại con đường học tập một cách ngoạn mục để trở thành thủ khoa toàn khóa với số điểm tốt nghiệp 9,0.
Nguyễn Thu Hà trong ngày tốt nghiệp - Ảnh: Trường CĐ Nghề Việt - Mỹ cung cấp
Sóng gió bất ngờ
Năm 2009, bố Hà đột ngột qua đời. Đây là sóng gió bất ngờ ập xuống ngôi nhà nhỏ của Hà vì trước đó, bố Hà còn rất khỏe mạnh. Đến năm 2011, đến lượt mẹ Hà mất sau hơn một năm trời nằm liệt giường vì bị ung thư. Lúc này, Hà đang học năm thứ 2 tại Trường CĐ nghề Việt - Mỹ. Em gái Hà chỉ mới học lớp 2!
Ngay sau khi bố mất, Hà phải bảo lưu kết quả học tập của mình để chăm sóc mẹ. Trong thời gian này cũng như sau đó, Hà bước vào đời làm việc. Cô đi bán hàng, đi phục vụ…, làm mọi thứ để không phải nhờ vả đến người khác. Hà kể mình thích nhất làm vào các ngày tết vì có… lương cao. Ba mùa tết, năm nào cô cũng đến quán quen bán… bún đậu mắm tôm!
Khó ai có thể tưởng tượng được những ngày đi làm thêm ấy Hà cô đơn đến thế nào. Bố mẹ mất, em gái gửi dì ruột nuôi tận Hà Nội, ở TP.HCM chỉ có mình Hà tự bươn chải. Những ngày tết lại càng buồn, vì mẹ Hà mất vào đúng ngày mùng 1 tết. Hà vẫn luôn nghĩ, quay lại việc học là “xa xỉ phẩm” đối với bản thân mình. Nhưng chính những ngày đó khiến cô suy nghĩ lại.
“Có một lần em đi bán hàng, phải nói chuyện với hai người khách bằng tiếng Anh. Em bỗng nhận ra kiến thức, vốn ngoại ngữ của mình “bay” đi đâu mất. Và đi làm không bằng cấp thì khó mà tiến xa hơn được. Em ngỏ ý xin các dì giúp giùm học phí để đi học lại. Nhưng ngày xưa em rất hư, ham chơi nên các dì giận. Bây giờ đi học lại, các dì cũng ngần ngại. Em biết, mình phải cố gắng gấp 9, 10 lần để được đi học và lấy lại niềm tin của người thân trong gia đình mình”, Hà kể lại.
Nguyễn Thu Hà đang tiếp tục ước mơ của mình - Ảnh: Đăng Nguyên
Tiếp tục ước mơ
Qua quá trình đi làm thêm, Hà rất háo hức khi quay lại học. Nhưng bắt đầu có những khó khăn. Bảo lưu quá lâu, Hà không được tiếp tục sử dụng kết quả học tập trước đó mà phải học lại từ đầu. Không có xe máy nên Hà phải đi xe buýt, vừa lên trường vừa đi làm thêm. Nhưng điều khó nhất là Hà phải bỏ qua cảm giác tủi thân khi học lại. Tủi thân vì bạn bè cùng lớp trước đây của mình đã ra trường, đang làm trong những công ty lớn, có mức lương cao. Trong khi mình vẫn ngồi loay hoay học lại.
Nhưng Hà bắt đầu nhận ra mình may mắn. Vì qua một đoạn bể dâu, bản thân thấy trân trọng việc học hơn trước đây rất nhiều. Nếu như ngày xưa có lẽ Hà không thấy yêu thích việc học đến như vậy. Hà cũng tự nhận mình là người hiếu thắng, luôn nghĩ rằng mình đi học lại, nếu không hơn được người khác thì không làm được trò trống gì. Cô vừa đi làm vừa học ngày học đêm, cố gắng đoạt điểm cao nhất trong mỗi môn học. Với Hà, còn có một điều tâm linh, là cô luôn nghĩ rằng những điều mình làm được sẽ để bố mẹ ở nơi xa dõi theo. Mỗi môn học được vinh danh tên trong danh sách những người đứng đầu lớp, Hà lại chụp hình gửi cho dì, như sự đền đáp với người đã tạo cơ hội cho mình tiếp tục ước mơ.
Ngày nhận bằng tốt nghiệp với kết quả thủ khoa đầu ra, Hà phát biểu: “Chúng ta đều biết, cuộc sống không có gì là dễ dàng cả. Phải mất mát rồi con người ta mới biết trân quý những gì đã từng có, và cố gắng vì những gì đang có. Tôi cũng vậy, khi còn trong vòng tay yêu thương của gia đình tôi cũng không hiểu, cứ cho đó là điều đương nhiên, đến khi mất đi rồi mới thấy tiếc nuối, lại càng phải cố gắng hơn vì những người còn hiện hữu. Tôi luôn nghĩ rằng, không bao giờ là quá muộn để quay trở lại, cũng không bao giờ là quá muộn để thực hiện ước mơ của mình. Chỉ cần mình còn tin tưởng vào bản thân, còn tin tưởng vào ước mơ, và thêm vào đó là rất nhiều bàn tay đưa ra cho tôi nắm lấy, cùng với sự yêu thương, thông cảm từ những người xung quanh (điều mà tôi đã rất may mắn có được) thì không gì là không thể”.
Ra trường, Hà làm việc tại một khách sạn đa quốc gia và hiện tại vẫn viết tiếp cho câu chuyện về ước mơ của mình. Hà nói mình sẽ tiếp tục đi học với tâm thế cố gắng hết sức mình như điều vừa làm được.
Bình luận (0)