Nữ tiến sĩ Việt được mời sang Pháp làm nghiên cứu

Hà Ánh
Hà Ánh
03/09/2018 20:20 GMT+7

Nguyễn Thị Mộng Điệp (Trường ĐH Quy Nhơn) là nữ tiến sĩ được Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA) mời tham gia hợp tác nghiên cứu.

Tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mộng Điệp (35 tuổi) đang là giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp ĐH loại giỏi chuyên ngành sinh học tại trường này, cô được giữ lại làm giảng viên và hoàn thành tiếp bậc thạc sĩ.

Năm 2010, giảng viên này được nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Trường ĐH François-Rabelais và Viện Nghiên cứu nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA - Institut National de la Recherche Agronomique) theo Đề án Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Kết quả, giảng viên này đã tốt nghiệp tiến sĩ hạng xuất sắc (très honorable) và được giấy khen của hội đồng bảo vệ. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, tiến sĩ Mộng Điệp còn nhận được học bổng tham dự hội nghị khoa học quốc tế tại Na Uy và Hàn Quốc. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mộng Điệp (thứ 2, bên trái sang) cùng các giáo sư tại INRA (Pháp) Ảnh NVCC

Đến thời điểm này, tiến sĩ Điệp đã có thành tích “dày cộm” các công bố trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI và là đồng tác giả trong cuốn sách về tế bào có tên “Bases of Structural and Cell Biology”.

Chia sẻ về hướng nghiên cứu của mình, tiến sĩ Điệp cho biết tập trung vào vai trò của protein AMPK (là một protein quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tế bào). Loại protein này lần đầu tiên được tìm thấy trên tinh trùng lợn năm 2012 do 1 nhóm nghiên cứu thuộc một trường ĐH ở Tây Ban Nha. Năm 2014, vai trò của AMPK lần đầu tiên được công bố trên tinh trùng gia cầm tươi và năm 2015 trên tinh trùng gia cầm đông lạnh do nhóm mình công bố”, tiến sĩ Điệp cho hay.

Tiến sĩ Điệp tiếp tục hướng nghiên cứu này và năm 2017 đã có công bố quốc tế đứng tên riêng. Cách đây chưa tới một tháng, nhà nghiên cứu trẻ này đã có bài đăng trên Tạp chí Poultry Science về các con đường tín hiệu ảnh hưởng đến sự chuyển động của tinh trùng gia cầm.

Từ chối Mỹ, Pháp để trở về Việt Nam

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, dù nhận được lời mời làm sau tiến sĩ tại Trường ĐH Kentstate (Mỹ) và Viện nghiên cứu nông nghiệp quốc gia (INRA) (Pháp) nhưng tiến sĩ Điệp quyết định trở về nước tiếp tục công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn. Nhưng bên cạnh công việc chính tại Việt Nam, hiện tại tiến sĩ Điệp đã nhận lời mời hợp tác nghiên cứu và làm việc tại INRA (6 tháng/năm) và dự án hợp tác kéo dài đến năm 2022.

“Viện này mời làm việc toàn thời gian nhưng mình chọn hướng 6 tháng bên này và 6 tháng bên kia để có thời gian phục vụ trong nước. Lý do khá quan trọng là dù về nước 3 năm nhưng điều kiện khó khăn không có phòng thí nghiệm làm việc nên đây là cơ hội để mình tiếp cận với điều kiện nghiên cứu tốt hơn”, tiến sĩ trẻ bộc bạch.

Nghiên cứu trước mắt của giảng viên trẻ này là tập trung về tính đa hình của các biến thể hCG (một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai) và vai trò cụ thể của chúng trong sinh lý và sinh lý của thai kỳ. Nghiên cứu này nhằm giúp phát hiện các bệnh về thai sớm như hội chứng Down, chửa ngoài dạ con… để có những biện pháp điều trị kịp thời trong thời gian sớm nhất.

Trăn trở về tương lai, tiến sĩ Điệp chia sẻ: “Mình theo đuổi 2 hướng nghiên cứu này với mục đích góp phần phục vụ một phần nào đó cho công nghệ hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam. Trong tương lai mình mong ước sẽ xây dựng được một phòng thí nghiệm tại Trường ĐH Quy Nhơn để có thể vừa thực hiện nghiên cứu khoa học vừa phục vụ cho công tác giảng dạy về lĩnh vực này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.