Đó là chị Hồ Thị Kiên (28 tuổi), người dân tộc Chứt, Trưởng bản Rào Tre, xã Hương Liên, H.Hương Khê, Hà Tĩnh.
Phá lệ làng
Bản Rào Tre chỉ có mấy chục hộ gia đình nên tìm nhà chị Kiên không mấy khó. Khi tôi đến, chỉ có hai đứa con của chị, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi đang chơi trước nhà nằm sát chân núi Ka Đay. Bà Hồ Lương (nhà cạnh bên) đang cõng đứa cháu sau lưng, nói vọng sang: “Trưởng bản Kiên không có nhà mô. Lúc sáng, ta thấy hắn chở một cháu học lớp 9 trong bản ra trường dân tộc nội trú ngoài thị trấn rồi. Chắc đến chiều mới về. Chồng hắn đi rừng, hai đứa con của hắn nhờ ta trông hộ”.
tin liên quan
Gian nan hành trình tặng nước sạch cho vùng địa đầu Tổ quốcTừ đồng bằng ngược lên miền núi xa xôi, hành trình “Xả 1 lần cùng Comfort, tiết kiệm cho bạn, giúp vùng hạn mặn” đã đến Hà Giang và Yên Bái để trao tặng nguồn nước sạch quý giá cho bà con nơi đây.
Khoảng 3 tiếng sau, chị Kiên đạp xe về nhà. Nữ trưởng bản có nước da rám nắng, vóc người mảnh khảnh, chào tôi bằng nụ cười thân thiện. Thấy mẹ về, hai đứa con mặt lấm lem chạy lại, sà vào lòng mẹ. “Tui làm trưởng bản khi thằng Tiến mới 8 tháng tuổi. Việc trong bản thì nhiều mà chỉ một mình đảm đương nên cũng khá vất vả, từ việc chở học sinh đi học đến chở người già bệnh tật tới bệnh viện. Thời gian chăm sóc con cái cũng ít đi. May được cái hai đứa này dễ nuôi nên chúng cứ lăn lóc rứa đó”, chị Kiên nói.
Theo phong tục của người Chứt, người giữ chức trưởng bản thường là nam giới lão làng, giỏi việc săn bắt, hái lượm, thông thạo ngõ ngách núi rừng. Những người tuổi đời còn trẻ như chị Kiên có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày làm trưởng bản. Theo tục lệ, khi trưởng bản cũ cảm thấy không đủ sức, đủ tài để lãnh đạo dân bản nữa thì được phép chỉ định một người lớn tuổi khác trong họ tộc lên thay.
Giữa năm 2015, được sự vận động của UBND xã Hương Liên và Tổ công tác cắm bản Rào Tre (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), người Chứt ở bản Rào Tre đã “phá lệ làng”, tiến hành bầu cử để chọn ra người trưởng bản “có chữ”. Lúc đó, chị Kiên nổi lên trong bộ tộc để người dân tin tưởng, bởi khi ra khỏi rừng, chị là một trong số ít lớp trẻ của làng được theo học con chữ. Vợ chồng chị sống thật thà, chịu khó làm ăn nên được người trong bản nể trọng. Và chị đã trở thành nữ trưởng bản trẻ tuổi đầu tiên của người Chứt khi hầu hết số phiếu đều ghi tên Hồ Thị Kiên.
|
tin liên quan
Ngân hàng của đại gia chân đất: Người vay nói miệng, không phải trả lãiĐó là một ngân hàng kỳ lạ: người đến vay hợp đồng miệng rồi cầm tiền về, không phải trả lãi, người cho vay lắm lúc phải đi vay ngân hàng (có trả lãi) để về cho người khác vay không lãi…
Phải làm cho dân tin
Chị Kiên tâm sự, thời gian đầu làm trưởng bản gặp rất nhiều áp lực. Trước khi được Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đưa ra khỏi rừng sâu, người Chứt vẫn giữ các hủ tục truyền thống như hôn nhân cận huyết, sinh con ngoài bờ suối và tin có ma rừng. Lâu nay, do các trưởng bản không biết chữ nên việc xóa bỏ các hủ tục, tuyên truyền các chính sách về an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi chỉ sau thời gian ngắn, ngay cả những người từng bỏ phiếu bầu chị Kiên cũng đòi chị “trả” chức cho trưởng bản cũ. Những cuộc họp đều diễn ra nửa chừng vì người dân bỏ về hết. Dân làng ngày đó vẫn còn hoài nghi về cách trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc nên không chịu lao động. Chị Kiên còn bị người dân cho rằng phản bội “lề luật” khi vận động phụ nữ không được sinh con ngoài bờ suối và khuyên người bệnh tật phải đi bệnh viện.
|
Sau nhiều đêm thức trắng, chị Kiên quyết định mình phải là người tiên phong trong các phong trào. “Muốn người dân tin, chỉ còn cách cho họ thấy việc nuôi trồng mang lại hiệu quả mà không phải vất vả vào rừng săn bắt, kiếm miếng ăn. Muốn xóa bỏ hủ tục thì phải cho họ thấy được hiểm họa đang đe dọa dân làng”, chị Kiên nói.
Được sự giúp đỡ của Tổ công tác cắm bản Rào Tre, nữ trưởng bản bắt đầu tăng gia sản xuất. Đất không phụ công người, khi thấy ruộng lúa trĩu hạt, những chú gà, chú heo béo trong chuồng nuôi của gia đình chị, dân bản mới bắt đầu trầm trồ. Cũng từ đó, người dân làm theo và tin tưởng tuyệt đối vào nữ trưởng bản trẻ tuổi. Để mùa vụ đúng lịch, chị Kiên phải dậy sớm từ 4 giờ sáng, thúc giục bà con ăn sáng rồi đi cấy, đến mùa gặt cũng tương tự.
Bây giờ, điều chị Kiên lo nhất là việc dựng vợ, gả chồng cho các con em trong bản. Còn việc phụ nữ tự mình “vượt cạn” ngoài bờ suối thì không lo nữa vì chị em đã quyết tâm xóa bỏ được tập tục này. “Việc người Kinh đến lấy con gái bản, ở rể thì dễ, còn con gái mà đi lấy người Kinh thì gặp khó vì phong tục tập quán. Nếu không giải quyết được việc này thì tình trạng hôn nhân cận huyết lại có nguy cơ tái diễn”, chị Kiên cho hay.
Bà Hồ Nam, nguyên Trưởng bản Rào Tre, nói rằng bà không ngờ chị Kiên làm được việc, thậm chí còn làm tốt hơn những người trưởng bản trước đó. Bà nói: “Giờ làm lãnh đạo mà mù chữ thì nói ai nghe. Vả lại, dân ta mỗi khi ốm đau, nếu không có người trong bản biết đi xe máy chở đi bệnh viện cấp cứu thì cũng nguy lắm”.
tin liên quan
Ba đêm lội rừng tìm... Tuộc A LoangTuộc A Loang trong tiếng Pru Vân Kiều có nghĩa là... thuyền độc mộc. Và nếu không có 3 đêm lội rừng đến rã cả chân thì hẳn đến giờ Bảo tàng Quảng Trị, một trong những bảo tàng được cho là hoành tráng ở miền Trung, khó có thể có hiện vật quý này để trưng bày...
Ông Đinh Văn Sánh, Chủ tịch UBND xã Hương Liên, cho hay từ ngày chị Kiên lên làm trưởng bản, qua sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, chị đã tổ chức họp được dân, hướng dẫn chị em phụ nữ công tác kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe mẹ và bé... Đây là những việc làm nổi bật mà các vị trưởng bản trước đó của người Chứt chưa làm được...
Buổi trưa, tiếng gà cục tác và tiếng ủn ỉn của đàn heo trong chuồng của gia đình chị Kiên hòa lẫn âm thanh của ti vi phát từ những ngôi nhà sàn gần bên mang lại cảm giác yên bình. Cuộc sống của người dân trong ngôi làng nằm nép mình dưới chân núi Ka Đay đang đổi thay từng ngày nhờ có một phần công sức của nữ trưởng bản Kiên.
Bình luận (0)